Mẹ có coi tôi là con?

Chia sẻ

ĐSGĐ-Lúc nào, mẹ cũng nói mẹ coi tôi như con gái. Nhưng, sự thật thì 10 năm làm dâu tôi không cảm nhận được điều đó…

 
Tôi là dâu út của mẹ. Trên chồng tôi còn có một chị gái. Chị chồng hơn tôi 4 tuổi. Ngày tôi về nhà chồng, chị đã luống tuổi mà vẫn chưa có người yêu. Nghe đâu, chị cũng từng có vài ba đám nhưng cứ nửa chừng thì tan đàn xẻ nghé. Mẹ chồng tôi thương chị lắm. Mẹ vẫn bảo chị có đến nỗi nào đâu, học hành cũng đến nơi đến chốn, tính tình không phải là quá quắt, chanh chua gì. Thế mà chẳng hiểu sao chị lận đận thế.
 
Là con gái lớn trong nhà, lại chưa vướng bận gì nên hồi đó, chị gần như quán xuyến hết việc gia đình. Sau giờ làm, chị về nhà cơm nước, rồi lau nhà lau cửa. Tối đến thì ngồi đọc sách chứ chẳng đi đâu. Mẹ chồng tôi giục chị phải đi chơi đi để mở mang quan hệ, may ra còn kiếm được tấm chồng khi quá muộn. Nhưng, chắc là chị ngại nên cứ ừ hữ.
Khi về làm dâu, tôi nghĩ mẹ sẽ rạch ròi hai việc. Con trai lấy vợ là việc của con trai. Con gái chưa lấy chồng thì cũng là việc của con gái. Nhưng, hóa ra không phải. Vợ chồng mới cưới, ai mà chẳng ríu rít  như chim cu. Chồng tôi yêu vợ, nên nhiều khi thể hiện sự quan tâm tới tôi ra mặt. Thi thoảng, chẳng có lý do gì mà anh lại mua hoa tặng tôi. Trong bữa cơm, anh cũng chăm gắp thức ăn cho tôi. Tôi không ỉ thế mà kiêu ngạo. Ngược lại, tôi rất cố gắng sống hòa thuận với cả nhà. Tôi không bao giờ cãi mẹ chồng. Tôi cũng biết chị chồng “lận đận đường duyên” nên chẳng bao giờ dám nói câu nào để chị phải chạnh lòng. Thậm chí, tôi còn cố gắng “sáp” lại gần chị. Khi có dịp là tôi sang phòng chị chơi, hàn huyên chuyện trên trời dưới bể.
 
Mẹ có coi tôi là con? - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Nhưng, tôi càng cố gắng thì mẹ chồng lại càng tỏ vẻ không hài lòng. Thậm chí, tôi còn có cảm giác, đôi lúc bà khó chịu với tôi. Điều này thật lạ bởi ngày trước, bà đâu có phản đối việc chúng tôi kết hôn. Bà còn tuyên bố rằng cũng  yêu thương và coi tôi như con gái. Rằng, bà mong mẹ chồng nàng dâu sẽ sống hòa thuận. Giờ, sống rồi mới thấy phức tạp quá. Mẹ chồng can thiệp vào cuộc sống của tôi. Tôi mặc váy đẹp đi làm (trước nay tôi đều vậy mà bởi tôi nghĩ, đi làm thì phải ăn mặc lịch sự), mẹ chồng tôi nhìn thấy, không khen thì thôi còn nhíu mày, lắc đầu. Một hai lần đầu tôi chột dạ, hay là mình ăn mặc lố lăng, hở hang không hợp mắt mẹ sao.
 
Nhưng không, tôi tự thấy mình vẫn “nằm trong khuôn khổ”. Tôi không quá xinh, nhưng thực sự cũng ưa  nhìn. Chỉ cần một chút son phấn nhẹ nhàng, tóc uốn xoăn chút là nhiều người bảo tôi “lên mấy chân kính”. Tôi mới cưới chồng, con cái chưa vướng bận, lương hàng tháng cũng không đến nỗi tồi… nên tôi càng có điều kiện chăm sóc sắc đẹp cho bản thân. Vậy cũng đâu có gì quá đáng. Tôi đâu có làm phiền gia đình, cũng đâu có xin tiền bố mẹ chồng để tiêu pha cho bản thân. Một ngày, tự nhiên  mẹ chồng tôi gọi tôi vào phòng riêng rồi nói: “Con xem lại cách sống của mình. Con có cần “ra dáng” trước  mặt chị con không. So với chị, con sướng hơn nhiều rồi, con còn muốn gì nữa nào”. Nghe mẹ chồng sẵng giọng, tôi đi từ ngạc nhiên đến uất ức. Quả thật, mẹ đã hiểu lầm tôi. Tôi không có ý gì “trêu ngươi” người chị mà mẹ chồng tôi cho là bất  hạnh cả. Tôi cũng hiểu hoàn cảnh của chị. Nhưng, tôi là tôi. Tôi cũng có cuộc sống của tôi chứ không thể vì chị khổ mà tôi cũng phải o bế mình.
 
