Hạnh phúc giả tạo vì lời yêu sáo rỗng của chồng

Chia sẻ

PNTĐ-Gần 10 năm cam chịu cuộc sống khổ sở bên cạnh người chồng chỉ giỏi “mồm miệng”, tôi nhận ra mình đang bị “cầm tù” trong một thứ hạnh phúc giả tạo...

 
Hạnh phúc giả tạo vì lời yêu sáo rỗng của chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tôi đến với anh cũng vì mê đắm bởi những lời yêu ngọt ngào. Khi kết hôn, một thời gian dài, tôi vẫn xem những lời yêu của chồng giống như động lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng rồi, tôi phát hiện ra bản thân mình đang “sống mòn” bởi chính những lời yêu sáo rỗng của chồng.
 
Vợ chồng tôi cưới nhau với hai bàn tay trắng, anh thậm chí còn không có việc làm nên mọi việc trong gia đình đều do tôi cáng đáng. Hàng ngày, tôi quần quật làm việc trong khi anh chỉ lớt phớt ở nhà phụ bố mẹ chồng (ông bà bán đồ điện, nước). Chúng tôi sống chung với bố mẹ chồng nên hàng tháng có trách nhiệm góp tiền sinh hoạt với ông bà. Vì tôi đi làm có lương nên khoản đóng góp đó đều do tôi bỏ ra, anh mang tiếng ở nhà phụ bố mẹ nhưng không được tính công. Anh nói với tôi như thế nhưng tôi biết bố mẹ chồng vẫn âm thầm “trả lương” cho con trai để anh có khoản tiền tiêu riêng không phải ngửa tay xin vợ.
 
Hàng ngày, anh không ngớt dùng lời yêu ngọt ngào để động viên vợ. Những lúc mệt mỏi do công việc hay do con cái ốm đau, nghe được lời động viên ngọt ngào từ chồng, tôi như được tiếp thêm nghị lực. Chồng tôi thích thể hiện tình cảm bằng lời nói mọi nơi mọi lúc, nhất là trước mặt mọi người nên ai cũng khen số tôi được chồng yêu không ai bằng. Con người ta thường thích sống vì sĩ diện, mà anh thì lại có tài làm cho sĩ diện của tôi lúc nào cũng “bóng loáng”. Đã bao lần tôi tự nhủ, chẳng mấy ai hoàn mỹ, chồng mình không giỏi giang kiếm tiền nuôi vợ con như người khác nhưng được cái khéo mồm miệng làm sang cho vợ con, giữ hòa khí gia đình.
 
Không muốn ở nhà phụ bố mẹ, anh bảo muốn ra ngoài hợp tác với bạn bè làm ăn. Anh ngọt ngào vẽ nên viễn cảnh làm ăn phát đạt có tiền mua sắm, tạo dựng cuộc sống sung túc cho vợ con và thuyết phục tôi đưa tiền để góp vốn làm ăn. Thấy chồng có chí tiến thủ, tôi lấy hết tiền tiền tiết kiệm lâu nay đưa cho anh. Sau một thời gian mang tiền đi, anh bảo làm ăn thất bại rồi ân hận xót xa, tự trách mình đã làm khổ vợ con. Anh không ngừng nói lời yêu vợ, xót xa cho số phận tôi gặp phải anh chồng bất tài. Tôi đã bị những lời yêu ngọt ngào của anh xoa dịu để rồi không trách cứ  chuyện làm ăn thất bại và cố gắng vay mượn để anh thử thời vận mới. Nhưng lần làm ăn nào của anh cũng thành công ít thất bại nhiều. Bố mẹ chồng thấy vậy còn bảo tôi nên cố gắng động viên, đừng để anh nản chí làm liều càng khổ hơn.
 
Cứ thế, bao nhiêu năm nay, anh vẫn mãi là người chồng không giúp gì cho vợ con mà còn khiến tôi nợ nần khắp nơi. Anh luôn miệng nói tôi thương nhưng không có lấy một hành động để thể hiện điều đó. Con cái đi học về nghịch ngợm quần áo bẩn thỉu, giày dép hư hỏng, anh la mắng chúng không biết thương mẹ kiếm tiền vất vả, để mẹ lúc nào cũng lo lắng. Nhưng nói xong, anh không giúp tôi tắm rửa cho con cái, sửa lại giày dép bị hư mà đẩy hết mọi việc cho tôi.
 
Gần 10 năm cam chịu cuộc sống khổ sở bên cạnh người chồng chỉ giỏi “mồm miệng”, tôi nhận ra mình đang bị “cầm tù” trong một thứ hạnh phúc giả tạo. Chồng tôi chỉ yêu thương vợ bằng lời, thứ tình cảm không hề xuất phát từ tấm lòng yêu vợ thật sự. Cũng bởi vì thế nên anh không thấy đau lòng trước sự vất vả khổ cực của tôi, không cảm nhận được gánh nặng cuộc sống và món nợ vay mượn luôn đè nặng vợ mình. Anh vẫn thảnh thơi, an phận với cuộc sống đã có bố mẹ và vợ cáng đáng mọi chuyện. Vợ chồng rất cần những lời yêu để níu giữ hạnh phúc. Nhưng những lời yêu đó phải được nói lên bằng tấm lòng yêu thương đối với vợ/chồng thật lòng chứ không phải là lời nói để… “đãi môi”.     
 
Lưu Lệ Thu
(Đống Đa, HN)

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.