Hôn nhân lung lay vì... “bà cô bên chồng”
(PNTĐ) - Cô em chồng Loan bề ngoài luôn nói là muốn gia đình Loan được hạnh phúc, sum vầy nhưng kỳ thực, cách ứng xử của cô hoàn toàn ngược lại.
- Mẹ à, con thấy mẹ quá dễ tính. Ở nhà khác, người ta không cho con dâu đi sớm về muộn, rồi cuối tuần cũng chẳng thấy mặt vậy đâu.
- Thì vợ chồng anh con phải đi làm đi ăn, mẹ biết gì mà can thiệp vào.
- Không được, nhưng mẹ vẫn phải tỏ thái độ để chị ý biết điểm dừng, không có nhỡ đến ngày đi quá giới hạn đấy mẹ.
Ngày thứ 7, bình thường Loan được nghỉ làm. Tuy nhiên, hôm đó, do cơ quan ra mắt sản phẩm mới nên Loan phải tham gia hội nghị khách hàng. Việc này, Loan đã nói trước với mẹ chồng từ đầu tuần và nhờ mẹ hỗ trợ trông các con giúp. Mẹ chồng Loan cũng đã đồng ý. Sáng đó, Loan ra khỏi nhà từ sớm, song, vì quên mất điện thoại ở nhà nên đi được một đoạn phải vội quay xe về lấy. Nào ngờ, lúc Loan vào đến cửa thì tình cờ nghe được những lời nhỏ to của em chồng với mẹ.
Lúc đó Loan giận lắm, chỉ muốn xông vào nói rõ phải trái, trắng đen với em chồng. Nhưng suy đi nghĩ lại, Loan thấy dù sao đó cũng là người một nhà, chị em nói nhau cũng chẳng hay hớm gì. Hơn thế, dẫu sao đây cũng chỉ là lời nói sau lưng Loan nên cô không chấp. Loan lên phòng lấy điện thoại rồi lại... lặng lẽ rút khỏi nhà trong khi cô em chồng không hề biết về sự xuất hiện bất ngờ của Loan. Trưa về nhà, Loan cố tình bắt chuyện với em chồng xem cô có tỏ thái độ gì không nhưng tuyệt nhiên, em chồng Loan vẫn hồ hởi như chưa từng nói gì với mẹ chồng Loan ban sáng. Và cũng để ngầm giải thích cho mình, Loan đã công khai kể với mọi người về hội nghị buổi sáng, cô còn cho cả nhà xem ảnh chụp với đồng nghiệp. Bất giác, Loan bắt gặp cái nhìn hơi bối rối của cô em chồng.
Thực ra, đây không chỉ là lần đầu em chồng Loan rất hay có kiểu săm soi vào cuộc sống của gia đình Loan như vậy. Nếu có gì băn khoăn, em chồng hoàn toàn có thể trao đổi với Loan, cô sẽ sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu nếu em góp ý đúng. Nhưng, em chồng lại không làm vậy. Bề ngoài, em tỏ ra bình thường nhưng thi thoảng lại bâng quơ xì xào vào tai mẹ chồng hoặc chồng Loan khiến mọi người lại phải suy nghĩ. Mà tất cả những lời đó chủ yếu hướng vào Loan theo kiểu “Loan có lẽ cũng chẳng phải người vợ, người con dâu nết na, chuẩn mực gì cho cam”.
Lần đó, trong lúc cô đang phơi đồ thì em chồng đến chơi. Nhìn giàn váy áo của Loan, cô em xuýt xoa khen rồi bảo Loan có khiếu thẩm mỹ, mua đồ rõ là sang và sành điệu. Loan vốn xinh xắn, cổ trắng đầy đặn, eo thon, ngực nở nên mặc bộ đồ nào lên người cũng đẹp. Còn em chồng Loan thì dáng người hơi thô, da bánh mật nên so với Loan thì khác một trời một vực. Loan chưa bao giờ vì dáng vóc bề ngoài mà tỏ ra chê cười em chồng. Thậm chí, cô còn khuyên em chồng chú ý ăn mặc, trang điểm vì phụ nữ rất cần vẻ bề ngoài. Thi thoảng, Loan còn mua đồ cho em, hoặc là rủ em đi mua đồ.
Loan chưa bao giờ nghĩ việc mình chỉn chu trong ăn mặc, đầu tóc lại là lý do nghi vấn cô “có nguy cơ ngoại tình” trong lòng em chồng. Lần đó, Loan và mẹ chồng đang ngồi nói chuyện thì em chồng gọi điện tới cho mẹ chồng cô. Hai mẹ con hàn huyên tâm sự hồi lâu, rồi sau tự nhiên Loan thấy mẹ chồng cầm điện thoại ra góc nhà thì thào. Mẹ chồng vừa nói, vừa liếc nhìn về phía Loan, đại ý chắc chị con đi làm nên phải ăn mặc đẹp, mẹ nghĩ là không sao đâu. Lúc đó, Loan đã hơi lấn cấn trong lòng nhưng do không được nghe trực tiếp nên cô không để tâm nhiều.
