Làm mẹ kế tốt không khó

Chia sẻ

PNTĐ-Em vừa kết hôn, chồng em từng đổ vỡ và nuôi con gái riêng 9 tuổi. Trong thâm tâm, em rất muốn trở thành một người mẹ kế tốt nhưng không biết phải làm cách nào...

 
 Trước đây, em làm việc ở Sài Gòn, anh ấy và con gái sống tại Hà Nội nên em ít được tiếp xúc với con. Cưới xong, em chuyển công tác ra Hà Nội mới sống cùng con riêng của chồng. Em cảm thấy con không thích mình, luôn làm khó em. Đặc biệt, mẹ đẻ của con cũng sống gần đó luôn có những tác động đến con khiến cho tình cảm của em và con riêng của chồng càng khó gần gũi hơn. Nhiều lúc, em phải kéo chồng vào cuộc để xử lý mâu thuẫn mẹ kế - con riêng nhưng càng làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Chúng em sẽ phải chung sống lâu dài với nhau nhưng với tình trạng này thì thật khó để có cuộc sống hòa thuận, êm ấm. Chẳng lẽ làm mẹ kế tốt cũng khó khăn như thế sao?
 
Nguyễn Thị Hồng
 (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
 
Với mỗi đứa trẻ, tình yêu dành cho bố mẹ đẻ không có ai có thể thay thế được. Khi gia đình đổ vỡ, dù sống cùng bố hay mẹ thì tình cảm mà đứa con dành cho những người bố, người mẹ sống xa mình vẫn không thay đổi. Trong suy nghĩ của các con, bố mẹ luôn là của nhau dù họ đã ly hôn đi chăng nữa. Và, nhiệm vụ của chúng là phải “giữ” bố/mẹ không cho ai thay thế vào vị trí của họ. Trong trường hợp, bố, mẹ đều tái hôn có người mới, trẻ thường sợ chồng/vợ mới sẽ “cướp” mất tình cảm của bố, mẹ dành cho mình. Vì vậy, trẻ thường có tâm lý đề phòng, tìm cách đẩy người mới ra xa bố, mẹ mình. Nếu hiểu được tâm lý này của trẻ, bạn sẽ có cách để vừa chung sống hòa bình với con riêng của chồng, vừa khiến chúng nảy sinh tình cảm, yêu thương, quý mến trở lại với mẹ kế.
 
Điều đầu tiên, bạn đừng vội vàng thay đổi, sắp xếp lại nếp sống cũ của hai bố con trước đây bằng những quy định, khuôn khổ mới của mình. Bởi sự thay đổi ấy sẽ khiến cho tâm lý con riêng của chồng bị hụt hẫng, cảm giác đang bị mẹ kế “cướp” đi tất cả, từ bố cho đến mọi sở thích, thói quen trong cuộc sống lâu nay của trẻ. Bạn hãy học cách chung sống hòa hợp với nếp sống cũ của chồng và con riêng, nếu có sự bất hợp lý hãy thay đổi dần để con thích ứng được với điều đó.
 
Lâu nay, chồng được xem là một đồng minh đắc lực của người vợ mỗi khi cần giải quyết một vấn đề chung nào đó trong gia đình. Nhưng nếu như bạn vận dụng đồng minh không đúng lúc lại vô tình gây họa lại cho chính mình. Tâm lý của con riêng của chồng bạn luôn muốn giữ bố cho mẹ ruột và mình, không muốn bố thuộc về người khác, lại không muốn bố vì mẹ kế mà chỉ trích, đánh mắng lại mình. Ở một góc độ, con riêng vẫn xem mẹ kế là người đã “cướp” vị trí của mẹ ruột, chi phối tình cảm yêu thương của bố dành cho nó. Vì thế, con vẫn có sự ác cảm nhất định dành cho mẹ kế. Cho nên, bạn hãy cố gắng tự giải quyết các vấn đề với con, hạn chế lôi chồng vào cuộc. Đôi khi trở thành đồng minh với con riêng của chồng lại là một bí quyết giúp bạn trở thành mẹ kế thành công. Hãy cho trẻ cảm giác yên tâm rằng, mẹ kế không “cướp” đi tình cảm bố con, và rất tôn trọng tình cảm của con đối với mẹ ruột bên ngoài.
 
Đừng xem con riêng không phải máu mủ của mình mà có sự đối xử thiên vị giữa con chung với con riêng. Hãy luôn tạo sự công bằng cho những đứa trẻ trong gia đình, từ tình cảm yêu thương đến sự trách phạt, bạn không chỉ tránh được việc con riêng nảy sinh tâm lý tiêu cực, cố tình gây khó dễ cho mẹ kế, mà còn khiến cho những đứa con chung, con riêng luôn chung sống hòa thuận, yêu thương nhau. Người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo, nếu bạn luôn thể hiện là một người mẹ kế tốt, con riêng của chồng nhất định sẽ theo đó để trở thành một đứa con hiếu thảo.
 
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.