Giữ hạnh phúc khi chồng "sa cơ lỡ vận"

Chia sẻ

PNTĐ-Nếu như chị Lê không biết cách “nâng” sau cú ngã ấy của chồng thì giờ có lẽ hạnh phúc của gia đình chị đã tan đàn sẻ nghé...

 
Giữ hạnh phúc khi chồng
Ảnh minh họa

 
 Người vợ bất hạnh
 
Chị mệt mỏi buông mình xuống ghế đón nhận cốc sữa mẹ pha cho, uống một cách khó nhọc…
 
- Bỏ đi con ạ, nó hành mày như thế chưa đủ hay sao? Bỏ nó rồi yên ổn làm ăn, nuôi con. Sau này, trời thương thì cho gặp người tốt, con sẽ tìm được hạnh phúc mới.
 
- Mẹ, con cũng mệt mỏi lắm. Nếu chỉ sống cho mỗi bản thân, con đã bỏ anh ta từ lâu rồi, nhưng vì hai đứa trẻ, con không đành lòng. 
 
- Trẻ con thì biết gì, con càng kéo dài cuộc sống đọa đày này thì con cái cũng bất hạnh theo. 
 
Không biết bao nhiêu lần cuộc nói chuyện của mẹ con chị Thu Lê (Thanh Xuân, HN) diễn ra kiểu van nài có, gay gắt có nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả tốt đẹp. Người mẹ già gần 70 tuổi ấy vẫn không thể khuyên giải nổi con gái chấp nhận ly hôn để giải thoát cuộc sống bế tắc hiện tại. Về phía chị Lê, đau khổ và mệt mỏi nhưng vẫn chấp nhận vòng quay bất hạnh luẩn quẩn. Chị Lê bảo đã có lúc muốn giải thoát càng nhanh càng tốt, nhưng không hiểu sao ánh mắt của hai đứa con như một lực cản vô hình, khiến chị không thể cầm nổi bút viết đơn ly hôn. 
 
Điều chị Lê băn khoăn nhất là hai đứa con, chúng sẽ ra sao khi chị quyết định phá tan vỏ bọc gia đình còn đủ bố đủ mẹ. Dù thực tại, bố chúng hoàn toàn là người vô dụng, chẳng giúp gì được cho chị, mà cũng chẳng làm chỗ dựa cho chúng được. Hình như chúng cũng sợ điều xấu nhất ấy sẽ xảy ra, nên dù khổ sở đến mấy chúng cũng chịu đựng. Chúng ngoan ngoãn, cam chịu cùng chị để tránh sự tan vỡ mà người thân xung quanh đang muốn chị làm. Sở dĩ, chị duy trì sự ràng buộc này chỉ đơn thuần là muốn các con có bố. Nhưng hình như, anh ta không hiểu điều đó, anh ta cứ nghĩ chị vẫn muốn níu giữ nên càng làm cao, càng hành hạ vợ hơn. 
 
Sống với nhau được hai mặt con, đứa nọ cách đứa kia đúng một năm, khó khăn nhưng anh chị cố gắng vượt qua. Một ngày, chồng chị đi làm về, tuyên bố bỏ việc nhà nước ra ngoài làm ăn.
 
Chị ngăn cản vì không tin con người suốt ngày cắm cúi làm nghiên cứu khoa học ấy lại có thể bon chen trên thương trường làm kinh tế được. Tuy nhiên, anh vẫn nhất quyết bỏ việc, tuyên bố sẽ đổi đời cho vợ con bằng cách hùn vốn với bạn bè mở xưởng sửa chữa xe ô tô. Anh phân tích cho chị thấy đời sống ngày một cao, người ta sắm ô tô nhiều, việc mở xưởng sửa chữa bảo dưỡng chắc chắn làm ăn được. Chị không mấy tin tưởng lắm nhưng cứ nghĩ rốt cuộc thì anh cũng chỉ muốn làm giàu, có kinh tế để mẹ con chị đỡ khổ. Đó là một điều đúng chẳng phải tội lỗi gì. 
 
