Hãy để chữ hiếu luôn ở vị trí đúng

Chia sẻ

Đạo hiếu là nền tảng đạo đức cơ bản trong gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên luôn phải được đề cao, truyền dạy, giữ gìn và phát huy. Vì thế, hãy để chữ Hiếu ở vị trí luôn luôn đúng.

Sau một thời gian, diễn đàn gia đình về vấn đề “Báo hiếu bằng dịch vụ: Đúng hay sai?” trên báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận. Ở mỗi góc độ, mỗi hoàn cảnh, những ý kiến đều nêu quan điểm riêng trong việc đánh giá đúng hay sai khi dịch vụ báo hiếu ra đời và được mọi người đón nhận sử dụng. Ai cũng có lý lẽ trước góc nhìn của mình. Diễn đàn tạm thời khép lại với quan điểm, góc nhìn về vấn đề này của bạn đọc Trần Danh Dũng dưới đây.

Con cái có tâm: Báo hiếu cách nào cũng đúng

Con cái báo hiếu cha mẹ thì sẽ luôn đúng, không bao giờ sai. Nếu nó sai thì nằm ở cách con cái thực hiện đạo hiếu không chứa đựng cái tâm của mình trong đó. Vì thế, dẫn đến câu chuyện con cái báo hiếu nhưng lại trở thành bất hiếu.

Con cái sử dụng dịch vụ giúp việc để chăm sóc cha mẹ thay mình, khi họ không có thời gian để làm điều đó vì mưu sinh, vì hoàn cảnh công việc, điều kiện sống cách xa. Cách báo hiếu này không sai, nhưng nó sẽ không đúng nếu như họ "khoán trắng" cho người giúp việc mọi trách nhiệm, nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ mình. Điều này dẫn đến tình trạng, một số cha mẹ bị con cái "bỏ rơi" trong chính ngôi nhà của mình và trở thành nạn nhân bị bạo hành bởi người giúp việc. Tôi biết, những bậc cha mẹ bị tai biến nằm liệt một chỗ bị người giúp việc bỏ đói, không vệ sinh tắm rửa thường xuyên dẫn đến lở loét, hôi thối, bị chuột gặm nhấm cả bàn chân bởi sự bỏ bê, lơ là của người giúp việc "không có tâm". Những người con của họ đi làm ăn xa, sống riêng ở nơi khác vẫn nghĩ rằng mình đã làm tròn trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi trả tiền cho giúp việc đầy đủ hàng tháng.

Một bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi 	(Ảnh minh họa)Một bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, cũng là thuê người chăm sóc cha mẹ ở nhà, hay đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão sống, nhưng các con vẫn đồng hành bên cạnh các dịch vụ đó bằng sự quan tâm, kiểm soát hàng ngày. Thời công nghệ, việc giám sát, kiểm tra các dịch vụ mình sử dụng rất dễ dàng. Ngày nay, nhiều ngôi nhà được lắp camera an ninh khắp các phòng. Con cái đi làm vẫn kiểm tra được cha mẹ ăn ngủ, nghỉ thế nào ở nhà qua màn hình điện thoại. Họ có thể theo dõi người giúp việc chăm sóc cha mẹ mình ra sao. Nếu có chỗ nào không đúng liền kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn lại. Tôi đã từng chứng kiến những bữa cơm thời công nghệ giữa cha mẹ già ở quê sống cùng giúp việc với con cháu đang sống ở thành phố. Hai chiếc Ipad được đặt trên bàn ăn của ông bà và con cháu, được kết nối truyền trực tiếp qua ứng dụng gọi zalo, cứ thế con cháu ăn cơm cùng ông bà, trò chuyện rất đầm ấm. Cha mẹ dù sống xa, không được con cháu trực tiếp chăm sóc hàng ngày nhưng vẫn cảm nhận được lòng hiếu thảo ấm áp.

Vì vậy, chỉ cần con cái có tâm, dù báo hiếu bằng dịch vụ hay báo hiếu trực tiếp đều luôn đúng.

Đạo hiếu là di sản cần phải "bảo tồn" mãi mãi

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế đang diễn ra trong thời hiện đại là chữ Hiếu đang có biểu hiện xuống cấp, ở một bộ phận gia đình còn xuất hiện tình trạng chữ hiếu xuống cấp trầm trọng. Gia đình Việt dù hội nhập đến đâu thì vẫn lấy chữ "Hiếu Đễ" làm nội dung cốt lõi. Nói đến "Hiếu" là nói đến chuẩn mực đạo đức của con cái đối với cha mẹ: Tôn trọng, yêu thương, nuôi dưỡng bậc sinh thành. "Đễ" là sự nhường nhịn, hòa thuận trong mối quan hệ anh chị em trong gia đình. Những chuẩn mực này giống như rường cột để xây dựng một ngôi nhà. Nếu không có rường cột, ngôi nhà sẽ không thể hình thành, dù dùng cách nào đó để gác lên thì nó cũng nhanh chóng sụp đổ sau đó.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập ào ạt của văn hóa ngoại lai, gia đình bị tác động mạnh mẽ. Bên cạnh những cái được, là những cái mất không nhỏ, khi các giá trị đạo đức trong gia đình bị xuống cấp. Trong một bộ phận gia đình, đạo đức của con cái bị xuống cấp trầm trọng. Tình trạng con cái ngược đãi, bỏ rơi, thậm chí giết hại cha mẹ đã diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Chữ "Hiếu" đang dần mai một khiến đạo đức gia đình bị suy thoái. Đời sống xã hội vì thế mà bất ổn theo. Do đó, thiết nghĩ càng hiện đại thì chúng ta càng cần phải có ý thức và trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn chữ "Hiếu".

Nói theo một cách khác, đạo hiếu là một di sản ngàn năm của gia đình, của dân tộc, đất nước, và nó cần được "bảo tồn" mãi mãi theo thời gian.

TRẦN DANH DŨNG (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.