Giữ lửa hôn nhân:

Giữ ấm hạnh phúc bằng quy tắc “tức giận trong hôn nhân”

THU VÂN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong hôn nhân, chuyện vợ chồng tức giận, mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày là không tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để khi giận dữ cãi vã, vợ chồng vẫn không làm tổn thương nhau, tình cảm vẫn bền chặt là điều mà không phải cặp đôi nào cũng làm được…

Giữ ấm hạnh phúc bằng quy tắc “tức giận trong hôn nhân” - ảnh 1
Vợ chồng cần có những quy tắc “tức giận trong hôn nhân” để không đẩy mâu thuẫn trầm trọng khiến tình cảm đổ vỡ Ảnh minh họa

Cứ giận là “lành làm gáo, vỡ làm muôi”
6 năm gắn bó trong cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không nghĩ một ngày họ lại ra tòa ly hôn. Để đi đến quyết định này, chị Hiền cũng đã có một thời gian trăn trở, trì hoãn vì nghĩ đến hai đứa con còn nhỏ. Nhưng những tổn thương mà chị nhận về sau mỗi lần vợ chồng cãi nhau từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống ngày một lớn, khiến chị không còn đủ sức “trụ lại” với cuộc hôn nhân này. 

- Anh ấy có thói quen hễ vợ chồng mâu thuẫn cãi nhau là anh ấy tức giận ứng xử theo kiểu “Lành làm gáo vỡ làm muôi”. Anh dùng từ ngữ xúc phạm vợ nặng nề khiến tôi cảm thấy mình bị anh biến thành “súc vật” chứ không phải là người. Không chỉ có lời nói sát thương, hành động của anh ấy cũng “tàn sát” không kém. Nếu không đập phá đồ đạc thì anh ấy động chân, động tay với tôi. Hậu quả, mỗi lần vợ chồng cãi vã là nhà cửa thành “chiến trường”, còn tôi bị thương cả về thể xác lẫn tinh thần - chị Hiền nói tại phiên tòa xử ly hôn của họ.  

Bên kia, anh Nguyễn Văn Tuấn (chồng chị) thanh minh với tòa rằng do mình nóng tính nên không thể kìm chế được lời nói lẫn hành động. Các cụ dạy, “Cơm sôi bớt lửa, chồng nóng thì vợ bớt lời”, nhưng vợ anh chẳng những không bớt mà còn thêm vào rất nhiều câu nói giống như đổ thêm xăng vào lửa, khiến anh càng không thể kiềm chế được bản thân. Anh bảo, giá như chị biết nhẫn nhịn, biết “thua” chồng một chút thì có lẽ họ sẽ không đến nông nỗi này. Không chấp nhận sự đổ lỗi của chồng, chị Hiền bảo sự nhẫn nhịn cũng có giới hạn trong khi chồng không chịu thay đổi, nên mới có chuyện chị phản kháng trở lại.

Câu chuyện vợ chồng mâu thuẫn, giận lên là ứng xử với nhau theo kiểu “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” như vợ chồng chị Hiền không hiếm trong cuộc sống, khi mà tình trạng nam nữ kết hôn còn thiếu và yếu các kiến thức, kỹ năng chung sống rất phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng “ly hôn xanh” ngày càng gia tăng trong nhiều năm gần đây. 

Bà Lê Thị Miền (Phúc Thọ, Hà Nội) có hai con trai đều ly hôn, buồn rầu kể, nhiều lần chứng kiến cảnh các con trai, con dâu chửi mắng, xúc phạm nhau từ chuyện nhỏ nhặt xé dần thành to, bà răn dạy nhiều nhưng chẳng đứa nào nghe. Hậu quả là hôn nhân đổ vỡ, mấy đứa cháu vô tội khổ theo. “Cả hai con dâu của bà đều kém tuổi chồng. Con dâu cả kém chồng 9 tuổi, dâu thứ kém 5 tuổi, nhưng mỗi lúc vợ chồng cãi nhau là xưng hô “mày, tao” kiểu cá mè một lứa với giọng điệu thách thức chồng. Hai con trai tôi không chấp nhận kiểu xưng hô “hỗn láo” ấy nên tăng thêm “tội mất dạy” cho vợ, hành xử nặng nề hơn khiến sự việc càng trầm trọng. Cứ thế, mỗi lần chúng cãi nhau lại khoét thêm mâu thuẫn khiến vợ chồng không còn muốn chung sống với nhau”- bà Miền kể. 

