Mẹ chồng “điểm 10“

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chân chất, hiền lành, yêu thương con dâu hết lòng hết dạ, nhiều bà mẹ chồng đang hóa giải định kiến lâu nay về mối quan hệ không tốt đẹp giữa “mẹ chồng-nàng dâu”... Họ chính là những bà mẹ chồng “điểm 10” trong mắt các nàng dâu.

Mẹ chồng “điểm 10“ - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Quyên và mẹ chồng “ điểm 10”.

Đem hết yêu thương để đối đãi với con dâu
12 năm từ khi kết hôn đến nay, với chị Nguyễn Thị Quyên, sinh năm 1988, hiện ở Phụng Thượng, Phúc Thọ luôn là những chuỗi ngày êm ấm bên mẹ chồng. Chị Quyên kể: Chị về làm dâu mẹ chồng được ít ngày thì hai vợ chồng thoát ly lên Hà Nội. Sau đó, cứ đôi tuần, vợ chồng lại đưa nhau về chơi rồi sau đó đem đi đủ bọc lớn nhỏ đồ ăn, thức uống do mẹ chồng chuẩn bị. Lúc đó, chị vẫn nghĩ do các con ở xa, mà “xa thương gần thường” nên mẹ như vậy. 1 năm sau, hai vợ chồng dọn về ở chung, chị Quyên mới cảm nhận được hết tấm lòng của mẹ chồng.

Mẹ chồng chị là bà Nguyễn Thị Hương Giang, quê Thanh Hóa. Khi còn trẻ, bà công tác trong ngành quân đội. Bà hiền lành, tốt tính, mộc mạc, không hề quan cách. Tự nhận mình vẫn còn “trẻ người non dạ”, lắm khi vụng về nhưng chưa bao giờ chị Quyên bị mẹ chồng chê trách hay so sánh với “dâu nhà người ta”. Ngược lại, gặp ai, bà cũng kể mình có cô con dâu hay lam, hay làm, chăm chỉ, thương yêu mẹ chồng. Nhờ thế mà chị trở nên tuyệt vời trong mắt xóm giềng.

Mẹ chồng chị rất chăm chỉ, luôn giành hết việc nhà của con. Hàng ngày, 2 vợ chồng chị Quyên đi làm, bà luôn dậy sớm nấu ăn sáng và làm cơm cho 2 con mang đi ăn trưa. Đến tối hai vợ chồng về thì bà đã nấu xong cơm ngon canh ngọt. Những việc khác như rửa bát, dọn nhà, quét sân... bà cũng đảm đương để con dâu có thời gian nghỉ ngơi. Bà thường nói với chị Quyên là thương con phải lấy chồng xa, tất cả nhờ hết vào gia đình nhà chồng nên nếu gia đình nhà chồng mà không thương nữa thì khổ lắm.

- “Ngày mình sinh con trai lớn, không phải giặt cái tã, cái quần nào của con. Vì đồ vừa thay ra, mẹ chồng đã đem đi giặt. Mỗi lần nhà có cỗ, có khách, đến bữa ăn, mẹ chỉ lo con dâu bị đói nên liên tục nhắc con ăn cho no. Thương con thức khuya dậy sớm để làm hàng cho khách, cứ hễ mình dậy là mẹ dậy, mình chưa đi ngủ là mẹ còn thức để xem có phụ đỡ được con gì không” - chị Quyên kể.

Cách đây 5 năm, mẹ chồng chị Quyên không may mắc bệnh Alzheimer. Bà bắt đầu quên dần, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Nhưng, điều khiến chị Quyên cảm động là bà có thể quên nhiều thứ nhưng vẫn nhớ con dâu và con ruột. Và ngay cả khi có bệnh, chị vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương mẹ chồng dành cho mình. Trời lạnh, bà nhắc con mặc áo cho ấm (dù chính bà lại quên không mặc đủ ấm cho mình). Trời nắng, bà nhắc con che chắn cho khỏi cháy da, con vừa đi làm về đã ân cần hỏi con ăn chưa (mặc dù nhà chưa có cơm ăn)... Hễ các con chuẩn bị đi đâu là bà vội vã chạy ra cổng đợi mở cửa giúp con...

