Một nhà, hai bếp có ổn không?

Chia sẻ

Vợ chồng em kết hôn vừa tròn một năm. Lâu nay, chúng em sống chung một nhà với bố mẹ chồng. Chuyện cơm nước hàng ngày, bố mẹ ở nhà lo, vợ chồng em có trách nhiệm đóng tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Tuy nhiên bây giờ, mẹ chồng lại đưa ra đề nghị sống chung nhưng sẽ ăn riêng với các con. Ông bà bảo cơi nới thêm không gian ở tầng hai vợ chồng em đang sống để có chỗ đặt bếp. Hàng ngày, vợ chồng em đi làm về rồi nấu ăn trên đó, còn bố mẹ sẽ dùng căn bếp dưới tầng một.

Từ hôm bố mẹ đề cập chuyện ăn riêng, em cứ băn khoăn. Cuộc sống một nhà hai bếp có ổn không? Nếu chúng em ăn riêng, đồ ăn thức uống luôn tươi ngon hơn bố mẹ thì có phiền phức? Vì em biết mẹ chồng tính tiết kiệm không dám mua ăn uống cho thoải mái. Liệu có phải bố mẹ muốn sống riêng nên mới ăn riêng không hả Tâm Giao. Vợ chồng em đang khó nghĩ quá !

Nguyễn Thu Huyền
(Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội)

Chuyện bố mẹ và con cái lập gia đình sống chung một nhà nhưng ăn riêng, nấu nướng hai bếp không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Khi nếp sống gia đình thời công nghiệp chi phối nhiều thời gian của con cái, việc tổ chức bữa ăn gia đình hàng ngày đầy đủ các thành viên càng khó khăn. Nhiều gia đình mang tiếng cùng ăn chung nhưng ai về trước thì ăn trước, ai về sau ăn sau. Thậm chí sự chờ đợi bữa cơm của người ở nhà với người đi làm đôi khi khiến gia đình trở nên mâu thuẫn. Do đó, việc ăn chung trở nên bất cập.

Hiện nay, trong một bộ phận gia đình, bố mẹ vẫn muốn sống chung, sống gần con cái, thay vì sống riêng, và chọn cách nhà chung cơm riêng để khắc phục sự bất cập trong chuyện ăn uống hàng ngày của họ và con cháu. Bố mẹ chồng bạn chắc cũng có mong muốn này nên mới chủ động đề cập đến vấn đề ăn riêng. Vợ chồng bạn cũng đừng băn khoăn về chuyện này nhiều quá. Nếu ăn riêng, bạn có thể vất vả hơn một chút vì không có ông bà hỗ trợ chuyện nấu nướng, nhưng cũng tốt để các bạn tự lập và biết thiết kế chi tiêu trong gia đình.

Về vấn đề mua đồ ăn hàng ngày, bạn cũng không cần băn khoăn về việc ăn uống của mình “tươi” hơn của bố mẹ. Lúc đi chợ, bạn chỉ cần mua đồ thêm một chút về biếu bố mẹ. Vào những ngày nghỉ, vợ chồng bạn chủ động thiết kế bữa ăn chung với ông bà để cải thiện và tăng thêm sự kết nối tình cảm. Có khi, giải pháp nhà chung cơm riêng mà mẹ chồng đưa ra lại giúp các bạn trưởng thành hơn trong hoạch định cho cuộc sống, tránh được sự va chạm gây mất tình cảm hàng ngày giữa mẹ chồng nàng dâu, giúp cuộc sống chung hòa thuận hơn.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.