Hết tình, xin đừng cạn nghĩa!

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Là đàn ông, một khi đã bỏ vợ bỏ con đi với người phụ nữ khác thì khi sa cơ đừng quay về tranh giành tài sản với vợ!” - luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng (Hà Nội), Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh với người chồng trong một vụ án hành chính phân chia tài sản mà Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa đưa ra xét xử mới đây.

Hết tình, xin đừng cạn nghĩa! - ảnh 1
Ảnh minh họa 

1 Theo bản án sơ thẩm, ông C và bà P (quê Thanh Hóa) kết hôn năm 1988 và có hai con gái. Từ mảnh đất mà bố mẹ chồng cho, vợ chồng ông C xây dựng một căn nhà cấp 4 để ở. Sống với bà P được 8 năm, ông C ngoại tình rồi khăn gói bỏ nhà đi theo người phụ nữ khác và có thêm 3 người con. Một mình bà P ở quê lam lũ làm ăn, nuôi dạy hai con gái khôn lớn trưởng thành đến nay.
Về phần ông C, từ ngày có hạnh phúc mới, ông không đoái hoài đến mẹ con bà P ở quê nhà. Bỗng nhiên, đến năm 2020, ông C đưa 3 con chung với người vợ mới về quê và làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C và bà P với lý do: Nguồn gốc đất là bố mẹ ông cho riêng con trai chứ không phải cho 2 vợ chồng. 
Nghe tin người chồng nhiều năm biệt tích bỗng nhiên về đòi nhà, đòi đất, bà P hẫng hụt, đau xót. Bởi những năm ông C bỏ đi, bà vẫn làm tròn trách nhiệm dâu thảo, mẹ hiền, vừa nuôi dạy con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo đến khi các cụ nhắm mắt xuôi tay. Đau buồn hơn, ông C còn rêu rao khắp xóm làng là bà P lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản mà bố mẹ ông để lại.
Năm 2022, Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C, hủy Giấy chứng nhận mà UBND huyện đã cấp cho 2 vợ chồng. Bà P quyết định làm đơn kháng cáo lên TAND cấp cao.
 “Hơn nửa năm tiếp nhận vụ án, tôi vẫn đau đáu tìm phương án bảo vệ cho người phụ nữ bất hạnh, bị chồng ruồng bỏ. Gần 30 năm qua, bà P nuôi 2 con một mình. Đến tuổi gần xế chiều, bà lại đối mặt với nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà từ người chồng bội bạc, vô tâm” - luật sư Hưng đau đáu.
TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bà P. Quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, Hội đồng xét xử cũng đã đồng cảm với bà P. Vị Kiểm sát viên tham gia phiên tòa khuyên ông C: Vợ ông hy sinh cả tuổi thanh xuân để sinh dưỡng 2 con của ông trưởng thành, trong khi đó, ông ở đâu, làm gì mà giờ lại quay về đòi đuổi người ta ra khỏi nhà tay trắng? Ông thấy hành động của mình có hợp tình, hợp lý không? 
Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo của bà P, hủy bản án sơ thẩm, giữ nguyên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Nghe tòa tuyên án, bà P lại bật khóc, bởi ít ra, bà cảm nhận được sự sẻ chia và thấu hiểu với những hy sinh và cực khổ của mình. Và ít ra, bà vẫn còn một chỗ để nương náu tuổi già… Còn mặt ông C nóng ran, thách thức tiếp tục đòi đất đến cùng… 
2 Những chuyện tranh chấp tài sản vẫn xảy ra với nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn. Vì không thống nhất về tài sản, họ sẵn sàng dành cho nhau những lời cay đắng. Cuộc tranh chấp tài sản nghiệt ngã, để lại một vết thương lòng cho những người từng đầu gối, tay ấp. Luật sư Nguyễn Hưng (Công ty luật The Light) cho biết, một trường hợp ly hôn kéo dài 2 năm mới giải quyết xong, trong đó hai vợ chồng lấy nhau 6 năm và chưa có con. Họ góp tiền mua chung căn hộ chung cư vào năm 2014.
Khi mua nhà, hai vợ chồng chỉ có một khoản tiết kiệm nhỏ, còn lại vay thêm bạn bè và ngân hàng. Mâu thuẫn bùng lên khi người chồng thất nghiệp nhưng lại chê bai các công việc tay chân như lái xe grab, giao hàng… để hỗ trợ kinh tế và trả nợ cùng vợ. Quá sức chịu đựng, chị nghĩ đến phương án ly hôn. Tòa định giá căn hộ chung cư hơn 1 tỷ đồng, người nào nhận nhà thì trả tiền và ngược lại. Căn cứ vào đóng góp công sức của hai vợ chồng, Tòa định giá mức nhận: Vợ được hưởng 60% căn hộ, còn chồng chỉ hưởng 40%. Không đồng ý mức chia tài sản đó, anh chồng quyết đòi chia đôi 50/50 cho bằng được, thậm chí, anh còn “trưng” cả hợp đồng lao động để đòi chia tiền đến cùng. Đến mức, thẩm phán phải bức xúc đặt câu hỏi: Hết yêu thì vẫn còn nghĩa, hai người sẽ còn có thể làm bạn, tại sao sau ly hôn lại phải tính toán, đo đếm với nhau từng đồng như vậy?
Hay trong một vụ án ly hôn khác, hai vợ chồng thống nhất mỗi người nuôi một đứa con, còn tài sản sẽ chia đôi. Thế nhưng người chồng không ngần ngại liệt kê những thứ có trong nhà, từ cái cốc, đôi đũa, con dao… để chia cho “công bằng”. Thậm chí, anh ta còn định “kiểm kê” luôn căn hộ mà bố mẹ vợ cho trước hôn nhân, trong khi trên giấy tờ, đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của người vợ…
Theo luật sư, mọi tài sản mua sắm, đầu tư trong thời kỳ hôn nhân mà chứng minh được đều chia đôi khi ly hôn. Do đó, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích đối với tài sản của mình trong hôn nhân cũng như tránh những tranh chấp rủi ro khi ly hôn, phụ nữ nên mạnh dạn thỏa thuận với chồng về tài sản trước và trong hôn nhân. Các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng minh theo quy định mới có giá trị pháp lý.
“Phân chia tài sản sau ly hôn là việc làm phù hợp với pháp luật, những người trong cuộc được quyền đòi hỏi nếu họ thấy chưa xứng đáng với mình. Song, khi tình đã hết, nhưng cái nghĩa vẫn còn. Sự minh bạch và hiểu biết về pháp luật ngay từ đầu sẽ tránh được những vụ việc đáng buồn như trên” - luật sư Hưng phân tích.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.