Từ đó, tôi càng hiểu rằng, mẹ chồng tôi thương con gái. Bà xót con gái của bà lận đận, một mình một bóng trong khi con dâu thì lúc nào cũng tươi rói, chải chuốt tận hưởng hạnh phúc. Nhà chồng tôi thuộc diện có của ăn của để. Đón tôi về làm dâu, chỉ trừ mỗi việc chưa cho chúng tôi ra ở riêng, chứ gần như mọi thứ nhà chồng tôi đều sắm sửa đủ cho chúng tôi. Tôi về là đã sẵn nong sẵn né hết rồi. Tôi quả thực luôn thầm cảm ơn gia đình chồng vì điều đó. Nhưng, không có  nghĩa là tôi hèn kém, tôi phải sống dựa vào của nả nhà chồng. Thế mà trong một lần khác, mẹ chồng tôi lại nói bóng gió rằng: “Con là sướng nhất. Con về đây, không phải lo mua sắm gì cho nhà  này, ngược lại còn được tận hưởng mọi thứ. Nhưng, con cũng không nên lấy đó làm tự hào. Chị con cũng thuộc người biết điều nên mới để cho con như vậy”.
 
Tôi đã giận mẹ chồng vô cùng vì câu nói đó. Tôi nghĩ, bản chất vấn đề là mẹ chồng tôi ghen thay cho chị chồng tôi. Mẹ chồng tôi quên mất rằng, tôi vô tội. Tôi không làm nên khổ đau cho chị chồng. “Chẳng qua tôi là con dâu, dù sao cũng khác máu tanh lòng nên mẹ chồng mới so đo, tình toán thiệt hơn  như vậy. Nếu tôi là con gái ruột của mẹ, thì bà có cư xử vậy không?”-tôi nghĩ.
 
Mẹ có coi tôi là con? - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Ít tháng sau, mẹ chồng tôi họp gia đình và yêu cầu tôi từ nay phải gánh vác gia đình thay chị chồng. Mẹ chồng tôi bảo, chị tôi vất vả nhiều rồi, giờ cần cho chị nghỉ ngơi. Còn tôi, phận làm dâu thì phải lo tề gia nội trợ. Tất nhiên là tôi không cãi. Chỉ có điều, tôi cho rằng, mẹ chồng không nên quá rạch ròi giữa trách nhiệm của con dâu con đẻ. Con nào mà chẳng là con. Tôi và chị đều còn son rỗi, thậm chí chị còn hơn tuổi tôi cơ mà. Lẽ ra mẹ chồng nên để cho chị em tôi tự phân công nhau làm việc nhà, ai tiện thì làm chứ đừng mặc nhiên cho rằng, con gái hết trách nhiệm còn tất cả đổ lên đầu con dâu.
 
Sau bữa đó, mẹ chồng tôi không cho chị chồng làm bất cứ việc gì. Tôi đi làm về tới nhà là tất bật lo cơm nước. Xong bữa, chị chồng tôi cũng biết  ý tứ, xăng xái dọn dẹp cùng tôi thì mẹ chồng tôi chạy lại bảo: “Ấy, con để em nó làm. Nó là dâu, nó phải làm. Con ra nghỉ đi, con vất vả nhiều rồi”. Mẹ chồng kéo tuột chị ra phòng khách xem phim với bà, mặc tôi xoay vần. Đống bát đĩa, mấy bộ quần áo bẩn chưa  kịp cho vào máy giặt… tôi chỉ làm loáng cái là xong. Nhưng, tôi chỉ ấm ức vì cách đối xử không công bằng của mẹ chồng. Trong con mắt của mẹ, tôi vất vả, tôi làm đông làm tây là thường. Nhưng, bà lại luôn xót xa chị chồng tôi phải mệt nhọc. Tôi không hiểu vì đâu, bà cho rằng, chị tôi đã khổ nhiều rồi. Trước khi có tôi, chị chồng tôi đã phải cống hiến sức lực cho gia đình thì nay chị có quyền nghỉ. Chẳng nhẽ, đây không phải là gia đình chị sao. Chẳng nhẽ, chị không có nghĩa vụ của một người con gái, người chị cả trong gia đình, chăm sóc bố mẹ đẻ và em chồng, em dâu hay sao.
 
Mẹ chồng tôi lúc nào cũng nghĩ rằng, chị tôi thân cô thế cô nên cần được bà che chở, bảo vệ. Chị chồng tôi ốm nhẹ chút, bà đã hối hả nấu cháo bê lên tận giường, rồi đi tìm bác sỹ về thăm khám. Nhưng, tôi ốm, bà chỉ hỏi thăm chiếu lệ và chốt lại bằng câu: Con xem thế nào mà uống thuốc đi. Chấm hết. Chẳng bao giờ bà làm cho tôi bằng một phần cho con gái mình. Rồi bà đánh tiếng, tôi nên thương lấy chị. Tôi mua quần áo, son phấn cho mình thì cũng nên nghĩ tới chị, thi thoảng mua cho chị với vì chị cũng cần được làm đẹp. Mẹ chồng cũng nói: “Mai kia bố mẹ chết, nhà này thuộc về hai chị em. Nếu chị không lấy chồng thì phải được ở ½ nhà này. Còn nếu may mắn trời cho chị xuất giá, thì các con cũng phải bù đắp cho chị, đừng để chị thiệt thòi”. Mẹ chồng nói hệt như kiểu bà nghĩ tôi là kẻ đào mỏ, là em dâu vô lương tâm, chiếm đọat hết của chị chồng vậy.
 
Quả thật, tôi rất muốn yêu mẹ chồng, yêu chị chồng. Nhưng, cách đối xử nhất bên trọng, nhất bên khinh của mẹ lại làm tôi chạnh lòng. Tự dưng, tình yêu thương tự nhiên trong tôi bị bào mòn dần cho dù tôi không muốn.
 
    Ngọc Anh

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.