Học làm chồng, làm cha có trách nhiệm
Để thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều câu lạc bộ làm chồng, làm cha trách nhiệm đã được thành lập nhằm phát huy vai trò của nam giới trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình, cùng vợ chăm sóc nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới.
Những người chồng, người cha trách nhiệm
Anh Nguyễn Văn Long (SN 1988, kỹ sư xây dựng, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn được mọi người đánh giá là người chồng, người cha trách nhiệm trong gia đình. Anh Long kết hôn năm 2015 và có một cậu con trai 5 tuổi. Suốt gần 6 năm chung sống, vợ chồng anh Long chưa bao giờ to tiếng với nhau. Chia sẻ “bí quyết” giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh Long cười: “Tôi không bao giờ cho phép mình có “quyền” được chỉ trích, xúc phạm vợ, ngay cả khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn…”. Trong cuộc sống hằng ngày, anh không ngần ngại cùng vợ làm việc nhà, chăm sóc con…
Anh Long là một trong số hàng trăm nam giới tham gia nhóm “Làm cha là thế” trên facebook do Trung tâm Trẻ em và Phát triển Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên thực hiện điều phối và hỗ trợ, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực, các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của tổ chức xã hội. Tham gia Câu lạc bộ, các ông bố sắp có con, đang có con trong độ tuổi đầu đời hoặc bạn trẻ đang ngấp nghé ngưỡng cửa hôn nhân… được chia sẻ về kiến thức về giới, bạo lực giới, bình đẳng giới, cách xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con…
Một buổi sinh hoạt của các ông bố trong Câu lạc bộ “Làm cha là thế” Ảnh: Facebook
Thay đổi nhận thức của nam giới để phòng, chống bạo lực
Chị Lê Thu Hà, admin nhóm CLB “Làm cha là thế”, Giám đốc Truyền thông Trung tâm Trẻ em và Phát triển CCD cho rằng, quá trình cùng nhau thảo luận, học hỏi dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lí, giáo dục đã giúp các ông bố có thêm nhiều góc nhìn khác về giới, bạo lực giới và cách nuôi dạy con để tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình từ những điều nhỏ nhất. Các anh thêm thấu hiểu và đồng hành, san sẻ gánh nặng với vợ trong chăm sóc nuôi dạy con cái.
Mô hình “Người cha trách nhiệm” do Hội Nông dân Việt Nam triển khai trong khuôn khổ hợp tác của dự án “Chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Châu Á” do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ giai đoạn 2020-2022 đã huy động nam giới từ 20-40 tuổi có con nhỏ từ 0-7 tuổi hoặc chưa có con tham gia sinh hoạt. Nam giới tham gia Câu lạc bộ được tập huấn về cách làm cha trách nhiệm với 15 bài học về kiến thức giới, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình.
Tại các buổi sinh hoạt, các ông bố được hướng dẫn, tư vấn về hôn nhân, gia đình, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, các tình huống thực tế trong việc xử lý các gia đình, đặc biệt là chăm sóc con cái. Đến nay, dự án đã có 25 Câu lạc bộ “Người cha trách nhiệm” tại các tỉnh Quảng Bình, Bắc Cạn, Bắc Giang, Vũng Tàu, Hậu Giang, thu hút 900 nam giới tham gia… Dự kiến thời gian tới, mô hình tiếp tục nhân rộng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Qua các buổi sinh hoạt, nam giới đã thay đổi thói quen, nhận thức về bình đẳng giới; ý thức trách nhiệm của các ông bố được nâng lên; giúp họ trở thành người bạn, người đồng hành đáng tin cậy, biết cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, nỗi niềm của vợ con…
Bà Phạm Thu Hương, Phó Ban Xã hội-Dân số-Gia đình và Trẻ em, Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đây là chương trình đầu tiên Việt Nam thực hiện với mục đích tăng cường sự tham gia của nam giới, đặc biệt là nam giới trẻ - những người sắp làm cha hoặc đã làm cha trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Chương trình hướng tới xây dựng những hình mẫu nam giới tích cực, có hành vi bình đẳng trong gia đình, biết sẻ chia với công việc nội trợ của phụ nữ, biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ vợ từ khi mang thai đến khi sinh con, giúp họ trở thành tấm gương tích cực cho con của mình. “Qua mô hình này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra sự thay đổi và nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới” – bà Hường nói.
QUỲNH AN