Hai mặt của tìm bạn đời trên mạng
(PNTĐ) - CV (viết tắt của Curriculum Vitae) là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển vào công ty, tổ chức nào đó. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã dùng CV không chỉ phục vụ mục đích tìm việc mà còn để… tìm người yêu. Từ tháng 8/2024, trào lưu “CV tìm người yêu” trên nhiều trang mạng xã hội như Threads đang “hot” rần rần trong giới trẻ.
Trào lưu tìm bạn đời qua mạng xã hội
“Mình tên là..., 22 tuổi, đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, hiện đang theo học cao học. Gia đình cơ bản, kinh tế khá...”.
“Mình đang là giám đốc một công ty, lương trên 40 triệu. Cần tìm người yêu biết nấu ăn, hiền lành…”.
Đó là một trong số nhiều những CV được các bạn trẻ đăng tải trên mạng xã hội Threads và nhiều hội nhóm để tự tuyển người yêu. Trong đó, khi đăng tải bài viết, nhiều người còn ghi rõ tiêu đề ở đầu: “Góc tìm người yêu”, “Profile bản thân để kiếm bạn đời”... Ngay dưới bài đăng của người “tiềm năng” thường có nhiều bình luận tương tác muốn “ứng tuyển”, thể hiện mong muốn tìm hiểu bằng cách gửi lại bài đăng giới thiệu về bản thân tương tự. Nếu tìm được đối tượng phù hợp, cả hai sẽ trao đổi phương thức liên lạc (nếu muốn) và bắt đầu tìm hiểu nhau.
Theo Ths tâm lý Đỗ Như Hảo - Giám đốc điều hành Học viện Thành Công, trào lưu tự giới thiệu bản thân như một CV xin việc để tìm người yêu trên các mạng xã hội như Threads… của giới trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thấy rõ nhất là trong cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người trẻ khó có cơ hội gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ mới trong cuộc sống thực. Vì vậy, họ chuyển sang tìm kiếm người yêu trên các nền tảng trực tuyến. Thông qua các CV tìm người yêu, bạn trẻ có thể nhanh chóng giới thiệu bản thân và tìm kiếm mối quan hệ mà không cần tốn quá nhiều thời gian cho việc giao tiếp, kết nối ban đầu.
Bên cạnh đó, dùng CV “tìm người yêu” còn giúp cho các bạn trẻ có thể chủ động lựa chọn bạn đời phù hợp. Giống như một nhà tuyển dụng, các bạn có thể đọc “lý lịch trích ngang” của đối phương để xác định xem đây có phải là người mình mong muốn hay không. Ví dụ về độ tuổi, sở thích, nhà ở địa phương nào, công việc là gì... Điều này cũng cho thấy tính thực tế của nhiều bạn trẻ trong lựa chọn các mối quan hệ. Trào lưu CV tìm người yêu chính là một hình thức cụ thể hóa sự thay đổi trong cách nhìn nhận, nơi mà các yếu tố như công việc, thu nhập và sở thích cá nhân; tính tương hợp về tài chính, sự nghiệp và các khía cạnh thực tế khác được đưa vào tiêu chí tìm kiếm bạn đời.
Tiện nhưng chưa lợi!
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, hình thức tìm người yêu khá mới mẻ này cũng có khả năng tồn tại những rủi ro. “Chúng ta đang ở trong thời đại số, thời đại công nghệ, việc sử dụng mạng xã hội để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống, trong công việc, xây dựng các mối quan hệ… khá phổ biến. Nhưng quan trọng là người dùng phải hiểu và biết cách sử dụng đúng mạng xã hội” - chuyên gia tâm lý Đỗ Như Hảo chia sẻ.
