Mẹ đã giúp con chạm tay tới ước mơ

Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023, Vũ Thị Hải Anh - một cô gái khiếm thị đã trúng tuyển cùng lúc vào 3 trường đại học top đầu cả nước là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương và Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Đây là sự nỗ lực phi thường và niềm vui vô bờ bến của Hải Anh - cô gái giàu nghị lực và không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Mẹ đã giúp con chạm tay tới ước mơ - ảnh 1
Vũ Thị Hải Anh và mẹ tại Lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thực

Ước mơ của con
Ngày 23/6/2023, trên sân khấu của lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức, Vũ Thị Hải Anh là tác giả đã đạt giải Nhì thuyết phục của cuộc thi. Chia sẻ về ước mơ của mình, Hải Anh cho biết em mong được trở thành phóng viên, biên tập viên để được viết nên những câu chuyện truyền cảm hứng tới cộng đồng và chứng minh, người khuyết tật có thể làm được mọi điều. Chứng kiến cô gái khiếm thị nhưng nghị lực, tự tin khẳng định ước mơ mà một người bình thường không dễ thực hiện được, cả khán phòng hôm đó đều rưng rưng xúc động.

Trong đợt tuyển sinh đại học năm nay, Hải Anh đã đăng ký thi vào Khoa Quan hệ công chúng của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; khoa Quan hệ công chúng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và khoa Kinh tế đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương. Với những thành tích nổi bật như đạt Giải đặc biệt cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2019, học sinh tiêu biểu Thủ đô năm 2020, danh hiệu thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2022, Hải Anh đã được cả 3 trường đại học top đầu đồng ý tiếp nhận theo hình thức tuyển thẳng. Em đã không chần chừ chọn Khoa Quan hệ công chúng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để thực hiện ước mơ trở thành một phóng viên, và một biên tập viên báo chí. 

Vũ Thị Hải Anh chia sẻ, tham gia cuộc thi viết đầy ý nghĩa “Các vấn đề gia đình thời nay” trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một trải nghiệm tuyệt vời đối với em. Qua việc tiếp xúc với các phóng viên của Báo Phụ nữ Thủ đô, Hải Anh như được thôi thúc thêm ước mơ làm phóng viên. “Khi được nhận tuyển thẳng vào đại học, em đã muốn chia sẻ niềm vui lớn này với Ban Biên tập Báo. Em mong một ngày không xa, sẽ được trở thành đồng nghiệp của các cô, các bác nhà báo Báo Phụ nữ Thủ đô, được cùng tham gia viết các bài báo về tình yêu, phụ nữ, gia đình”- Hải Anh tâm sự. 

Theo Hải Anh, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” đã giúp đánh thức những cảm xúc về gia đình trong mỗi người, tạo cơ hội để những người con được viết về cha/mẹ của mình, để vợ/chồng… được nói lên lời yêu thương nhau. Năm nay, cuộc thi đã quy tụ được nhiều gương mặt tiêu biểu, giúp cho Hải Anh học hỏi được nhiều điều.

Tâm sự của mẹ
Trước thành công bước đầu của con gái, những ngày này, mẹ của Hải Anh, bà Bùi Thị Thanh Sơn, đã không giấu nổi niềm hạnh phúc. Trải qua 2 lần sinh nở, bà đều phải đứng trước sự lựa chọn và chứng kiến những đau đớn về thể xác của các con. Nếu như anh trai của Hải Anh mắc bệnh suy tuyến giáp phải uống thuốc suốt đời thì Hải Anh lại không  thể nhìn thấy ánh sáng ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Đã có người khuyên bà mang con bỏ ở cổng bệnh viện vì nuôi một đứa trẻ khuyết tật rất vất vả. Nhưng, là một người mẹ, bà đã không chọn làm như thế. Bà đã bao lần nuốt nước mắt vào trong, cố gắng vượt qua và biến nỗi đau buồn thành hành động để giúp các con có thể sống tự lập như người bình thường. 

Bà kiên trì dạy Hải Anh làm mọi việc trong cuộc sống. Những lần Hải Anh làm việc với người mắt sáng là rất đơn giản như gọt hoa quả, thái rau… bị đứt tay, nhìn máu con chảy ra, chị Sơn đã phải cố kìm nén nỗi xót xa để lần sau lại cho con tiếp tục cầm dao học gọt, học thái. Đến tuổi mẫu giáo, Hải Anh bị từ chối tiếp nhận vào trường vì khuyết tật, bà Sơn đã đồng hành bên con. Cũng chính người mẹ đã đi học chữ nổi để về dạy lại cho Hải Anh. Sau đó để Hải Anh có thể học hành bài bản tại trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, bà Sơn dằn lòng gửi con đi học nội trú vì nhà ở cách trường hơn 100km. Người mẹ thôn quê không học cao biết rộng đã sớm hiểu rằng, chỉ có con chữ mới giúp con đổi đời. 

Chính những bài học của mẹ đã giúp Hải Anh trở thành một cô gái lạc quan và nghị lực. Cuộc sống khó khăn đến đâu, Hải Anh cũng không hề than vãn mà càng có thêm quyết tâm để vượt qua. Giờ đây, Hải Anh đã có thể tự làm mọi việc như một người bình thường. Hải Anh giỏi vẽ tranh, đánh đàn, hát, nhảy múa, dẫn chương trình và có thể đi lại như con thoi trong thành phố mà chưa từng bị lạc. 

Chặng đường tới giảng đường đại học sắp tới của Hải Anh cũng sẽ có nhiều gập ghềnh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hải Anh cho biết sẽ vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải học phí, sinh hoạt phí, thuê nhà trọ… Trường đại học cũng không có giáo trình đào tạo bằng chữ nổi dành riêng cho người khiếm thị. Nhưng Hải Anh đã sẵn sàng đối mặt và còn dự định sau năm thứ nhất sẽ học thêm một văn bằng thứ hai. 

Biết tin vui của Hải Anh, từ Australia xa xôi, chị Hoàng Hằng và con trai Quyền Việt Hải, tác giả giành giải Ba cuộc thi đã quyết định nhờ Ban Tổ chức tặng lại toàn bộ giải thưởng và nhuận bút cho Hải Anh. Chị Hoàng Hằng xúc động chia sẻ: “Cuộc thi của Báo Phụ nữ Thủ đô đã đưa những người mẹ xích lại gần nhau. Tôi chúc Hải Anh sẽ học thật tốt và chúc cuộc thi của Báo ngày càng lan tỏa rực rỡ”. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.
Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.