Mẹ xin lỗi

Hải Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có những lúc Hoài cảm thấy mệt mỏi và bế tắc, không biết làm thế nào để gỡ bỏ những khúc mắc, khó chịu trong lòng với mẹ chồng.

Hè năm nay, bé Minh phải học thêm tiếng Anh, còn bé Min mới hơn 2 tuổi lại hay ốm vặt nên Hoài cho con ở lại thành phố. Hoài sợ cho con về quê, thời tiết nắng nóng kèm gió Lào sẽ khiến bé khó chịu mà ốm thêm. Nhưng vì cả hai vợ chồng đều bận rộn, đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên cô đã nhờ mẹ chồng sắp xếp công việc ở quê để lên trông cháu.

Hoài và mẹ chồng luôn có mối quan hệ rất thân thiết với những cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài cả tiếng và đầy ắp tiếng cười. Trước đây, mỗi lần bà Loan lên chơi, cả hai mẹ con luôn có những khoảng thời gian thân mật và vui vẻ. Tuy nhiên, lần này, mọi thứ dường như không diễn ra như Hoài vẫn nghĩ.

Mẹ xin lỗi - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Những ngày đầu khi mẹ chồng đến, không khí trong nhà Hoài lúc nào cũng rộn ràng, rôm rả tiếng nói cười. Có mẹ chồng chăm lo con cái, dọn nhà và nấu ăn nên Hoài bớt tất bật hơn nhiều. Mỗi chiều cô đi làm về, nhà cửa đã sạch sẽ, gọn gàng, cơm canh tươm tất dọn sẵn trên bàn. Hoài còn nói với chồng: “Ở với mẹ thích thế này mà sao chị Lan cứ muốn ra ở riêng nhỉ? Có khi nhờ mẹ ở đây chăm Min đến khi đi học mẫu giáo”.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của mấy ngày đầu, lúc đó bà Loan chưa quen nên mọi chuyện đều làm theo ý con dâu. Thế rồi, dần dần, bà quay lại với thói quen sinh hoạt và nếp sống như ở quê. Cũng từ đó mà những khó chịu bắt đầu nhen nhóm khiến mâu thuẫn dần dần nảy sinh.

Bà Loan không quen với việc sống trong một không gian kín như căn hộ chung cư thế nên lúc nào bà cũng mở toang cửa sổ để không khí lưu thông. Trong khi đó, Hoài lại lo ngại bụi bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nhà nên cứ về đến nhà là Hoài đóng kín cửa, bật máy lọc không khí.

Thế rồi, đến giờ giấc ngủ nghỉ, thức dậy cũng quá là khác nhau. Hàng ngày, cứ tầm hơn 4 giờ sáng, bà Loan đã thức dậy và tập mấy bài thể dục ngoài ban công. Sau đó, bà vào lau dọn nhà cửa, giặt quần áo. Mà bà làm chẳng mấy nhẹ nhàng, nào là tiếng kéo bàn ghế, nào là tiếng bát đũa lạch cạch khi nấu đồ ăn sáng đã đánh thức cả nhà dậy từ rất sớm. Vì thế, có những hôm Hoài ngồi làm ở công ty mà luôn trong tình trạng uể oải vì thiếu ngủ.

Mẹ xin lỗi - ảnh 2
Ảnh minh họa.

Không chỉ thế, bà Loan cảm thấy căn nhà chật chội và thiếu khoa học nên bắt đầu sắp xếp mọi thứ theo ý mình. Mỗi ngày một chút, bà dọn từ phòng khách đến phòng bếp khiến Hoài chẳng thể tìm thấy đồ đạc ở những vị trí quen thuộc. Từ chiếc chảo chống dính mà Hoài treo ngay ngắn trong tủ, đến những cuốn sách được xếp theo thứ tự - tất cả đều bị xáo trộn vị trí. Hoài cảm thấy bất tiện nhưng lại không nỡ phàn nàn với mẹ chồng.

Và đến chuyện ăn uống cũng ngày càng thấy rõ sự khác biệt. Vài ngày đầu ăn những món quê dân dã do mẹ chồng nấu thì Hoài cảm thấy ngon vì lạ miệng. Nhưng lâu dần, cô bắt đầu ngán ngẩm với những món ăn được nêm nếm khá mặn và nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, bà Loan còn có thói quen kho thịt, kho cá hay rang tôm thì đều làm hẳn một nồi to để ăn trong vài ba ngày.