Mặt tích cực của trào lưu này mang lại cho giới trẻ khả năng tự thể hiện và xây dựng bản sắc cá nhân, tính chủ động trong giao tiếp và xây dựng mối quan hệ hay phản ứng tích cực trước áp lực xã hội. Nhưng ngược lại, nếu dùng không đúng cách, hoặc không có được những “màng lọc” thông tin một cách đúng đắn, các bạn trẻ sẽ gặp phải những tình huống tiêu cực làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Có thể kể đến như rủi ro khi bị áp lực về hình ảnh bản thân và sự hoàn hảo khi mọi người phải phô trương các thành tích cá nhân, nghề nghiệp hoặc tài chính để thu hút sự chú ý. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy tự ti hoặc căng thẳng nếu họ không nhận được phản hồi tích cực, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin. Và với một số bộ phận giới trẻ có suy nghĩ lệch lạc, họ sẵn sàng cung cấp các thông tin không trung thực về bản thân để phục vụ các mục đích “cua” ứng viên.
Bạn Đinh Linh, 22 tuổi cho biết: Qua giới thiệu mình cũng đã từng vào mạng xã hội để đăng CV tìm người yêu. Tuy nhiên, sau khi đăng thì gần như không nhận được tương tác. Mình đoán có lẽ do mình không “sáng giá” như các ứng viên khác nên không thu hút được sự chú ý của các bạn khác giới. Trong khi nhiều bạn đều khẳng định trong CV là có ngoại hình khá, giỏi ngoại ngữ, “nhà mặt phố, bố làm to” còn mình thì chỉ có trình độ trung cấp, đang làm tại khu công nghiệp. Sau lần đó, mình thấy mất tự tin về bản thân và không còn ý định “tuyển” người yêu nữa.
“Phơi bày” các thông tin cá nhân trên mạng, đặc biệt là các thông tin về hình thể, như ghề nghiệp, mức lương thông qua các CV tìm người yêu cũng có thể đẩy người tham gia tập trung quá nhiều vào các yếu tố bề nổi mà bỏ qua các yếu tố cảm xúc và giá trị nội tại. Trong khi đó, một cuộc hôn nhân bền vững không phải chỉ dựa vào “lương cao hay thấp”, “đẹp trai hay xấu gái” mà còn cần cả sự đồng điệu về tình cách, quan điểm sống giữa vợ và chồng. Và khi không đạt được kỳ vọng (đúng như CV mô tả) thì cảm giác “cả thèm chóng chán”; đi tìm những mối quan hệ mới hoặc thậm chí mất niềm tin vào những người khác sẽ làm tổn thương tâm lý của bạn trẻ một thời gian dài sau đó. Đặc biệt, việc công khai chia sẻ thông tin cá nhân như tên, tuổi, nghề nghiệp và mức lương trên mạng xã hội và sự dễ dàng kết nối, giao lưu trò chuyện có thể khiến người dùng gặp nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư hoặc lừa đảo (lừa tình, lừa tiền…).
Bạn L, từng trải qua những phút giây thất vọng khi cứ ngỡ đã gặp gỡ được một “đối tác” rất sáng giá qua CV giới thiệu. Tuy nhiên, khi gặp gỡ ngoài đời, bạn L mới bàng hoàng nhận ra, những thông tin hay ho (đẹp trai, lương cao, nhà cửa đàng hoàng, hộ khẩu Hà Nội) là thật chỉ duy nhất giới thiệu “còn độc thân” của đối tác là giả và người này chỉ muốn cặp bồ với L và sẵn sàng trả nhiều tiền.
Vì thế, theo các chuyên gia, trước trào lưu tìm người yêu qua mạng trong thời đại số nói chung, viết CV tìm người yêu nói riêng, các bạn trẻ cần hết sức tỉnh táo. Trước tiên, hãy đánh giá thận trọng các CV, không tìm người yêu chỉ dựa trên mức lương, có hộ khẩu thành phố... mà hãy bình tĩnh suy ngẫm; cho mình cơ hội nghiêm túc để tìm hiểu đối phương ngoài đời, thực hành giao tiếp hiệu quả (cởi mở và chân thành). Nếu thấy đối phương không tin đủ sự tin cậy hoặc không phù hợp, hãy dừng lại ngay.