Bà Giang nghỉ hưu sớm khi mới hơn 30 tuổi vì con gái của bà (tức chị chồng của chị Quyên) ốm phải nằm viện nên cần người chăm. Vì vậy, bà chỉ có một chút phụ cấp của Nhà nước. Kinh tế không có nhiều, nhưng chị Quyên cảm động nhớ lại, cách đây 7,8 năm rồi, mẹ chồng chị đưa cho chị 17 triệu đồng bọc trong nhiều lớp túi bóng. Đó là tất cả số tiền mà mẹ chồng chị dành dụm được, bà đã đưa hết cho con dâu vì thấy con đang phải lo toan chi tiêu nhiều việc. 

Chính tình yêu thương con vô bờ của mẹ chồng đã chinh phục trái tim của chị Quyên. Chị luôn yêu thương mẹ chồng từ khi bà còn khỏe tới lúc bệnh tật. Hiện nay, mỗi ngày, chị Quyên thay mẹ chồng nấu ăn cho cả nhà. Sau khi giúp bà ăn xong, chị mới yên tâm đi làm. Trời trở lạnh, chị quàng khăn, mặc áo ấm cho mẹ chồng.

Chị tâm sự: “Tình yêu thương vô vàn từ mẹ chồng đã giúp đưa bà từ một người từ xa lạ trở thành người mẹ thứ 2 của mình. Mình nghĩ rằng, đủ yêu thương thì sẽ đủ hành động, mà những hành động để mình hiếu cho mẹ không thể kể hết qua một vài câu. Cũng giống như tình thương mẹ chồng dành cho mình, một vài câu không thể kể hết được”.

Lấy chồng được... lãi mẹ chồng
Chị Kiều Liên Loan, Hà Đông, cũng thường nói vui về hôn nhân của mình là “lấy chồng được... lãi mẹ chồng”. Mẹ chồng chị hồi trẻ là công nhân, ít khi được đi đây đó, thế giới của mẹ chỉ là ngôi nhà với chồng và 3 con trai. Ngày mới về làm dâu, chị từng rất ngạc nhiên khi thấy mâm cơm mẹ chồng nấu rất giản dị, mộc mạc, quanh đi quẩn lại chỉ chừng đó món “chém to, kho mặn”. Là do mẹ chồng chị chẳng có điều kiện được ăn ngon, từ nhỏ cũng chẳng ai dạy nấu ăn cho. Song, độ yêu thương con của bà thì thuộc diện “nhất quả đất”. 

Trong nhà có 6 đứa cháu nội, việc chăm bẵm đều một tay mẹ chồng chị Loan đảm nhiệm. Chị Loan có 5 năm ở chung nhà với mẹ chồng, nhưng mẹ con chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau. Mẹ chồng chị lúc nào cũng nhận hết thiệt thòi về mình. Nếu vợ chồng chị có mâu thuẫn gì, bao giờ bà cũng bênh con dâu trước để “át” con trai. Có một thời gian, vợ chồng chị Loan gặp khó khăn vì chị bị mất việc, mẹ chồng đã “bí mật” đưa cho con dâu một cây vàng là số tiền bà dành dụm được để lo việc gia đình. Nhưng, bà không hề cho ai biết, kể cả chồng chị để các con không bị khó xử. 

Biết ơn mẹ chồng, chẳng cần chồng nhắc, chị Loan luôn tự nhủ phải báo hiếu mẹ nhiều nhất có thể. Chị nấu những món ngon mà bà chưa được ăn, đưa bà đi du lịch tới những nơi mà bà chưa có điều kiện đến. Hơn tất cả, chị luôn biết ơn vì có một người mẹ chồng trên cả tuyệt vời.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.