Mang hạnh phúc cho người dưng giữ hộ

THU VÂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phụ nữ hiện đại ngày càng năng động và thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Nhưng cùng với đó, công việc bận rộn cũng kéo họ xa rời thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Nhiều người đã phó thác hoàn toàn nhiệm vụ của mình cho người giúp việc, khiến hạnh phúc lung lay, gia đình bất ổn theo.

Từ chuyện mẹ chồng quý giúp việc hơn con dâu

Mỗi lần nhắc đến con dâu bà Nga là cánh chị em tôi lại trầm trồ. Thứ nhất, cô là một phụ nữ thành công, tuổi còn trẻ nhưng đã trở thành doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm. Thứ hai, cô đi làm lúc nào cũng có tài xế đưa rước tận đầu ngõ, hàng ngày nhìn dáng cô xinh đẹp, thướt tha từ trong nhà (giữa ngõ) đi ra bước lên ôtô, ai cũng thầm khen.

Đã vậy, cô còn khiến nhà chồng mở mày mở mặt khi mọi khoản ủng hộ của tổ dân phố, hay đoàn thể nào kêu gọi, cũng được cô đóng góp số tiền lớn. Có kinh tế, cô thuê giúp việc làm hết việc nhà, bố mẹ chồng thoải mái sai việc gì cũng được. Nhiều người bảo bà Nga sướng vì có số… “nhờ dâu”. 

Ấy vậy mà một ngày, hạnh phúc của vợ chồng con trai bà Nga chao đảo, nguyên nhân chính lại xuất phát từ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không “hòa hợp” chỉ vì… cô giúp việc. Hóa ra trong cuộc sống hàng ngày, bà Nga luôn coi trọng vai trò của cô giúp việc hơn cả con dâu. Điều đó khiến con dâu bà không bằng lòng, làm cho mối quan hệ giữa hai mẹ con bất hòa, tình cảm vợ chồng con trai bà theo đó cũng lủng củng không yên. Kết quả, con dâu bà đưa ra điều kiện với chồng, một là ra ngoài sống riêng, hai là ly hôn. Bởi vì cô không thể nào chung sống với mẹ chồng xem con dâu không bằng người giúp việc. Bên này, bà Nga cũng ra điều kiện với con trai, nếu ra ngoài sống riêng thì không còn quan hệ mẹ con. 

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn - người được anh con trai bà Nga nhờ gỡ rối cho tình cảnh đứng giữa “cuộc chiến” của mẹ và vợ kể, nguyên nhân chính việc bà Nga lại quý giúp việc hơn cô con dâu giỏi giang thành đạt kia là bởi cô phó thác và “thoát ly” hoàn toàn vai trò chăm lo, quán xuyến việc nhà cho người khác. Chuyện gì, cô cũng dùng tiền, dịch vụ để giải quyết mà không biết không phải lúc nào cũng giải quyết mọi việc trọn tình theo cách ấy.

Theo bà, có những việc người ngoài không thể làm thay, bởi còn có nghĩa vụ tình cảm dâu con gắn liền trong đó. Tuy nhiên, con dâu bà đã không cùng quan điểm, cho rằng đã mất tiền thuê người giúp việc thì phải để họ làm tất cả. Mặt khác, cô mặc định phụ nữ đã làm kinh tế thì không phải làm nội trợ. 
Cô không biết rằng, việc khoán trắng cho giúp việc đã khiến cô mất dần vai trò, vị trí trong mắt mẹ chồng. Con dâu vắng nhà cả tháng, mọi chuyện trong gia đình vẫn ổn, nhưng chỉ cần giúp việc nghỉ một hôm, nhà bà đảo lộn mọi thứ. Ngoài việc xuất tiền ra, con dâu không còn biết tâm tư, tình cảm của mẹ chồng và chồng con hàng ngày như thế nào. Về làm dâu hơn 4 năm, nhưng sự hiểu biết về sở thích trong ăn uống của các thành viên trong đình, con dâu không nắm rõ bằng cô giúp việc. Sự so sánh của bà giữa con dâu và cô giúp việc ngày càng lớn khiến mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu ngày càng gay gắt, đến nỗi không thể sống chung dưới một mái nhà. 

Mang hạnh phúc cho người dưng giữ hộ - ảnh 1
Phụ nữ có thể sử dụng dịch vụ giúp việc gia đình nhưng không nên thoát ly hẳn vai trò chăm sóc, quán xuyến việc nhà  Ảnh minh họa

... Con thích ở với gia sư hơn mẹ 

Vừa có lịch nghỉ hè, con trai chị Lê Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) đã xin mẹ sang nhà cô gia sư ở. Người ngoài ngạc nhiên trước mong muốn của thằng bé nhưng với người thân trong gia đình chị là chuyện bình thường.