Chiều theo nguyện vọng của chồng, chị đem giấy tờ nhà đi cầm cố cho anh góp vốn cùng bạn mở xưởng. Nhưng lần này, cái đầu nghiên cứu khoa học của anh đã không nghiên cứu đúng cơ hội làm ăn. Một năm, rồi hai năm, xưởng chỉ làng nhàng mấy cái xe cũ nát đến đại tu lại. Trong khi đó, lương công nhân vẫn phải trả đều, lãi ngân hàng ngày một chồng chất. Một ngày, anh trở về bảo với vợ công việc làm ăn phá sản. Tất cả chỉ còn lại mấy chục triệu đồng sau khi bán nhà xưởng chia với mấy người bạn. Ngân hàng đến xiết nợ, bỗng chốc mẹ con chị lâm vào cảnh không nhà không cửa. Trong khốn cùng, chị không còn cách nào khác là lao vào kiếm tiền để nuôi sống gia đình và trả tiền thuê nhà hàng tháng.
 
 Chồng bất tài vô dụng lại còn có bồ nhí
 
Chị Lê kể, mệt mỏi, vất vả là vậy nhưng chồng vẫn không để cho chị yên. Sự thất bại thảm hại đó đã khiến anh ngã gục. Đi đến đâu, anh cũng bị nguyền rủa làm khổ vợ khổ con. Chị Lê cũng không cưỡng nổi bản thân luôn miệng nhiếc móc anh cho vơi nỗi khổ cực của mình. Tưởng người đời nói nhiều, vợ kêu than lắm, anh sẽ tỉnh ngộ tu chí làm ăn trở lại. Ai ngờ anh tìm đến rượu để giải sầu, lang thang cả đêm đến sáng mới về, nôn oẹ khắp cả nhà rồi lăn ra ngủ để mặc vợ muốn làm gì thì làm. Không có tiền, anh vay mượn khắp nơi khiến mọi người hết lần này đến lần khác tìm đến chị hỏi nợ. Ban đầu, chị Lê vì muốn giữ thể diện cho gia đình còn cố gắng trả giúp chồng một ít. Sau đó, chị từ chối các khoản nợ trời ơi đất hỡi ấy. Chồng chị bắt đầu khuân những gì có giá trong nhà ra trả nợ. Cùng quẫn, chị lao vào đấm đá, chửi rủa anh thậm tệ mỗi khi anh lảo đảo về nhà. Trong cơn say, anh cũng chẳng làm chủ được mình, lao vào đánh chị. Một lần rồi hai lần chị trở thành người đàn bà vừa bầm dập với cuộc sống mưu sinh, vừa bầm dập với đòn chồng. 
 
Người thân xót thương chị đã hết lời khuyên hai người nên ly hôn, nhưng chị không đủ can đảm. Mỗi lần định nói chuyện ấy với con, nhìn thấy chúng cam chịu không oán thán nửa lời, chị lại không đành lòng. Vậy là lại vạ vật sống, làm bia đỡ đòn cho chồng, lúc khổ quá thì quay sang chì chiết chồng cho vơi bớt ấm ức, thỉnh thoảng còn phải đưa tiền cho anh ta đi uống rượu. Người ta bảo chị điên mới nhốt mình trong cảnh khốn đốn ấy, có kẻ độc miệng còn bảo chị làm vậy là trả tiền thuê bố cho các con của mình. Lâu dần, chị cũng chẳng muốn thanh minh nữa.
Tại phòng tư vấn, chị Lê nước mắt lưng tròng:
 
- Chồng đã bất tài vô dụng, còn làm khổ vợ con hết năm này qua năm khác, tôi cố gắng chịu đựng, vậy mà anh ta vẫn không biết điều lại còn ra ngoài cặp bồ. Nói thật là ban đầu khi nghe tin anh ta có bồ, tôi cũng ngạc nhiên lắm. Vì một người đàn ông bệ rạc sống bám vào men ruợu, đánh đập vợ con tối ngày, tiền thì không một xu dính túi thì gái nào theo. Khi nghe người ta bảo chính cô gái kia chủ động theo chồng tôi chứ không phải anh ta lừa gạt hay tấn công trước, tôi rất băn khoăn. Bởi địa vị của cô ta hiện thời còn lấy được người gấp vạn lần chồng tôi. Cả nhà tôi đều mừng rỡ khi biết tin anh ta có bồ vì như thế thì tôi lại càng có lý do để ly hôn. Nhưng, tôi còn lần lữa vì muốn biết tại sao người phụ nữ ấy lại muốn có chồng mình. Tôi sợ mình quyết định vội vàng sẽ gây bất hạnh cho con cái, lỡ sau này chúng quay lại oán hận mẹ thì sao?
 
