Vợ chồng tuổi xế chiều:

Làm gì để không “thả trôi” hôn nhân?

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vào tuổi xế chiều, cơ thể bắt đầu lão hóa, những lo lắng, tiếc nuối thanh xuân có thể xảy ra, ham muốn về chuyện chăn gối cũng bị giảm sút. Các cặp vợ chồng cao tuổi cần vượt qua những rào cản tâm sinh lý này như thế nào để có thể tiếp tục giữ lửa lòng? Dưới đây là tư vấn của ThS Hoàng Thị Xuân Dung, chuyên gia tâm lý lĩnh vực tình cảm, hôn nhân gia đình của Ứng dụng chăm sóc sức khoẻ tinh thần Safe and Sound.

Làm gì để không “thả trôi” hôn nhân? - ảnh 1
Vợ chồng cao niên.  Ảnh minh họa

Xin chào ThS Hoàng Thị Xuân Dung! Xin bà cho biết, hôn nhân ở người cao tuổi thường gặp phải những vấn đề gì? Vì sao lại có sự thay đổi này so với hôn nhân của họ khi còn trẻ? 

Đa số chúng ta có suy nghĩ rằng trải qua thời gian lâu dài ở bên nhau thì khi bước vào giai đoạn xế chiều, hôn nhân của người cao tuổi sẽ ngày càng khăng khít, bền chặt. Thực tế qua kinh nghiệm làm tư vấn cũng như qua những gì quan sát được ở các cặp đôi, tôi nhận thấy bước vào giai đoạn này, hôn nhân của người cao tuổi đứng trước những thách thức rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ bất hòa, đổ vỡ cao. Ở các giai đoạn trước, bất chấp mâu thuẫn và tình cảm nguội lạnh, nhiều cặp đôi lựa chọn ở lại hôn nhân với suy nghĩ vì con… Nhưng, bước vào giai đoạn cao niên, khi con cái trưởng thành, có đời sống riêng và rời xa bố mẹ, chỉ còn lại 2 vợ chồng ngày ngày trong cái “tổ rỗng”, họ mới cảm nhận hết sự chán nản và cô đơn. Nhiều người lớn tuổi cho biết sau nhiều năm cố gắng, họ đã thật sự mệt mỏi, họ không muốn tiếp tục chịu đựng và cũng không có động lực để duy trì hôn nhân nữa. 

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cao tuổi còn phải đối mặt với tình trạng lão hóa của bản thân như sức khỏe suy giảm, trí tuệ sa sút, mất khả năng lao động, thiếu giao tiếp xã hội, nỗi cô đơn và sự phụ thuộc vào người khác. Những vấn đề này là trải nghiệm khó khăn, chưa từng có trong vốn kinh nghiệm trước đó của họ. Nó góp phần khuếch đại các mâu thuẫn sẵn có, khiến hôn nhân của họ vốn từ trước đã không được nuôi dưỡng đúng cách nay lại càng trở nên ốm yếu, mong manh. Vì thế, hiện tượng vợ chồng lớn tuổi lựa chọn ly dị, ly thân không còn là trường hợp hi hữu. Khác với những cặp vợ chồng trẻ, khả năng cam kết thay đổi, hòa giải, tái hợp giữa những cặp vợ chồng lớn tuổi rất thấp, gần như là không. Bất kỳ vấn đề nào chưa được giải quyết ở giai đoạn trước sẽ trở thành hậu quả trong những năm tiếp theo, dẫn đến tình trạng “lỗ nhỏ - đắm thuyền”.

Nhiều cặp vợ chồng chia sẻ rằng, càng về già, bạn đời của họ càng khó tính, khó chiều và khó để chấp nhận. Vậy, theo bà, vợ chồng cao niên có nên nhẫn nhịn, chịu đựng sự thay tính, đổi nết này ở bạn đời không để giữ cho gia đình yên ấm?

John Gottman, một nhà nghiên cứu về mối quan hệ cho biết 70% các vấn đề gây mâu thuẫn, khó chịu giữa một cặp vợ chồng là không thể khắc phục. Chúng tồn tại suốt đời. Các cặp vợ chồng đã dành hết năm này qua năm khác để cố gắng thay đổi quan điểm, sửa đổi tính nết của nhau nhưng không thể làm được. Theo ông, ý tưởng vợ chồng cố gắng giải quyết mọi bất đồng, khó chịu về tính cách, thói quen, lối sống của người kia, sao cho nó khớp với mình là hoang đường.

Nếu bạn không thể thay đổi người kia và người kia cũng không thể thay đổi bạn, làm sao bạn có thể giảm bớt những thứ khiến bạn khó chịu khi càng về già bạn đời của bạn càng “khó ưa”? 

Những cặp vợ chồng có hôn nhân viên mãn (một số người đã kết hôn hơn 40 - 50 năm) cho tôi biết họ chấp nhận việc có một số bất đồng, khó chịu là không tránh khỏi, có một số điều họ không thích hay đồng tình với người kia, nhưng họ tôn trọng sự khác biệt đó. Họ thấy việc mình không đồng ý với nhau, mình khó chịu với những tính xấu hoặc sự “khó chiều” của người kia là bình thường. Điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Thay vì chăm chăm bắt lỗi đối phương, để tâm đến những khuyết điểm xấu xí hoặc nín nhịn chịu đựng trong sự chán ghét… họ tập trung vào những điểm mạnh của bạn đời, và chủ động tạo ra những cảm xúc, hành vi tích cực thay thế. 

