Khám sức khỏe tiền hôn nhân, cần được luật hóa

Chia sẻ

PNTĐ-Khám sức khoẻ tiền hôn nhân là cần thiết, nhưng việc này lại đang bị người dân "xa lánh" để rồi dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc.

 
Bất hạnh vì "bỏ qua" khám sức khoẻ tiền hôn nhân
 
Đầu năm 2013, Nguyễn Thị M vào nhà tạm lánh trong tình trạng bị chồng bạo hành thể xác lẫn tinh thần. M kể kết hôn xong cô mới biết khả năng tình dục của chồng rất hạn chế và không có khả năng có con do di chứng của một tai nạn anh gặp phải trước đó. Tổ ấm của họ quạnh quẽ vì vắng tiếng trẻ thơ nhưng mấy lần đề cập đến chuyện nhận con nuôi, chồng M lại không đồng ý. Việc này trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng luôn mâu thuẫn. Bất mãn với bản thân cộng với nỗi lo  vợ sẽ tìm đến người đàn ông hơn mình khiến chồng M luôn ghen tuông vô cớ và tìm đến rượu chè để giải khuây. Từ đó M trở thành nạn nhân để chồng trút mọi nỗi ưu phiền.
 
Chẳng thể khuyên giải nổi chồng và cam chịu mãi cuộc sống bạo hành, M đòi ly hôn. Chồng M xem đó là điều sỉ nhục và ra tay hành hạ vợ, cô trốn đi đâu anh cũng tìm đến để gây sự. Sau hai năm chịu đựng, cô quyết định tìm đến nhà tạm lánh trong thời gian chờ làm thủ tục ly hôn. Tại đây mỗi lần ai đó quan tâm hỏi han hoàn cảnh, M đều ân hận nói "giá như trước khi cưới em biết được tình trạng của anh ấy thì có lẽ sẽ tránh được tình cảnh bi đát này".
 
Khám sức khỏe tiền hôn nhân, cần được luật hóa - ảnh 1
Đến cơ sở y tế khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp bạn trẻ chủ động
với hạnh phúc(ảnh minh họa)
 
Tháng 3/2013, trong lá đơn gửi đến Ban bạn đọc (báo PNTĐ), anh N.D.T.A (Mễ Trì, Từ Liêm, HN) phản ánh việc nhà vợ chia cắt vợ chồng, cha con sau thời gian anh chữa bệnh tâm thần trở về. Theo đó, năm 2010, sau thời gian yêu nhau, anh A và chị N.T.H đã tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. Tuy nhiên sau khi cưới không lâu, anh A phát bệnh tâm thần bất ổn phải nhập viện điều trị. Trong thời gian đó, vợ anh đang mang thai được bố mẹ vợ đón về chăm sóc. Sau một thời gian điều trị, anh được xuất viện, về đón vợ con thì bố mẹ vợ không cho. Từ đó đến nay, anh không được đoàn tụ với vợ con. Chính quyền thôn, xã cũng đã nhiều lần đến hoà giải nhưng cuộc hôn nhân của anh vẫn không được hàn gắn.
 
Trường hợp của chị Nguyễn Thị M. và anh N.D.T.A chỉ là hai trong rất nhiều người gặp bất hạnh khi bước vào cuộc sống hôn nhân mới phát hiện ra tình trạng bệnh tật của bản thân và người chồng/vợ của mình. Và họ cũng nằm trong số đông bộ phận không hề quan tâm đến việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Chuyện kết hôn xong mới hay chồng/vợ mắc bệnh rất phổ biến, đặc biệt là một số bệnh thuộc hiện “cấm” được kết hôn như tâm thần, hoa liễu…
 
 "Luật pháp không yêu cầu, bản thân thấy khoẻ mạnh nên cũng chẳng nghĩ đến. Yêu và lấy nhau là bằng niềm tin, giờ lại bảo người yêu đi khám trước khi cưới thì khác gì nghi ngờ nhau sống không nghiêm túc. Không đi khám có khi lấy được nhau, đi khám về lại "có chuyện". Rào cản trong suy nghĩ này đã khiến những người như mình phải nhận lấy bất hạnh hôn nhân mà lẽ ra có thể tránh được ngay từ đầu" - M thú nhận.
 
Cần phải dựa vào luật thay vì khuyến khích
 
Trong ý kiến góp ý sửa đổi Luật HN&GĐ gửi đến Bộ Tư pháp vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đề nghị nên quy định khi đăng ký kết hôn phải có giấy chứng nhận y tế về sức khỏe, tâm thần. Cùng với đó, tại dự thảo báo cáo mục tiêu, quan điểm và một số định hướng lớn trong việc xây dựng và bổ sung một số điều của Luật HN&GĐ của Bộ Tư pháp gần đây, ý kiến về nghĩa vụ của các bên kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khoẻ đã nhận được nhiều sự đồng thuận bởi tính cần thiết của nó.
 
Khám sức khỏe tiền hôn nhân, cần được luật hóa - ảnh 2
Khám sức khoẻ tiền hôn nhân là để phát hiện những bệnh di truyền,
bệnh lây nhiễm, vô sinh.
 
Về yếu tố quyết định đến hạnh phúc gia đình, khám sức khoẻ tiền hôn nhân (SKTHN) giữ vai trò không nhỏ. Về y tế, khám SKTHN là để phát hiện những bệnh di truyền, bệnh lây nhiễm, vô sinh. Từ đó người khám sẽ được tư vấn các biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời các nguy cơ sinh con khuyết tật, giúp những người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin, có đủ sức khỏe để có đời sống tình dục tốt, mang thai và sinh con an toàn. Việc khám SKTHN cũng đã được Bộ Y tế xác định là một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng dân số. Công tác này hiện nay đang được ưu tiên nhưng thực tế lại không được như mong đợi khi mà các phòng khám SKTHN đang bị người dân "xa lánh" vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của nó, còn luật pháp thì mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, "khuyến khích" chứ không bắt buộc.
 
Xét về luật pháp, nếu đưa quy định này vào Luật, sẽ khắc phục bất cập đối với quy định cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn hiện hành. Quy định này trong thực tế hiện không khả thi. Theo quy định của Điều 22 (Luật Dân sự), một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án theo yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan.
 
Trong khi đó, thực tế không có trường hợp nào cha, mẹ của người bị bệnh tâm thần lại yêu cầu Tòa án tuyên bố con mình bị mất năng lực hành vi dân sự để con không được kết hôn. Do đó, trường hợp một người tuy mắc bệnh tâm thần (hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, điều khiển được hành vi), nhưng do không có quyết định của Tòa án, người này vẫn được xác định là có năng lực hành vi dân sự và không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn. Vì thế, không ít trường hợp người có tiền sử bị bệnh tâm thần hoặc đang mắc bệnh mà bị gia đình giấu diếm vẫn "lách luật" để kết hôn bình thường. Hậu quả kéo theo những bi kịch sau đó.
 
Vì những lợi ích thiết thực trên, quy định có giấy khám sức khoẻ kèm theo thủ tục đăng ký kết hôn vẫn rất cần được luật hoá thay vì chỉ khuyến khích và tuyên truyền như hiện nay.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...