Kỳ 2: Gánh nặng bệnh tật kép
Dù tuổi thọ cao nhưng đa số người già Việt đang sống trong cảnh thọ nhưng... yếu, chất lượng cuộc sống bị giảm sút do phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, khó tiếp cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Sống thọ trên... giường bệnh
92 tuổi, cụ Nguyễn Khắc Cần (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang là người có tuổi thọ cao nhất trong họ tộc từ trước tới nay. Tuy nhiên theo anh Nguyễn Khắc Hậu (con trai trưởng) thì bố anh sống thọ nhưng không khỏe. Hơn 15 năm nay, cụ Cần bị tai biến nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Ngoài bệnh tai biến mạch máu não, cụ Cần còn mắc bệnh tiểu đường, tim mạch. Chỉ cần thời tiết thay đổi là cụ phải nhập viện điều trị. Có những năm, cụ Cần "gắn bó" với bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cả hai lần làm lễ thượng thọ (80, 90 tuổi), cụ Cần đều phải ngồi trên xe lăn. Anh Hậu bảo sở dĩ cụ Cần sống ngày một thọ là nhờ thuốc thang hỗ trợ phần nhiều cùng với sự chăm sóc đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần của con cháu.
Niềm vui bên con cháu giúp sức khỏe tinh thần người già tốt hơn (Ảnh: minh họa)
Cùng chung tình cảnh sống thọ trên... giường bệnh, cụ bà Đào Thị Ngọc (97 tuổi, quê ở Nghệ An) ra Hà Nội sống già cùng con cháu gần 30 năm thì 20 năm phải sống trên giường bệnh. Sau khi bị đột quỵ, cụ Ngọc không còn khả năng đi lại, cộng thêm bệnh phong thấp, cuộc sống của cụ lệ thuộc rất nhiều vào các loại thuốc và bệnh viện. Chiếc giường ngủ của cụ Ngọc được cải tiến lại cho tiện việc ăn uống, vệ sinh tại chỗ dễ dàng hơn, có gắn một chiếc chuông điện giống như chuông cửa. Hàng ngay có nhu cầu gì, cụ lại nhấn chuông để "gọi" con cháu đến hỗ trợ. Hai năm nay, cụ Ngọc bị mắc bệnh lẫn không biết mình là ai, không nhớ được con cháu trong nhà. Công việc chăm sóc cụ càng vất vả hơn đối với con cháu.
"Được tiếng là sống thọ nhưng 20 năm nay cuộc sống của mẹ tôi tù túng, bị bệnh tật hành hạ rất đau đớn. Không ít lần bà bảo sống thọ nhưng khổ sở với bệnh tật, phiền lụy cho con cháu nhiều..." - chị Thúy-con gái cụ Ngọc kể.
100% người cao tuổi (NCT) có bảo hiểm y tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp, 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT...Đây là một trong những mục tiêu của Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 vừa được Bộ Y tế phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.Đề án được triển khai trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng kinh phí 4.019.703 triệu đồng.
Mô hình và nguyên nhân bệnh tật thay đổi
Thách thức lớn nhất đối với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt hiện nay chính là mô hình và nguyên nhân bệnh tật đang thay đổi nhanh chóng tạo nên gánh nặng "bệnh tật kép". Một mặt, người cao tuổi đang phải chịu nhiều bệnh do lão hóa gây ra. Mặt khác, họ phải gánh chịu các bệnh phát sinh do thay đổi lối sống dưới tác động của biến đổi kinh tế, xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế như: béo phì, sa sút tâm thần, trầm cảm...
Luyện tập thể dục của người già ở Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Ảnh: P.V)
Các cuộc điều tra mức sống của các hộ gia đình qua các giai đoạn trong thời gian qua cho thấy có xu hướng thay đổi lối sống của người cao tuổi trong gia đình. Tỷ lệ người cao tuổi sống chung với con cái đang giảm rõ rệt, sự phụ thuộc giữa cha mẹ và con cái cũng giảm nhanh chóng. Nguyên nhân, một mặt do vị thế kinh tế của người cao tuổi được cải thiện. Cha mẹ vẫn có thể tự chủ kinh tế để sống già thay vì phụ thuộc vào con cái hoàn toàn như trước đây. Mặt khác, do mô hình gia đình Việt đang thay đổi theo xu hướng con cái ngày càng độc lập với cha mẹ. Tỷ lệ hộ gia đình chỉ có vợ chồng người cao tuổi tăng hơn 2 lần trong thập kỷ vừa qua.
Cùng với đó, sự chênh lệch giới tính ở nhóm người cao tuổi có sự khác biệt lớn, tỷ lệ cụ bà cao hơn cụ ông rất nhiều với tỷ lệ 200 cụ bà/ cụ ông ở độ tuổi 80 trở lên), 149 cụ bà/100 cụ ông ở độ tuổi 70-79, 131 cụ bà/100 cụ ông ở độ tuổi 60-69. Đơn cử như ở Phường Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm, HN), số người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên có 323 cụ trong đó có 93 cụ ông, 230 cụ bà. Điều này dẫn đến tình trạng số người cao tuổi sống cô đơn cao. Trong khi đó, sự cô đơn của người già trong cuộc sống hiện đại, đầy đủ vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần là nguyên nhân khiến căn bệnh trầm cảm gia tăng. Đặc biệt, bệnh trầm cảm ở người già thường phối hợp với nhiều bệnh khác như: đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.... khiến cho bệnh càng trở nên phức tạp, khó điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh (Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương) thì chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần chi phí điều trị cho người trẻ. Hiện nay, dù số người cao tuổi chiếm 10% dân số nhưng sử dụng trên 50% chi phí điều trị bệnh mỗi năm.
Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật của người cao tuổi Việt đã chuyển từ bệnh lây nhiễm sang bệnh mãn tính, không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm thừa cân, béo phì gia tăng ngày một nhiều. Đây là một khó khăn lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện nay. Hệ quả của sự thay đổi này trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi.
Ngoài ra, nguy cơ khuyết tật của người cao tuổi Việt hiện nay cũng rất cao, trong đó khuyết tật thường gặp nhất là mất thị lực và thính giác. Trong khi đó mức độ hiểu biết về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi Việt rất thấp dù thực tế phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật hàng ngày. Một nghiên cứu được tiến hành với 818 người cao tuổi vào năm 2010 cho thấy gần 67% người cao tuổi không biết các biểu hiện tăng huyết áp, 84% không biết những nguy cơ nào gây ra tăng huyết áp và gần 75% không biết cách phòng chống đau xương khớp.
Dịch vụ chăm sóc y tế chưa theo kịp tốc độ già hóa
Trước tốc độ già hóa nhanh chóng, người già Việt đang phải đối mặt với thực trạng ốm đau, bệnh tật nhiều nhưng dịch vụ chăm sóc y tế dành riêng cho người cao tuổi còn yếu, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng thiếu nhiều, nghiệp vụ, kỹ năng phát hiện điều trị, chăm sóc người cao tuổi vẫn còn thấp.
Tính đến nay, cả nước mới chỉ có 40 % bệnh viện cấp TW và cấp tỉnh có khoa Lão khoa. Số người cao tuổi khoảng 10 triệu người nhưng mới chỉ có 2.522 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa và 37.622 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi. Đây là con số khá khiêm tốn so với hàng triệu người cao tuổi đang có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: P.V)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân (Phó Tổng cục Trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế) thừa nhận hệ thống lão khoa của chúng ta phát triển chậm so với nhu cầu hiện nay.
Tại các nước đã trải qua thời kỳ già hóa dân số, mô hình chăm sóc người cao tuổi bằng nhà dưỡng lão rất được chú trọng phát triển bên cạnh hệ thống chăm sóc y tế từ bệnh viện. Tuy nhiên ở nước ta, hệ thống nhà dưỡng lão dành cho người cao tuổi còn thiếu và mới chỉ thực hiện việc chăm sóc về nơi ăn chốn ở.
Cụ thể, chúng ta có hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng mới nhận chăm sóc những người già cô đơn không nơi nương tựa, khó khăn trong cuộc sống, việc chăm sóc về mặt y tế hầu như chưa có. Trong khi ở các nước khác, hệ thống nhà dưỡng lão thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi. Hiện nay, một số trung tâm dưỡng lão tư nhân đang áp dụng mô hình chăm sóc người cao tuổi toàn diện như nước ngoài. Tuy nhiên, các trung tâm này mới chủ yếu thu hút nhóm người cao tuổi có tiềm năng kinh tế với chi phí từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Nếu mức độ chăm sóc về y tế nặng thì mức phí sẽ cao hơn.
Một gánh nặng khác mà người cao tuổi Việt hiện nay đang phải đối mặt đó là chi tiêu chăm sóc sức khỏe có xu hướng lệch về nhóm dân số cao tuổi khó khăn hơn. Do chi tiêu y tế của hộ gia đình người cao tuổi chủ yếu dựa vào chi tiêu từ tiền cá nhân, còn phần chi tiêu từ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong khi đó, 70% người cao tuổi Việt sống ở nông thôn, không có lương hưu hoặc tiền để dành; 30% người cao tuổi không có bảo hiểm y tế… Điều này dẫn đến tình trạng người cao tuổi bị bệnh nặng mới đến viện khám chữa bệnh. Bấy giờ, chi phí điều trị lại càng tốn kém, tạo nên gánh nặng bệnh tật lớn đối với người cao tuổi lẫn gia đình.
Thực tế cho thấy, quá trình già hóa không chỉ liên quan đến rủi ro tử vong ngày cao do những biến đổi về mặt sinh học, mà còn liên quan đến hạn chế về chức năng, nguy cơ đau ốm kinh niên ngày càng tăng. Sức khỏe ảnh hưởng đến trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người cao tuổi. Bởi ốm đau, bệnh tật sẽ khiến người cao tuổi mất tự chủ và độc lập trong cuộc sống, làm giảm sự năng động, mất sự tôn trọng và tự tin. Với người cao tuổi, sự tổn thương về tinh thần do sức khỏe yếu còn nghiêm trọng hơn hao tổn về vật chất.
100% người cao tuổi (NCT) có bảo hiểm y tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp, 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT...Đây là một trong những mục tiêu của Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 vừa được Bộ Y tế phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.Đề án được triển khai trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng kinh phí 4.019.703 triệu đồng.
HẠ THI Kỳ 3: Trụ cột kinh tế tuổi xế chiều