Mẹ thương con theo cách riêng mình
(PNTĐ) - Vậy là mẹ Hòa đã ra đi được 1 tuần. Ở tuổi 75 ai cũng bảo bà đi thế là thanh thản bởi các con đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Chỉ có Hòa hiểu, nỗi đau buồn của bà trước khi nhắm mắt chưa gặp được đứa con trai út của mình. Ngồi bên di ảnh của mẹ, Hòa trầm ngâm nhớ về những ngày xa xưa.
Ngày đó, Hòa còn bé lắm, chỉ tầm 3 - 4 tuổi nên chưa hiểu được nỗi đau mất cha. Sau này lớn lên Hòa nghe mọi người nói chuyện mới hiểu ngày đó nó mồ côi cha, song may mắn còn mẹ. Mẹ Hòa thương con, ai mai mối cũng nhất quyết ở vậy tần tảo làm lụng nuôi con. Bà có 2 con trai. Đứa con lớn (anh của Hòa) hiểu được hoàn cảnh khốn khó của gia đình nên đòi nghỉ học sớm cùng mẹ đi làm kiếm tiền nuôi em nhưng bà nhất quyết không đồng ý.
Dù vất vả thế nào, mẹ Hòa cũng quyết nuôi con nên người. Còn nhớ hồi năm lớp 7, vì ham chơi mà Hòa chểnh mảng học hành. Vì chuyện này mà Hòa phải nhận cơn giận lôi đình của mẹ.
Tính nóng vậy thôi chứ bà thương con lắm. Bà mạnh mẽ đến nỗi chưa bao giờ Hòa thấy bà rơi nước mắt. Bà thương con, nhất là Hòa thiệt thòi mất cha từ bé nên bà và con lớn dành hết tình thương cho Hòa. Bà lúc nào cũng bắt Hòa phải học hành tử tế để sau này không khổ. Khi Hòa đang học cuối cấp ba, anh Hòa học năm thứ 3 đại học, nhà Hòa vẫn nghèo xơ xác, bà phải làm đủ thứ việc để có tiền lo cho hai anh em. Nhìn vào sự tần tảo của mẹ, anh em Hòa chỉ biết báo hiếu bằng việc bảo nhau cố gắng học tốt.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông đạt loại giỏi, Hòa tiếp tục nộp đơn dự tuyển sinh đại học. Dù chỉ dự thi một trường đại học duy nhất nhưng Hòa đã đậu. Hôm Hòa đưa mẹ xem giấy báo nhập học, bà lặng lẽ cười nhưng cùng với đó, Hòa biết, trong lòng mẹ lại có thêm nỗi lo. Phía trước chắc chắn là những tháng ngày gian khó cho mẹ khi phải gồng gánh hai đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi học. Hòa nhớ lại lúc trong phòng thi, khi đã hoàn thành bài thi cuối cùng mà vẫn còn chút ít thời gian, thay vì xem lại bài thì Hòa đã gục đầu trên trang giấy của mình và nghĩ về mẹ.
Không hiểu sao Hòa nghĩ là mình sẽ đậu, đậu trong lo lắng. Hòa nhớ về những vất vả khó nhọc của mẹ. Nhưng rồi nhớ một câu nói trong quyển sách đã đọc: “Vì những người thân yêu, mình sẽ thay đổi được mọi thứ”, Hòa quyết tâm nhất định mình sẽ phải thành công.
Sáng sớm ngày nhập học, mẹ dậy sớm nấu cơm cho Hòa. Ăn sáng xong, Hòa cúi chào mẹ lên đường. Bà ôm lấy Hòa, dặn: Con đi đường cẩn thận. Phải biết tự chăm sóc cho mình, mẹ ở xa không lo được cho con.
Ấy là lần đầu tiên Hòa xa nhà, xa những vài trăm cây số. Ra đến cổng, Hòa ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi Hòa đã sống với những buồn vui 18 năm trời. Hòa bất chợt bắt gặp ánh mắt của mẹ nhìn theo. Thấy Hòa quay lại, mẹ vội lảng đi chỗ khác. Dù xa, nhưng không hiểu sao Hòa vẫn nhận ra những giọt nước mắt đang chảy xuống đôi gò má sạm nắng của mẹ.