Hoài cố gắng thích nghi nhưng không sao nuốt nổi những món ăn quá mặn được nấu đi nấu lại. Thấy vậy mẹ chồng lại khó chịu, nói: “Không biết tiết kiệm chút nào cả, ăn như vậy lương có cao đến mấy thì cũng không dư dả đồng nào”.

Mọi chuyện càng trở nên rắc rối hơn khi bà Loan bắt đầu thân quen với mấy người hàng xóm cũng ở quê ra trông cháu. Mỗi khi có chút thời gian rảnh, các bà lại tụ tập để trò chuyện, mang theo những câu chuyện nhỏ từ trong nhà ra ngoài, điều mà Hoài từ trước đến nay đều không thoải mái.

Một hôm, trong lúc đứng chờ thang máy đi làm thì Hoài gặp bà hàng xóm. Sau câu chào xã giao thì bà ấy đon đả mở lời: “Có mẹ chồng ở đây sướng cháu nhỉ? Chẳng phải động tay vào việc gì. Nhưng mà cô thấy bây giờ nhiều cô con dâu khó chiều lắm, làm kiểu gì cũng không vừa lòng, chê nọ chê kia ấy chứ, không biết cháu có vậy không?”. Hoài bất ngờ khi nghe những lời nói đó và tự nhiên thấy giận mẹ chồng ghê gớm.

Mẹ xin lỗi - ảnh 3
Ảnh minh họa.

Thế rồi, đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi bé Min bị viêm phế quản và sốt cao hơn 390C. Ngày hôm ấy Hoài bận việc không gọi điện về nhà và mẹ chồng cũng không thông báo để cô biết. Bà cũng không cho cháu uống thuốc hạ sốt mà chỉ làm theo cách rất thủ công là chườm lá dấp cá.

Đến chiều Hoài đi làm về thì thấy con sốt cao đến mê mệt nên phải đưa đi viện. Vừa xót con, lại vừa giận mẹ chồng, cô không tiếc lời trách móc: “Bé Min sốt cao lâu như vậy mà mẹ không gọi điện cho vợ chồng con biết. Rồi mẹ lại đi áp dụng mấy bài thuốc vớ vẩn như thế thì làm sao mà đỡ được. Con không thể hiểu nổi mẹ nữa. Lần này may chỉ phải ở lại theo dõi mấy tiếng là được về nhà luôn đấy”.

Bà Loan biết con dâu vẫn còn giận nhưng không biết mở lời thế nào nên đành im lặng. Sau mấy ngày không khí trong nhà vô cùng căng thẳng, bà Loan chờ lúc các cháu đã đi ngủ để nói chuyện với con dâu. Bà ngập ngừng: “Chuyện của bé Min mẹ thật lòng xin lỗi. Mẹ sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để có lần sau như vậy nữa. Mấy ngày qua, mẹ cũng suy nghĩ rất nhiều, cũng nhận ra việc con không thoải mái khi mẹ nói chuyện với hàng xóm.

Nhưng thực tình thì mẹ chỉ nói mấy câu chuyện vui vẻ thôi, còn không biết họ thêm nếm đưa đẩy thế nào. Còn về chuyện dọn dẹp, nấu ăn thì đúng là mẹ cổ hủ thật rồi, cứ bắt bọn con theo khẩu vị của mẹ. Nên từ mai vợ chồng con thích như thế nào cứ bảo mẹ, mẹ sẽ cố gắng làm theo nhé!”.

Hoài nghe và cảm nhận được tấm lòng của bà, cô nhận ra rằng mình đã vô tình chỉ nhìn vào những khác biệt nhỏ mà quên mất tình cảm lớn lao mà bà dành cho con cháu. Cuộc trò chuyện ấy đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ của họ, nơi sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau được đặt lên hàng đầu. Những ngày sau đó, mẹ chồng và nàng dâu cởi mở với nhau hơn, cùng lắng nghe, chia sẻ khiến cho không khí trong gia đình vô cùng vui vẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.