Bởi mấy năm trước, cậu bé cũng đã sang nhà cô gia sư ở chơi gần hết hè mới về nhà. Cô gia sư dạy cho các con nhà chị Hiền gần 5 năm nay. Cô có chuyên môn dạy học giỏi, tính hiền lành lại quý bọn trẻ nên vợ chồng chị xem cô như người thân. Với bọn trẻ, cô không chỉ là người dạy học mà còn giống như... người bạn lớn tri kỷ của chúng. Rất nhiều chuyện, chúng không nói được với mẹ, nhưng lại tâm sự hết với cô gia sư. 

Chị Hiền làm chủ một cửa hàng kinh doanh, công việc bận rộn, chẳng có thời gian kèm cặp con cái học hành, lo việc nội trợ. Do đó, chị thuê một giúp việc để quán xuyến cơm nước, dọn dẹp nhà cửa hàng ngày, thuê một gia sư để quản lý con học hành. Mấy năm nay, hai đứa trẻ quấn quýt cô gia sư hơn mẹ.

Thậm chí, ngày lễ, ngày Tết, bọn trẻ còn theo cô gia sư về quê chơi. Thấy các con ngoan, kết quả học tập tốt, chị Hiền rất hài lòng, trả lương cao cho cô gia sư quản con để mình yên tâm làm ăn. Chồng chị vài lần nhắc nhở vợ nên gần gũi với các con, đừng phó mặc hết cho gia sư, dù sao người ngoài cũng không thể làm thay trách nhiệm của người mẹ. Thế nhưng chị không để tâm, vì cho rằng mọi thứ đang rất ổn. 

Chuyện con cái của chị Hiền bất ổn khi cô gia sư theo chồng chuyển công tác vào Nam. Đến lúc này, chị mới thấy khoảng cách của mình và con cái quá xa. Hai đứa trẻ suốt ngày “chê” mẹ không hiểu chúng như cô gia sư, chị nói gì chúng cũng không đồng tình, dạy bảo thì chúng phản kháng. Con cái bất trị khiến hai vợ chồng suốt ngày cãi vã, đổ lỗi cho nhau. Hôn nhân của chị Hiền đứng bên bờ vực khi đứa con gái học lớp 12 yêu sớm để lại hậu quả có thai ngoài ý muốn, bỏ dở học hành. 

Theo chuyên gia Đinh Đoàn, trong cuộc sống hiện đại, những phụ nữ ra ngoài làm việc, bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống công nghiệp không còn thời gian cho công việc nội trợ, quản lý, chăm sóc con cái rất phổ biến. Do vậy, các dịch vụ giúp việc gia đình, trông trẻ, gia sư... ra đời giúp họ giảm tải công việc này. Những câu chuyện giúp việc trở thành “người quan trọng nhất” trong nhà, hay chuyện trẻ “quen hơi” giúp việc, thân thiết với gia sư hơn bố mẹ không còn hiếm. Một bộ phận chị em quá ỷ lại vào các dịch vụ gia đình, “vô tư” giao hạnh phúc của mình cho người khác giữ hộ. 

Chuyên gia Đinh Đoàn cho rằng, việc chị em quá lạm dụng các dịch vụ gia đình, bỏ quên hẳn vai trò của mình trong các công việc đó đã khiến họ mắc sai lầm trong việc giữ hạnh phúc. Chị em cần hiểu rằng, dù có dịch vụ gia đình hỗ trợ nhưng vẫn không thể nào thay thế hoàn toàn vai trò của người mẹ, người vợ, con dâu trong gia đình.

Họ có thể chia sẻ gánh nặng việc nhà cho các thành viên trong gia đình, hay sử dụng các dịch vụ để giảm tải, nhưng tuyệt đối không được để bản thân thoát ly khỏi nghĩa vụ của mình trong các công việc đó. Dù không trực tiếp làm nhưng họ vẫn phải gián tiếp quan tâm, quản lý, lắng nghe tâm tư, tình cảm của các thành viên trong gia đình; chia sẻ, kịp thời tháo gỡ các vấn đề khó khăn của người thân. Phụ nữ cũng giống như đàn ông, là một “mắt xích” quan trọng trong sợi dây kết nối tình cảm gia đình. Nếu thiếu đi một “mắt xích”, “sợi dây” đó sẽ bị đứt, sự kết nối trong gia đình sẽ lỏng lẻo, hạnh phúc cũng bị ảnh hưởng theo. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.