Mắt Hòa chợt cay xè! Xe chuẩn bị chạy. Hòa thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà. Bỗng, trên con đường đất Hòa thấy dáng ai rất giống mẹ đang tất tả chạy lại. Đến trước cửa xe, mẹ hớt hơ hớt hải, vừa thở hổn hển vừa dúi vào tay Hòa một bọc giấy nhỏ: “Con cầm cái này theo để phòng thân”. Nói xong, bà vội vàng xuống xe để xe chạy kịp giờ.
Hòa lặng lẽ mở gói mẹ đưa, bên trong là một đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng. Hòa sửng sốt, chẳng phải đây là đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của mẹ sao. Mẹ đã giữ gìn cẩn thận cho dù có túng quẫn thế nào cũng không đem ra bán. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của bà ngoại tặng mà mẹ quý hơn máu thịt.
Hòa nuốt nước mắt vào trong, thầm hứa với mẹ chăm chỉ học tập để không phụ lòng mẹ. Hòa cũng tự hứa là sẽ không bao giờ bán những kỷ vật này đi. Hòa có đôi bàn tay, có quyết tâm không được phép để mẹ phải vất vả thêm nữa, nhất định Hòa sẽ tự đứng trên đôi chân của mình. Ngày đó, Hòa sẽ trả lại cho mẹ những kỷ vật quý giá này.
Nhiều năm sau, Hòa nỗ lực vượt khó, vừa học vừa làm nên ra trường đã được nhận về làm tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Mức lương khá đồng nghĩa Hòa phải làm việc nhiều, thời gian nghỉ cũng ít. Hòa còn thường xuyên phải đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Nhưng cùng với đó, số lần về thăm mẹ ngày càng ít, số lần gọi điện cũng thưa thớt.
Mỗi lần gọi về, Hòa thấy giọng mẹ vui lắm, kể chuyện đủ thứ. Mẹ nhớ Hòa nhưng lại không bao giờ giục Hòa về thăm nhà. Bà lúc nào cũng sợ mình sẽ cản bước chân con. Bà còn bảo: “Mẹ ổn, con cứ tập trung lo công việc cho tốt nhé. Đừng lo lắng gì cho mẹ cả”.
Hòa vì thế càng vô tư nhận sự quan tâm và cả vị tha của mẹ nên nhiều khi quên nơi quê nhà còn có mẹ già. Một phần nữa cũng vì Hòa ỷ lại vào anh trai Hòa học xong đã về làm gần nhà để tiện bề chăm nom mẹ.
Năm tháng trôi đi, Hòa đã ổn định công việc và có chút thăng tiến. Song Hòa vẫn rất ít về thăm nhà. Mới đây, anh trai gọi điện báo mẹ bị ốm mong Hòa về thăm, Hòa bảo: Đợt này em đang đi công tác chục ngày mới về được. Nhưng rồi Hòa về mà cũng không về thăm mẹ ngay. Hòa nghĩ mẹ cũng chỉ ốm đau tuổi già, một vài bữa nữa về cũng không sao. Và Hòa lại mải mê chăm lo cho sự nghiệp của mình. Đến khi Hòa nhận được điện của anh trai lần nữa thì mới hay mẹ đã ra đi mãi mãi.
Hòa ân hận vì không gặp được mẹ lần cuối. Mở chiếc tủ, Hòa cầm ra cái hộp nhỏ đựng đôi bông tai và chiếc nhẫn mẹ đưa ngày nào, nước mắt Hòa rơi muộn màng. Hòa đã làm được lời hứa là nhất định không bán vật kỷ niệm của mẹ. Hòa đã không còn cơ hội để đưa lại cho bà vật kỷ niệm mà mẹ một đời nâng niu.
Nhớ mẹ, Hòa cũng không làm sao quên được cái ngày Hòa đi nhập học - cái ngày mà mẹ nhìn theo, nước mắt mẹ chảy xuống đôi gò má sạm đen vì nắng. Cả một đời mẹ đã thương con, thương theo cách của mình.