Quy tắc “tức giận trong hôn nhân”: Giận xong thì thương nhau hơn
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn (người giữ Chương trình “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam) cho rằng, vợ chồng chung sống với nhau không thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm, nảy sinh mâu thuẫn cãi vã, giận dữ nhau. Nhưng làm thế nào để sau mỗi cơn giận dữ, vợ chồng vẫn gắn kết, thương nhau, thay vì sát thương lẫn nhau, khiến tình cảm đổ vỡ là điều mà không phải ai cũng làm được. Bởi sai lầm của nhiều cặp vợ chồng khi tức giận với nhau là không ngại “biến hình” thành “phù thủy và ác quỷ”. Ai cũng cố gắng nắm giữ thế thắng, dùng mọi cách để “dìm” đối phương xuống càng sâu càng tốt, biến họ thành kẻ bại trận. Để đạt được mục đích, vợ chồng không ngại sử dụng lời nói mang tính sát thương nặng nề, nếu không cãi được thì dùng bạo lực để đập phá đồ đạc, thậm chí đánh đập gây thương tích cho đối phương. Sau mỗi cơn giận, hậu quả nhận về là tổn thương, chán ghét lẫn nhau. Tình cảm theo đó đổ vỡ. 

Do đó, theo chuyên gia Đinh Đoàn, vợ chồng khi cãi nhau cũng cần có “nghệ thuật”. Cãi nhau để hai bên nhận ra vấn đề, thấu hiểu, tha thứ, xóa bỏ hiềm khích, thiết lập hòa bình trở lại cho hôn nhân, chứ không phải cãi trong tâm thế để người kia phải thua mình, phải thấp kém hơn mình. 

Còn chuyên gia giáo dục giới tính Ths. BS Nguyễn Lan Hải (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng vợ chồng cần có quy tắc “tức giận trong hôn nhân” mới không gây tổn thương cho nhau. Những quy tắc đó là: Thông báo cho em/anh đang tức giận khi bắt đầu nảy sinh tranh luận về vấn đề đang khúc mắc; không được làm bể đồ đạc khi lên cơn nóng giận, dù “dầu sôi lửa bỏng” thì cũng không được thay đổi cách xưng hô (quát vào mặt nhau kiểu “mày/cô/anh hãy xem lại mình đi”…). Dù cãi nhau nhưng vợ chồng vẫn duy trì lịch sinh hoạt bình thường trong gia đình (không ngủ riêng, có thể tránh mặt, đi chỗ khác nhưng không được bỏ đi/ra khỏi nhà). Không kể xấu người ấy cho bất kỳ ai, kể cả người thân (dù tức giận đến mấy, nhưng vợ/chồng không được hạ bệ, nói xấu bạn đời trước mặt con cái. Vì điều đó không làm cho mình tốt đẹp hơn mà còn gây hiệu ứng ngược lại). Một nguyên tắc khác là vợ chồng không được xúc phạm nhau dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuyệt đối không cộng dồn “tội”, không động đến điểm dễ làm nhau tổn thương như: Hoàn cảnh gia đình, lỗi lầm trong quá khứ, học vấn…

Theo chuyên gia Nguyễn Lan Hải, vợ chồng tức giận nhau nhưng không có nghĩa là ngừng yêu thương. Hãy cho bạn đời biết là mình đang cảm thấy đau vì lời nói, hành vi của họ, thay vì dùng mọi cách để làm họ tổn thương để trả đũa. Muốn giữ lửa hạnh phúc sau cơn nóng giận, vợ chồng cần học cách bộc lộ cơn giận và nỗi buồn để không làm tổn thương ai, kể cả chính bản thân mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…