Hợp pháp "quỹ đen" sẽ đe dọa hôn nhân !

Chia sẻ

Vợ chồng chỉ nên tồn tại tài sản chung, không nên có tài sản riêng. Vì khi mỗi người có "của riêng" thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, gây ảnh hưởng đến sự bền vững của hôn nhân. Theo đó, "quỹ đen" không thể hợp thức hóa là tài sản riêng của vợ hay của chồng, mà chỉ nên xem đó là khoản tiền chi tiêu cá nhân "nho nhỏ" của mỗi người.

Công nhận "quỹ đen" là "vẽ đường cho hươu chạy"!

Tôi không đồng tình với quan điểm xem "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp" trong hôn nhân. Bởi khi "quỹ đen" được dùng công khai, tự do thì chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy".

Trong vấn đề quản lý kinh tế gia đình, không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta có câu: "Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom". Đây không chỉ là kinh nghiệm mà còn là bài học trong cách quản lý tài sản, kinh tế trong gia đình, giúp cho hạnh phúc bền vững. Gia đình chỉ nên có "một giỏ" là tài sản chung, mỗi người một vai trò, vợ chồng đều có trách nhiệm cùng nhau tạo lập và cất giữ. Mỗi khi chi tiêu hay quyết định vấn đề gì lớn trong gia đình, vợ chồng đều biết và có sự bàn bạc, đồng thuận thống nhất.

Còn nếu chúng ta công nhận vợ chồng có "quỹ đen" và hợp thức hóa nó thành tài sản riêng của mỗi người, tôi cho rằng điều này không hợp lý. Thậm chí còn tạo cơ hội để mỗi người tạo lập tài sản riêng bằng "quỹ đen" và quyết định chi tiêu theo ý mình, không vun đắp cho tài sản chung, kinh tế gia đình theo đó cũng không còn đảm bảo. Tài sản riêng sẽ mang lại nhiều ẩn họa nguy cơ cho hạnh phúc hôn nhân.

Tôi lấy ví dụ trường hợp của em trai tôi. Khi em trai tôi lấy vợ, do bố mẹ tôi mâu thuẫn với con dâu nên cuối đời cắt đất chia tài sản cho các con, ông bà đã chỉ cho riêng con trai. Số đất đó, ông bà bắt con trai xác định quyền sở hữu riêng không cho con dâu đứng tên cùng chồng.

Sau khi bố mẹ tôi mất, em dâu yêu cầu chồng nhập số tài sản đó vào tài sản chung, nhưng em trai tôi không đồng ý. Vợ chồng mâu thuẫn nhiều vì khối tài sản riêng đó. Và rồi, ỷ vào số tài sản riêng, em trai tôi tự ý bán đất lấy tiền chơi bời cờ bạc, không chịu làm ăn, nợ nần chồng chất khiến hạnh phúc hôn nhân đổ vỡ.

Từ thực tế này, tôi nghĩ "quỹ đen" chỉ là khoản tiền nhỏ của mỗi cá nhân dùng để "phòng thân" trong trường hợp cần thiết. Còn lại, các chi tiêu trong gia đình vẫn nên lấy từ quỹ chung để tạo sự thống nhất của vợ lẫn chồng. Có như vậy, hạnh phúc hôn nhân mới bền vững.

                                                                                                   Vũ Hương Trà                                                                                             (Chung cư HH2B Linh Đàm,   Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Chồng lạc lối vì có “quỹ đen” lớn

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm chồng không nên lập "quỹ đen" sau lưng vợ, nhất là khoản quỹ đó là số tiền lớn có thể lên đến tiền tỷ. Dù thời hiện đại văn minh và bình đẳng trong việc nắm giữ kinh tế đến đâu thì trong gia đình vẫn nên tuân theo một nguyên tắc chỉ có tài sản chung. Vợ chồng không nên tạo lập "quỹ đen". Nếu cần chi tiêu, mỗi người có thể giữ lại một khoản tiền lương nhỏ và công khai.

Thực tế cho thấy khi chồng có "quỹ đen" lớn, nguy cơ lạc lối cũng lớn theo. Vợ chồng tôi đã suýt đổ vỡ hôn nhân chỉ vì chồng tôi có "quỹ đen" sau lưng vợ. Đó là vào năm chúng tôi kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Tôi phát hiện chồng có tình nhân bên ngoài và đang âm thầm dệt mộng tình yêu ở một căn hộ chung cư. Tìm hiểu ngọn ngành, tôi mới biết căn hộ chung cư đó là do chồng tôi mua cho thuê giấu tôi lâu nay. Hóa ra trước khi cưới, chồng tôi có một khoản tiền riêng để ở chỗ chị gái. Mấy năm nay, hai người hùn vốn đầu tư mua bán đất. Sau nhiều lần mua đi bán lại, chồng tôi mua một căn hộ chung cư cho thuê.

Có tiền riêng, chồng tôi bắt đầu tạo những mối quan hệ không trong sáng bên ngoài và kết quả là đã lạc lối với một cô gái trẻ. Anh đưa cô gái đó về ở căn hộ chung cư, thỉnh thoảng viện cớ đi công tác để về đó sống như vợ chồng.

Khi mọi chuyện bị lộ, chị chồng tôi hối hận trong việc giúp em trai giấu giếm khoản "quỹ đen". Chị giải thích vì nghĩ vợ chồng được quyền có tài sản riêng và muốn bảo vệ số tài sản riêng đó cho em trai "phòng thân" lỡ gặp chuyện không may trong cuộc sống, không ngờ nó lại tạo cơ hội để em trai lạc bước, có nhân tình nhân ngãi.

Hạnh phúc của vợ chồng tôi rơi vào bế tắc khi chuyện chồng tôi có bồ nhí, rồi cho bồ nhí ở căn chung cư là tài sản riêng bị bại lộ. Nhưng nhờ sự khuyên giải, níu kéo của gia đình hai bên, chúng tôi đã hàn gắn lại. Sau sự cố đó, mọi người đều cho rằng giá như anh không có "quỹ đen", thì đã không mắc sai lầm. Vì thế trong câu chuyện có nên xem "quỹ đen" là tài sản riêng hợp pháp trong hôn nhân, quan điểm của tôi là không nên. Bởi nó mang lại nhiều nguy cơ đe dọa hạnh phúc hôn nhân.

Lê Vũ Hải Yến (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội)

Có nên thừa nhận "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp" của vợ chồng trong hôn nhân? Việc để "quỹ đen" công khai tồn tại liệu có tác động, ảnh hưởng đến tài sản chung, kinh tế gia đình của vợ, chồng? Những mối nguy cơ từ "quỹ đen" có được tiêu trừ khi "quỹ đen" được nhìn nhận dưới góc độ "hợp pháp" không?

Kính mời bạn đọc tham gia thảo luận chủ đề: Có nên xem "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp" trong hôn nhân? Bài thảo luận gửi về chuyên mục Hôn nhân gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội; hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Bài được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút, báo biếu theo quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.