Góc tư vấn Hành trang xây tổ ấm:

Một mình nuôi gia đình, khi ly hôn có được hưởng toàn bộ tài sản?

Chia sẻ

(PNTĐ) - Cháu muốn được hỏi, trong hoàn cảnh bố cháu chỉ “ăn chơi”, còn mẹ là lao động chính thì khi ly hôn, mẹ có được hưởng toàn bộ tài sản không vì cháu nghĩ, mẹ cần được nhận những gì do mình làm ra?

Mẹ cháu năm nay 55 tuổi. Nhiều năm qua, vì chúng cháu mà mẹ phải chấp nhận sống với người chồng gia trưởng, không có công ăn việc làm. Mẹ cháu phải đi làm từ sáng tới tối kiếm tiền nuôi cả nhà, sắm sửa đồ đạc trong gia đình. Song, bố cháu không ghi nhận công sức mà vẫn tỏ ý coi thường mẹ. Cháu không muốn mẹ phải chịu khổ mãi nên đã khuyên mẹ nên ly hôn. Cháu muốn được hỏi, trong hoàn cảnh bố cháu chỉ “ăn chơi”, còn mẹ là lao động chính thì khi ly hôn, mẹ có được hưởng toàn bộ tài sản không vì cháu nghĩ, mẹ cần được nhận những gì do mình làm ra?

(Bạn đọc giấu tên)

 

Với câu hỏi của bạn, luật sư có quan điểm trả lời như sau:

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2013 quy định:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng”.

Theo đó, pháp luật công nhận những tài sản phát sinh kể từ thời điểm cha mẹ bạn kết hôn (không thỏa thuận tài sản riêng) thì đều là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, việc sử dụng, định đoạt tài sản đó thuộc về cả cha, mẹ bạn. Trường hợp cha mẹ bạn ly hôn thì tài sản trên được chia đôi.

Tuy nhiên, phụ thuộc vào một số yếu tố, việc phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân được xác định lại như: 

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, theo quy định pháp luật, mẹ bạn sẽ không được hưởng toàn bộ tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp cha mẹ bạn đã có thỏa thuận về việc này. Việc phân chia tài sản chung cụ thể như thế nào sẽ dựa vào một số yếu tố mà luật sư đã thông tin ở trên.

 Luật sư Hà Trọng Đại
Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.