Tuy nhiên, từ dạo đó, Loan thấy mẹ chồng có vẻ quan tâm đến cách ăn mặc của Loan hơn. Thi thoảng, bà còn nhắc Loan: “Mẹ thấy cái váy này hơi ngắn”, “Áo này cổ hơi rộng”, “Cái váy con đang mặc vải hơi mỏng” rồi “Con chú ý giờ mình là phụ nữ đã có gia đình nên ăn mặc kín cổng cao tường một chút”. Loan thưa với mẹ đây là các bộ trang phục dành cho dân công sở mà cô mua ở các cửa hàng thời trang. Nhà may không chỉ may một bộ mà bán cho nhiều người khác nhau. Nghe Loan nói xong, mẹ chồng cô vội thanh minh: “Là mẹ nhắc con thôi chứ không có ý kiểm soát gì con cả”.
Lúc đó, Loan đã lờ mờ nhớ về cuộc gọi của em chồng. Rồi tới khi chồng Loan nói thẳng với Loan thì cô hiểu, đúng là nguồn cơn xuất phát từ lời nhỏ to của em chồng. Chồng Loan nói: “Em làm gì thì làm, đừng để cho mẹ phải lo lắng. Em nó cũng góp ý là anh nhắc nhở em chứ em ra đường ăn mặc mỏng manh thế thì để cho ai ngắm. Vẫn biết em phải tiếp xúc với khách hàng nhưng cố gắng không để gây ra điều thị phi”.
Loan giận quá liền gọi điện cho em chồng để hỏi xem vì sao cô lại gieo vào lòng mẹ chồng và chồng cô những nghi ngại vô căn cứ. Nào ngờ, cô em chối bay chối biến là không nói gì quá đáng. Cô là phận em trong nhà, lúc nào cũng chỉ muốn cho anh chị hạnh phúc. Giờ, anh chị cãi nhau lại đổ tiếng ác cho cô. Rồi sau đó, cô còn gọi điện cho mẹ chồng và chồng Loan khóc lóc, thanh minh là cô có ý tốt nhưng lại bị chị dâu mắng oan. Vì chuyện này mà vợ chồng Loan hục hặc nhau cả tuần liền.
Và rồi còn rất nhiều chuyện khác mà Loan biết là luôn có sự chen ngang của em chồng. Khi thì cô em “tung” ra mấy lời nghi vấn là Loan đi làm kiếm được bao nhiêu tiền mà ăn diện thế, hay là toàn lấy tiền của chồng. Lúc thì cô lại ra vẻ hỏi thăm anh trai, nhưng bằng những lời lẽ khiêu chiến: “Em thấy anh dạo này gầy rộc đi còn chị thì béo trắng. Chắc là anh kiếm tiền vất vả quá phải không?”. Một tuần đôi lần, cô em chồng về chơi nhưng hễ thấy mẹ chồng đang đứng bếp, hay là túc tắc quét nhà thì cô lại “bỏ nhỏ”: “Sao mẹ phải làm vất vả vậy. Tuổi này của mẹ lẽ ra phải được nghỉ ngơi rồi”, “Bạn con đi làm dâu nhưng bị nhà chồng đối xử tệ lắm mẹ ạ. Nó phải một ngày cơm nước 3 bữa, bố mẹ chồng cấm có giúp đỡ gì”. Rồi lúc lại: “Mẹ là quá tạo điều kiện cho con dâu, chị ý là sướng lắm mới lấy được anh mình”.
Loan ấm ức nên đã nhiều lần nói chuyện với chồng. Tuy nhiên, chồng cô gạt đi, bảo Loan là chị thì phải sống thoáng lên. “Em nó nói vậy thôi chứ không ý gì xấu đâu. Nó chỉ muốn anh chị sống tốt hơn, để tâm sắp xếp việc nhà và việc cơ quan cho hợp lý. Em đừng làm gì để chị em không nhìn được mặt nhau vì dù gì cũng là anh chị em trong nhà. Sự thật đó không thể thay đổi được”.
Đúng là sự thật thì chẳng thể thay đổi được. Nhưng Loan vẫn ước giá em chồng biết nghĩ cho vợ chồng Loan hơn. Loan không muốn đem câu nói của ông bà ngày xưa “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” để nói về tình cảnh của mình nhưng quả thực nhiều lúc, Loan có cảm giác hạnh phúc của cô đang lung lay do “ý tốt” của “bà cô bên chồng”.