 Trở thành điểm tựa cho chồng
 
Khi nghe tư vấn viên hỏi từ ngày chồng sa cơ lỡ vận đến giờ, chị đã bao giờ quan tâm hay an ủi, động viên anh; đã bao giờ chị nghe anh nói về nguyện vọng làm lại sau những thất bại của mình; chị đã hình dung được tâm trạng của một người đàn ông mang nặng mặc cảm bất tài vô dụng, bị vợ con coi thường, người đời mai mỉa. Chị Lê giật mình, đúng là từ khi chồng thất bại rồi đổ đốn đến giờ, chị chưa bao giờ nghĩ đến ở ngoài kia anh đang thất vọng, đang ngập ngụa trong đau khổ ê chề thế nào. Cuộc sống khốn đốn, chị không còn thời gian nghĩ đến cảm xúc tâm trạng của chồng, chị chỉ biết oán hận anh, chì chiết mỗi khi anh ló mặt về nhà hay hành hạ vợ. Chị chưa bao giờ nghĩ đến cảnh những đêm người đàn ông của chị lang thang nơi nào, u uất giữa cuộc đời vì không có lấy một người tin tưởng, bỗng chốc trở thành kẻ tay trắng, vô dụng nhất trên đời. Rồi, chị giật mình khi nghĩ lại cảnh anh hành hạ chị nhưng tuyệt đối không hề đánh con, thậm chí tránh mặt cả chúng. Rõ ràng, anh không hề muốn chúng chứng kiến cảnh anh như thế.  Chị nghĩ đến người đàn ông trước đây một thời mình đã từng khao khát, từng hạnh phúc và tin tưởng tuyệt đối khi tựa vào đôi vai của anh. 
 
Sau khi nghe lời của tư vấn viên, đêm đó, lần đầu tiên chị Lê ngồi cửa chờ chồng về. Ngày trước, anh đi qua đêm hay gần sáng mới về, chị cũng không quan tâm. Cửa không đóng, anh muốn đi muốn về tuỳ thích. Chị Lê nhớ lại quãng thời gian yêu chồng đến cháy bỏng, gạt bỏ tất cả những người đàn ông trên đời để đến với anh. Có lẽ đây là điều còn lại trong tiềm thức khiến chị không đủ sức phá vỡ cuộc hôn nhân của mình. Chị Lê mặc thêm áo rồi ra ngoài tìm anh, bất kể phải tìm suốt cả đêm chị cũng phải tìm đưa được chồng về. Giờ thì chị đã biết phải làm cách nào để tìm lại người đàn ông cho cuộc đời mình.  Chị sẽ không để người đàn ông của mình về tay người phụ nữ ấy. Người ta còn biết nâng niu, còn biết níu kéo anh về phía mình thì tại sao chị lại để tuột mất chồng, mất cha của các con. 
 
Một thời gian không lâu, chị Lê gọi điện đến phòng tư vấn, cảm ơn những lời khuyên đúng lúc. Vì bây giờ chị đã tìm lại được hạnh phúc của mình. Chị đã biết bao dung, biết cách “nâng” khi chồng “ngã”, trở thành điểm tựa cho anh, để hạnh phúc không tuột khỏi tầm tay. Chồng chị đã tỉnh ngộ hoàn toàn khi nhận được sự ân cần, nâng đỡ của vợ mình. Anh đã quay lại tu chí làm ăn, từ bỏ chuyện bồ nhí để dần dần trở thành người chồng, người cha tốt của các con. Nếu như chị Lê không biết cách “nâng” sau cú ngã ấy của chồng thì giờ có lẽ hạnh phúc của gia đình chị đã tan đàn sẻ nghé. 
 
 
Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.
Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.