Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi năm, đại gia đình của chị Nguyễn Hồng Mai, sinh năm 1973 hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đều cùng nhau chụp lại một bức ảnh tập thể. Qua thời gian, những bức ảnh lại một nhiều thêm, mang theo bao kỷ niệm, khoảnh khắc quý giá nhắc nhở mỗi thành viên hãy luôn ghi nhớ, yêu thương, trân trọng gia đình của mình.

Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý - ảnh 1
Đại gia đình của chị Mai trong chuyến về nguồn ý nghĩa.

Chị Mai cho biết, chị muốn kể về đại gia đình của mình bắt đầu từ thời ông, bà ngoại của chị. Ông bà có 5 người con (2 trai, 3 gái) nhưng 1 bác gái của chị đã mất từ lúc còn trẻ. Mẹ chị Mai là một trong số 2 người con gái còn lại của ông bà. Ông ngoại của chị cũng mất sớm nên mình bà ngoại tần tảo nuôi cả đàn con bằng cách mở quán bán nem cua bể ở Hải phòng. Tuy chỉ là người phụ nữ buôn bán, nội trợ, nhưng bà luôn dạy các con, cháu đầy đủ lễ nghĩa. Trong nhà luôn phải kính trên, nhường dưới, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Kinh tế khó khăn, bà ngoại chị không có điều kiện nuôi các con học cao. Đó là lý do mẹ chị và cậu chỉ được học hết tú tài là nghỉ. Từ nhỏ, các cô bác và mẹ chị đã phải sớm lăn lộn giúp bà làm hàng bán, rồi anh, chị lớn phải chăm sóc các em nhỏ hơn. Tuy nhiên, điều rất tự hào và đáng trân quý là không học cao về kiến thức nhưng mọi người đều biết về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong gia đình, từng thành viên đều rất yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, nỗ  lực hoàn thành tốt vai trò của mình.

Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý - ảnh 2
Đại gia đình luôn đồng hành bên nhau

Thế hệ tiếp theo trong đại gia đình là các anh, chị, em và chị Mai với tất cả 14 người (trong đó có 2 anh đã mất từ lúc nhỏ nên bây giờ chỉ còn 12 người). Từ thế hệ này trở đi, tính cả dâu, rể và các cháu, chắt, hiện tại đại gia đình của chị đã có hơn 60 thành viên.

Chị Mai vẫn nhớ những câu chuyện cảm động, chan chứa yêu thương do mẹ và các bác, cậu của mình kể lại về đại gia đình của mình. Ấy là thời kỳ trước năm 1975, bố mẹ chị công tác ở Hạ Long, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Và dù chiến tranh ác liệt nhất ở miền Bắc, các bác chị vẫn đạp xe đạp gần 100km dưới bom, đạn để tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho nhà chị. Sau này hòa bình, bố mẹ chị vẫn thường xuyên đưa các con về thăm bà ngoại, các bác, cậu và các anh, chị em họ dù việc đi tàu xe lúc đó không hề dễ dàng. Ngược lại, các bác cũng cho các anh, chị họ ra nhà chơi mỗi kỳ nghỉ hè. 

“Nhớ lúc đó, nhà mình ở tập thể chỉ rộng 24m2 nhưng thường xuyên có tới hơn chục người chen chúc nhau ăn, ngủ, chơi đùa, vui ơi là vui. Khi nhà mình về nhà bà ngoại, bữa ăn nào bà cũng phải nấu 2 nồi cơm to: 1 nồi cho hơn 10 đứa trẻ con ăn trước, 1 nồi cho gần 10 người lớn ăn sau. Bữa cơm quanh chiếc chõng tre của bà tuy giản đơn nhưng đầy ắp tiếng cười và luôn ấm áp. Cũng có khi chị em mình chí chóe giành nhau chiếc ghế đẩu, cái bát đẹp hơn… nhưng thực ra các anh, chị, em luôn nhường nhịn và bảo vệ nhau lắm. Bình thường ai cũng hiền, chả gây sự với người khác bao giờ. Nếu có ai dám bắt nạt 1 người, thì cả đám anh trai trong nhà sẽ kéo nhau đến bảo vệ, riết rồi chả ai chọc ghẹo anh, chị, em nhà mình”- chị Mai vui vẻ hồi tưởng. 

Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý - ảnh 3
Mỗi lần đi cafe, đại gia đình luôn phải chọn nơi có sân vườn rộng

Nhờ việc năng thường xuyên qua lại nên từ nhỏ, chị và các thành viên thuộc thế hệ tiếp sau luôn ghi nhớ, ngoài gia đình nhỏ thì mình còn có một gia đình lớn để yêu thương. Năm 1991, gia đình bác chị chuyển vào miền Nam sinh sống. Sau đó bác giúp đỡ cả 3 gia đình anh em còn lại, trong đó có gia đình chị Mai chuyển vào miền Nam. Rồi bác hỗ trợ các em tìm việc làm, tìm nhà ở, ổn định cuộc sống ở vùng đất mới từ năm 1992. Đến nay, đại gia đình đã đoàn tụ đông đủ ở TP Hồ Chí Minh.

Qua thời gian, khi các cháu trong nhà trưởng thành, đại gia đình chị lại xuất hiện thêm các thành viên mới. Đó chính là các con dâu, con rể, cháu dâu, cháu rể. Chị Mai kể lại, dâu, rể trong nhà chị khi mới về đều rất “sợ” vì gia đình nhà chồng/vợ đông quá. Có người dễ thích nghi thì sẽ sớm hòa nhập cùng gia đình, nhưng có người phải mất một thời gian mới quen được. Khi đã quen rồi thì ai cũng yêu quý và tự hào vì được là thành viên trong đại gia đình rất đoàn kết này.

Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý - ảnh 4
Những bức ảnh quý ghi lại truyền thống của đại gia đình qua các năm, các chuyến đi

“Không gia đình nào không có những lúc va chạm. Với đại gia đình như nhà mình thì việc đó càng khó tránh. Mỗi khi có ai đó bất hòa, các thành viên còn lại sẽ bàn nhau, tìm cách hòa giải để mối liên kết gia đình không bị lung lay, đứt quãng. Trong nhà mình, con dâu, con rể cũng được đối đãi, yêu thương như con trai, con gái, chẳng có sự phân biệt đối xử nào. Chúng mình đều nỗ lực nối tiếp truyền thống từ thời ông bà, thế hệ đi trước giúp đỡ, chỉ bảo thế hệ đi sau. Anh chị nhường em, em lễ phép với anh chị...”- chị Mai nhớ lại. 

Cùng với sự tăng lên mỗi năm của các thành viên thì làm thế nào để giữ được sự kết nối trong đại gia đình, giữa các thế hệ sau là việc không đơn giản. Đó là lý do không chỉ riêng dịp Tết, gia đình chị Mai mỗi năm vẫn thường xuyên tụ họp trong các dịp giỗ chạp, sinh nhật, đám cưới… Ngay cả khi không có lý do gì thì cả nhà cũng hẹn nhau đi café, ăn uống, du lịch,… vì cứ lâu lâu không gặp lại thấy nhớ nhau. 

Lưu giữ truyền thống đại gia đình bằng những bức ảnh quý - ảnh 5
Các thành viên đều rất hạnh phúc khi có một đại gia đình yêu thương

Đầu năm 2023, gia đình chị Mai tổ chức 1 chuyến đi “Về nguồn” đầy ý nghĩa cho cả gia đình, đặc biệt là các dâu, rể và các cháu, chắt sinh ra ở TP Hồ Chí Minh chưa từng có dịp về thăm quê. Một tour du lịch thăm lại chốn cũ, thăm phần mộ của gia đình ở miền Bắc, thăm cả nguyên quán của các cụ khiến ai nấy đều xúc động. 

Và cũng đều đặn hàng năm, đại gia đình lại cùng chụp chung một bức ảnh tập thể. Chị Mai cho biết, mỗi lần nhìn vào những bức ảnh chụp, chị lại thấy gia đình mình có sự thay đổi. Đó là cảm giác nghẹn ngào khi các thế hệ đi trước mỗi năm tuổi một cao, sức khỏe yếu đi và mất dần. Có thể năm trước trong ảnh còn hình các bác nhưng năm sau, bác đã không thể chụp cùng con cháu. Nhưng, cùng với đó cũng là niềm vui khi được chào đón những thành viên nhí thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4... ra đời, đại diện cho sự phát triển và tương lai của đại gia đình.

“Những người quen và bạn bè mình ai cũng nể phục sự yêu thương, gắn kết của gia đình mình. Bản thân mình rất tự hào về đại gia đình. Mình chỉ mong đại gia đình mình luôn mạnh khỏe, bình an và mong sao các thế hệ kế tiếp sẽ gìn giữ và phát huy được truyền thống của gia đình. Khi có một gia đình luôn quan tâm và yêu thương làm điểm tựa thì không khó khăn nào không thể vượt qua”- chị Mai cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.