Sự thật là cố gắng giải quyết một mâu thuẫn đôi khi còn gây ra nhiều mâu thuẫn hơn và hậu quả của cơn giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân của nó. Một số mâu thuẫn không đáng để tranh cãi. Một số khác nên chấp nhận và bao dung: “Ai cũng có những lúc khó ở mà”.

Vậy theo bà, đâu là cách ứng xử để vợ chồng cao niên tiếp tục hòa hợp,“đầu bạc, răng long”?

Tôi nghĩ bí mật của hôn nhân hạnh phúc là coi nó như một tài khoản ngân hàng. Đây là phương pháp chung dành cho các cặp đôi, chứ không thuộc về riêng thế hệ nào. Những gì mà các cặp vợ chồng nên làm là nghĩ về mối quan hệ của mình như một tài khoản ngân hàng mà hai bạn là chủ sở hữu. Những niềm vui, hành động tích cực mà vợ chồng chủ động tạo ra cho nhau có ý nghĩa tương đương như việc bạn gửi tiền vào tài khoản. Ngược lại, những hành vi, cảm xúc tiêu cực mà bạn đem vào mối quan hệ có ý nghĩa giống như việc bạn đang rút tiền. 

Nếu tài khoản mối quan hệ của cặp đôi đang có ít “tiền” (đang nhiều tương tác tiêu cực) thì mỗi lần rút tiền (mâu thuẫn, làm tổn thương nhau) thì số dư của tài khoản càng gần về 0. Do đó, mỗi xung đột đều chứa đựng rủi ro, giống như việc bạn đưa mối quan hệ đến bờ vực của sự phá sản (ly thân, ly dị). Mặt khác, nếu tài khoản của bạn tràn đầy những tương tác tích cực thì bạn có thể “rút tiền” mà không sợ rủi ro, thâm hụt. Vì tài khoản luôn dương và hàng ngày bạn đều đặn “gửi tiền” vào đó nên khi xảy ra mâu thuẫn nó cũng không gây tổn hại cho mối quan hệ của bạn. Lúc này, tranh cãi không thể làm cho hai vợ chồng bạn chia tay. Tranh cãi chỉ đơn giản là tranh cãi.

Khi nhìn nhận mối quan hệ của mình giống như tài khoản ngân hàng, bạn sẽ củng cố những điều tích cực thay vì tập trung vào những điều chưa tốt. Khi đó năng lượng tích cực sẽ lấn át tiêu cực, làm giảm sự tiêu cực lên tình yêu và hạnh phúc của bạn. “Tài khoản mối quan hệ” sẽ giúp bạn nâng cao ý thức xây dựng và chủ động đầu tư cho hôn nhân; giúp bạn tiến tới một cuộc hôn nhân hạnh phúc đến “răng long, đầu bạc” mà không cần phải tác động trực tiếp để sửa chữa, uốn nắn người kia sao cho vừa vặn với mình. Thay vào đó, bạn tạo lập một “quỹ chung” để cả hai đóng góp vào. Từ đó, “lợi nhuận” sẽ chảy ngược lại vào mối quan hệ vợ chồng của bạn. 

Xin cảm ơn bà!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để ngày nào cũng là “Ngày của mẹ”

Để ngày nào cũng là “Ngày của mẹ”

(PNTĐ) - “Ngày của mẹ” (Mother's day) là dịp để tất cả chúng ta tôn vinh, tri ân đấng sinh thành. Mẹ đã dạy chúng ta bài học lớn nhất trong cuộc sống, rằng tình yêu không chỉ là cảm giác mà là những hành động, những lời nói cụ thể mà chúng ta có thể dành cho nhau ngày này qua ngày khác, đến suốt cả cuộc đời này…
Mẹ thương con theo cách riêng mình

Mẹ thương con theo cách riêng mình

(PNTĐ) - Vậy là mẹ Hòa đã ra đi được 1 tuần. Ở tuổi 75 ai cũng bảo bà đi thế là thanh thản bởi các con đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Chỉ có Hòa hiểu, nỗi đau buồn của bà trước khi nhắm mắt chưa gặp được đứa con trai út của mình. Ngồi bên di ảnh của mẹ, Hòa trầm ngâm nhớ về những ngày xa xưa.
Tin vào tình yêu của chồng

Tin vào tình yêu của chồng

(PNTĐ) - Sau khi đi trăng mật trở về, ngày đầu tiên trở lại đi làm cũng là ngày anh... cất biến chiếc nhẫn cưới ở nhà. Trên facebook cá nhân của anh, chưa một lần chị được xuất hiện.
Ông bố “thích” nằm viện

Ông bố “thích” nằm viện

(PNTĐ) - Từ ngày mẹ chị mất, bố chị dù chẳng đau ốm nặng cũng “bịa” ra bệnh để vào bệnh viện điều trị dăm bữa, nửa tháng khiến cuộc sống con cháu đảo lộn theo. Cả nhà chị có cảm giác, ông “thích” đi viện làm bệnh nhân hơn là sống ở nhà làm người khỏe mạnh.