Nàng dâu xa cách mẹ chồng

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Mẹ bảo nó ngủ lại với bà nội một hôm mà nó nhất quyết không chịu. Con phải nhìn lại cách con đối xử với mẹ chồng đi, đừng xem bà ấy cứ như người ngoài thế…”.

Nghe mẹ mắng, chị Hoa chỉ thấy bà vô lý. Nhà người ta thì mẹ đẻ bênh con gái, đằng này bà lại đi bênh bà thông gia, mắng con gái mình xơi xơi. Bà nội phải thế nào thì thằng cháu nội  mới không chịu ngủ lại với bà chứ… Rồi chị cũng mặc kệ mẹ mình đang mắng vốn, chị xách xe đi làm.

Lấy chồng đã hơn 10 năm, hai vợ chồng chị Hoa được bố mẹ chồng mua ngay cho một căn nhà giữa Thủ đô để anh chị yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Vợ chồng chị Hoa cùng ở vùng ngoại ô, cách nhà nhau chỉ đôi cây số. Tưởng rằng với những điều kiện như thế thì chị và mẹ chồng sẽ có một mối quan hệ rất thoải mái, yêu thương nhau. Nhưng thực tế luôn có nhiều bất ngờ, tới mức… oái oăm. Chuyện thằng bé Bi - con đầu của chị về quê chơi mà không chịu sang ngủ với bà nội chỉ là một trong số rất nhiều điều thể hiện mẹ chồng nàng dâu không được yên ổn. “Nó như thế phần lớn là tại con. Mày cứ xa cách với mẹ chồng, cái gì cũng đổ cho bà ấy vụng về để cố tình tránh xa bà ấy, làm cho đến con mày giờ cũng bắt chước”, trước khi chị phóng xe đi, mẹ chị vẫn còn với theo để mắng.

Từ ngày chị Hoa về làm dâu đến nay, có lẽ số lần bà Thiện lên Thủ đô thăm con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần bà cũng chỉ ở lại vài ngày. Kể cả hồi chị sinh thằng bé Bi 10 năm trước, bà cũng chỉ loanh quanh mấy ngày, sau đó mẹ chị Hoa “thay ca” là bà về luôn. Từ đó thi thoảng lắm bà mới lên nhà chị một bận, rồi về ngay trong ngày. Cho đến khi chị Hoa sinh đứa thứ 2 hồi đầu năm ngoái, bà mới lại lên ở một tuần rồi về, tới giờ vẫn chẳng thấy lên lại nữa. Mọi việc chăm cháu, chị Hoa giao hết cho mẹ đẻ mình. Mẹ chị vì con lại bỏ hết nhà cửa ở quê.

Nàng dâu xa cách mẹ chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Dù số lần bà Thiện hiện diện ở nhà chị Hoa không nhiều, thậm chí là rất ít, nhưng hễ bà đã ở là hàng xóm láng giềng xung quanh nhà chị đều biết. Vì khi ấy, không ít thì nhiều, không nhỏ thì lớn, kiểu gì mẹ chồng nàng dâu cũng cãi nhau. Không cãi nhau thì cũng là tiếng chị phàn nàn khi mẹ chồng làm gì chưa vừa ý chị.

Có lần bà Thiện đi du lịch ở Đà Nẵng. Máy bay đáp xuống Hà Nội, bà bắt taxi về thẳng nhà chị Hoa, vì bà mua rất nhiều hải sản tươi ngon, định ở nhà con trai con dâu mấy hôm, vừa liên hoan hải sản, vừa chơi với cháu. Nhưng đón bà ở nhà là thái độ hết sức nhạt nhòa của chị. Chị cũng không mặn mà việc bà mua bao nhiêu là đồ ngon cho vợ chồng và con chị. Có ít mực tươi, bà Thiện bảo chị hấp ăn ngay đi, thì chị coi như không nghe thấy gì. Đến tận chiều tối, khi bà Thiện mở tủ lạnh, nhìn thấy số mực ấy vẫn trong tủ lạnh, bà mới hỏi “sao con chưa nấu?”.

Chị Hoa thản nhiên: “À con ướp kỹ một tí sợ mực mẹ mua không để ý lại đúng phải chỗ người ta ngâm tẩm, lừa khách…”. Bà Thiện không nói thêm được lời nào. Hải sản bà mua tươi ngon roi rói, cấp đông ngay trước khi lên máy bay mà chị Hoa ngâm ướp từ sáng tới chiều, lại còn bảo sợ hàng bị lừa. Cảm thấy như thành ý của mình bị xúc phạm, bà Thiện ngồi chơi với cháu thêm một lúc rồi bắt xe buýt về nhà mình, trước sự bất ngờ của con trai nhưng lại không bất ngờ của chị Hoa.

Mẹ chị Hoa hiểu những hành động của con gái mình với mẹ chồng. Chị Hoa vất vả đường sinh nở lẫn chăm con, nên chị có tâm bệnh trong người, dễ cáu gắt. Nhiều lần, trong những lúc sang nhà nhau chơi, bà cũng tâm sự và mong bà Thiện thông cảm cho con gái mình. Nhưng có lẽ, được chiều quá sinh hư, chị Hoa ngày càng có những hành động làm xa cách hơn với mẹ chồng. Lễ Tết về quê, chị và con ở lì nhà ngoại, chỉ về nhà nội chơi một tí buổi sáng. Sau đó thì chị lấy lý do đi chơi nhà bạn, đi đó đi đây để khỏi phải ở nữa, rồi về thẳng nhà mình. Thằng bé lớn cũng vì thế mà ít thời gian ở bên bà nội.

