Khi tuổi teen thành chuyên gia tư vấn tâm lý

Chia sẻ

Một nhóm bạn học sinh cấp 3 đã cùng vận hành một đường dây nóng sẵn sàng tham vấn tâm lý 24/7 cho các bạn nhỏ trong mùa dịch. Trở thành những người lắng nghe nỗi buồn của người khác, chính nhóm bạn cũng “bớt buồn” và thấy cuộc sống đáng yêu hơn.

Ảnh: Một buổi tham vấn tâm lý của CLB BlueBlue (NVCC)Ảnh: Một buổi tham vấn tâm lý của CLB BlueBlue (NVCC)

“Chúng mình đang lắng nghe bạn nói…”

Vũ Hương Bình, 17 tuổi, học sinh trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi) là chủ tịch Câu lạc bộ BlueBlue, chia sẻ ý tưởng thành lập dự án: “Không phải bạn trẻ nào, hay thậm chí là các bạn tuổi nhỏ cũng được gia đình, hay bạn bè và những người xung quanh lắng nghe. Có những bạn, mình biết là từng không có ai để nói chuyện, phải cố gắng kìm nén, tự đối mặt với cảm xúc của bản thân. Ở tuổi chúng mình, với người lớn, việc quan trọng và đáng quan tâm hơn cả chỉ có học tập sao cho thật tốt. Các vấn đề khác về tâm sinh lý, dường như hay bị cho là… diễn, là làm quá. Từ đó thôi thúc mình tạo ra một trung tâm có thể hỗ trợ tâm lý cho các bạn”.

Ngay đầu tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Bình cùng nhóm bạn trẻ tại trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi) chính thức vận hành đường dây nóng 19009204 (nhánh số 3) hoạt động 24/7 nhằm tư vấn, hỗ trợ tâm lý miễn phí cho thanh thiếu niên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một trang fanpage vận hành song song để hỗ trợ các bạn nhắn tin để được tư vấn tâm lý nếu không muốn gọi điện thoại.

Hơn 30 bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc. Một nhóm chuyên thiết kế tờ rơi, chạy trang fanpage, liên hệ với các đối tác tài trợ và truyền thông. Nhóm khác là sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc học chuyên sâu về tâm lý làm nhiệm vụ tham vấn tâm lý dưới sự giám sát của chuyên gia - bác sĩ tâm lý.

Chỉ sau 1 tuần, nhóm đã nhận được 14 cuộc gọi và rất nhiều tin nhắn từ các bạn trẻ ở Hà Nội cần sự hỗ trợ tâm lý. “Đường dây nóng như một người bạn để có thể tâm sự, lắng nghe về những điều mà bạn cảm thấy không đủ thoải mái để nói chuyện với bạn bè, gia đình. Các bạn gọi đến không cần phải nói tên, đến từ đâu, danh tính hoàn toàn được bảo mật”- Bình chia sẻ. Bên cạnh đó nếu trường hợp đặc biệt gọi điện đến cần tham vấn sâu hơn, nhóm sẽ làm việc với các bệnh viện để có thể hỗ trợ chuyên sâu cho những trường hợp này.

Bình cho biết mới đầu chỉ là thông điệp “Hãy cố gắng lên” trên những tấm thiệp nhỏ xinh được các bạn trẻ gửi đến các trường học ở Hà Nội. Về sau cô chia sẻ câu chuyện này với bố là một bác sĩ thì nhận được gợi ý về một trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên.

Dự tính của nhóm bạn trẻ là sẽ hỗ trợ tư vấn tâm lý cho khoảng 260 trường hợp gọi điện đến từ nay đến hết tháng 8. Đồng thời, tích cực chia sẻ trên trang fanpage để dự án lan tỏa trong cộng đồng, nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, giúp họ hiểu ra vấn đề các bạn trẻ đang gặp phải để thực sự kiên nhẫn và biết cách tâm sự với con cái.

“Sau mỗi ca tham vấn tâm lý, nhiều bạn gửi lời cảm ơn, xúc động vì được hỗ trợ nhiệt tình, thậm chí có những cuộc gọi đến lúc 1-2h sáng. Chúng mình mong muốn chạy dự án lâu dài, giúp cộng đồng nhận ra được sự nghiêm trọng của vấn đề tâm lý tuổi học đường này”- Vũ Hương Bình bày tỏ.

Con chỉ cần được lắng nghe…

Vũ Hương Bình bộc bạch rằng, có lẽ bạn may mắn vì được bố mẹ lắng nghe suy nghĩ và định hướng nhưng vẫn cho bạn quyền chủ động. Việc Hương Bình gắn bó với dự án cũng là bởi động lực ủng hộ từ gia đình. Thực tế, được bố mẹ và người thân lắng nghe, là may mắn mà không phải bạn trẻ nào, đứa con nào cũng có được, và trở thành một trong những nguyên nhân chính, hoàn cảnh chính trong những tình ca tư vấn tâm lý, nhất là tâm lý học đường.

Theo chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, lắng nghe giúp bố mẹ nắm bắt toàn bộ mối bận tâm và cả tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu của con. Về phía con cũng cảm thấy được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và có chỗ dựa tinh thần. Chính sự tương tác hai chiều đó tạo nên sợi dây liên kết tình cảm, từ đó tạo thuận lợi trong quá trình bố mẹ tác động để rèn nhân cách cho con.

“Bất cứ đứa trẻ nào cũng mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. Nhất là trong thời điểm ngặt nghèo như dịch bệnh, mọi không gian đều trở nên “mất an toàn”, điều mà người ta tha thiết nhất lại là sự bình an trong mỗi gia đình. Vì thế, người lớn cần đặt mình vào vị trí con trẻ để dễ dàng đồng hành cùng tâm trạng, cảm xúc của con, sẵn sàng đón nhận những quan điểm, ý kiến của riêng con. Bởi trong nhiều trường hợp, chỉ cần được bố mẹ lắng nghe câu chuyện và đồng hành cùng cảm xúc thôi là con trẻ đã đủ tự tin tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình, tránh để câu chuyện phải đi quá xa…”.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.