Xa cách mẹ chồng bao nhiêu thì việc chăm con chị Hoa lại dồn lên mẹ mình bấy nhiêu. Mẹ chị có tiền sử tiểu đường, hay mệt mỏi, nhưng 2 năm nay, khi chị sinh con thứ 2, bà phải ở đây thường xuyên để trông thằng bé. Bà muốn về quê cuối tuần mà chị không cho. Thậm chí bà bảo, “mẹ về mấy ngày thì con nhờ bà Thiện lên trông giúp”, là chị giãy nảy lên, cứ như mẹ sắp từ mình đến nơi. Nói chẳng được, bà đành thương con gái mình thêm một chút.

Nhưng càng ngày, chị Hoa càng làm quá. Ở lâu với con gái, mẹ chị thấy chị không hề gọi điện hỏi thăm mẹ chồng lấy một câu. “Sao mày đi thăm bạn mày ốm cả ngày, mua cho nó đủ thứ mà mẹ chồng mày mới đi khám chân, tao cấm thấy mày hỏi một câu thế?”, bà quát. Chị Hoa thấy thế lại kiếm cớ lảng tránh. Thậm chí, mẹ chồng gọi điện muốn nói chuyện với cháu là chị đưa thẳng máy cho con luôn, lờ đi không hỏi han gì. Lắm lúc, mẹ chị lắc đầu, ngao ngán với cô con gái khó tính, bất trị.

Mấy tháng gần đây, mẹ chị Hoa bỗng thấy người hay mỏi mệt, tim đập nhanh. Đi khám, bác sĩ bảo tim của bà có vấn đề, có lẽ là biến chứng của tiểu đường, cần uống thuốc và theo dõi 3 tháng, sau đó nếu không cải thiện có thể phải phẫu thuật. Bác sĩ còn dặn chị Hoa, không nên cho mẹ hoạt động, làm việc gì nặng nhọc, để thời gian cho bà nghỉ ngơi. Nhưng trên đường về, dù cả chồng chị và mẹ chị đều đề nghị để bà Thiện chăm cháu thay mẹ chị một thời gian, chị đều không đồng ý.

Nàng dâu xa cách mẹ chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thậm chí, chị còn đưa thằng con lớn cùng mình đi du lịch Huế với cơ quan. Mẹ chị hoảng hồn, “4 ngày bắt mẹ trông thằng bé từ sáng đến đêm thì sao mẹ kham nổi”. Chị Hoa chỉ cười trừ, vuốt ve mẹ, “thôi mẹ chịu khó thêm một tí thôi mà”…

4 ngày chị Hoa đi du lịch, thật lạ là chị không gọi điện về nhà một lần nào. Đáp lại, ở nhà cũng không gọi hỏi hai mẹ con đi chơi ra sao. Chị Hoa cứ ngỡ ở nhà yên ấm, nên khi kéo va li về đến cổng, chị vẫn rất háo hức, vui sướng. Bước vào nhà, chị mới thấy có gì đó khang khác. Dép của mẹ chị không để ở cửa, mùi hương bưởi quen thuộc mà bà hay gội đầu cũng không thoang thoảng như mọi khi. Trong bếp là bát cháo đã ăn hết sạch, để trong bồn chưa kịp rửa. Chị còn đang ngẩn người thì bỗng có tiếng cười đùa từ ngoài cổng vào. Quay ra, chị thấy mẹ chồng mình đang bế thằng bé con của chị, hai bà cháu vui vẻ đi vào nhà, thằng bé cười tít mắt. Thấy nhau, mẹ chồng con dâu khựng lại một chút rồi bà Thiện chủ động mở lời: “Bà thông gia mệt, nhờ mẹ lên trông thằng bé mấy hôm con đi. Hai bà cháu hợp nhau lắm”. Rồi bà quay đi tìm thằng lớn, cũng là để hai mẹ con bớt ngượng ngùng.

Nhà vẫn sạch sẽ, quần áo được phơi tươm tất, gấp gọn gàng. Tủ lạnh ngập đầy thức ăn tươi ngon, hoa quả xếp đầy ra rổ. Thoáng chốc, chị Hoa đã khó chịu khi mẹ chồng ở nhà mình. Nhưng rồi cảm giác yên bình trong nhà đã giúp chị bình tâm hơn. Trên nhà, hai đứa con của chị đang reo vui, lẫn trong đó là tiếng cười sang sảng của bà nội chúng.

Phút chốc, chị Hoa thấy mình không phải. Chị lâu nay chỉ biết khắt khe và không chịu mở lòng với mẹ chồng, thế thì làm sao quan hệ của hai mẹ con có thể tốt đẹp được.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.
Ở cữ... cùng vợ!

Ở cữ... cùng vợ!

(PNTĐ) - Quỳnh Trang (26 tuổi, kinh doanh online tại Hà Nội) hào hứng cho biết: “Dân gian cứ bảo kiêng này kiêng kia nhưng với chồng mình, anh xin nghỉ làm hẳn 1 tháng để ở nhà chăm vợ đẻ. Sinh xong cuộc sống của mình trở nên stress, dễ cáu gắt, dễ nóng giận. Nhưng may mắn, mình luôn có anh bên cạnh động viên, an ủi”.