Nếp nhà nơi xa xứ

Mai Huyền (Gyeonggi-do, Hàn Quốc)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 28 tuổi tôi xa quê hương để làm con dâu mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi đến một đất nước mới với bao điều bỡ ngỡ về ngôn ngữ, văn hoá.

Nếp nhà nơi xa xứ - ảnh 1
Tôi và mẹ chồng. Ảnh: NVCC

Quay ngược trở lại với những ngày đầu tiên “ông tơ bà nguyệt” dẫn đường chỉ lối cho tôi được gặp làm quen, tìm hiểu người chồng hiện tại vào cuối năm 2020. Cuộc gặp gỡ thông qua sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau. Sau đó chồng tôi quay trở lại Hàn Quốc làm việc và chúng tôi giữ liên lạc với nhau mỗi ngày qua điện thoại. 

Tôi đã từng nghe đâu đó câu nói: “Khi bạn ốm đau bệnh tật mới biết ai thương mình”. Sự thật bản thân tôi đã trải nghiệm điều này bởi trong quá trình tìm hiểu chồng tôi, tôi đã từng bị bệnh phải điều trị trong thời gian dài. Khi tôi quyết định chia sẻ về bệnh tình của mình và gửi hồ sơ bệnh án cho anh, tôi đã từng nghĩ có lẽ quan hệ giữa chúng tôi sẽ kết thúc. Song ngay ngày hôm sau tôi nhận được tin nhắn của mẹ chồng: “Huyền à, con ốm phải không? Con đừng lo lắng. Hãy yên tâm điều trị bệnh cho khỏe, cả gia đình đợi con sang Hàn Quốc”. Khi nhận được những dòng tin nhắn này nước mắt tôi lăn dài vì hạnh phúc và cảm động. Bởi tôi và mẹ chưa từng gặp nhau, mẹ chưa biết tôi như thế nào, sức khỏe tôi yếu, mẹ vẫn động viên tôi. Khi đó tôi đã nghĩ rằng đây chính là nếp nhà mà tôi mong muốn.

Ngày đầu tiên máy bay hạ cánh đưa tôi tới Hàn Quốc là 3 giờ sáng, cả gia đình chồng tôi đã ở sân bay đón tôi giữa ngày trời mưa rét lạnh. Mẹ chồng trao cho tôi bó hoa tươi và nói chào mừng con tới Hàn Quốc. Tôi lại rưng rưng nước mắt bởi tôi lần đầu tiên xa gia đình quê hương đến Hàn Quốc một mình để đoàn tụ với chồng nhưng không hề cô đơn lạc lõng.
Khi tôi về đến nhà thì mẹ chồng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tôi từng món đồ cần thiết như giường mới, bộ chăn ga gối màu hồng, những chiếc khăn tắm gấp gọn, bàn trang điểm, sữa tắm, dầu gội… và đặc biệt là một tủ đồ dành cho phụ nữ khi ngày “dâu rụng” tới. Thật sự quá bất ngờ và hạnh phúc với mẹ chồng của tôi.

Những ngày đó, tôi giống như một đứa trẻ phải học lại từ đầu tất cả mọi thứ từ ngôn ngữ, giao tiếp ứng xử, cách sinh hoạt, văn hóa lễ nghĩa chào hỏi, học nấu ăn, học làm dâu, học làm vợ và học làm mẹ. Thời gian đầu tôi rất nhớ nhà. Mỗi lần nói chuyện cùng mẹ chồng tôi đều nhờ chồng tôi phiên dịch vì lúc đó tôi chưa biết nhiều tiếng Hàn. Nhưng dường như mẹ chồng tôi cảm nhận và hiểu được rằng tôi đang nhớ nhà và có nhiều lo lắng nên mẹ đã ân cần kéo gần khoảng cách lại giúp tôi từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống. 

Khi ngôn ngữ không thể nói ra được bằng lời để hiểu nhau thì mẹ và tôi sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, khuôn mặt… miễn làm sao để cả mẹ và tôi đều hiểu là đang muốn nói điều gì, cần làm gì. Mẹ nhẹ nhàng, nhẫn nại từng chút một để dạy tôi cách chào hỏi người lớn theo phong tục văn hóa Hàn Quốc. Mẹ hướng dẫn tôi cách sử dụng các tiện nghi trong nhà, cách đi tàu điện ngầm, cách đi chợ, đưa tôi đi mua sắm từ đồ nhỏ tới đồ to.

Nhớ hồi tôi ở Việt Nam bị bệnh đã điều trị khỏi nhưng khi tôi sang Hàn Quốc mẹ vẫn dẫn tôi tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát một lần nữa. Những ngày đầu làm dâu, hai vợ chồng tôi ở riêng nhưng mẹ vẫn giúp chúng tôi nấu ăn mỗi tuần. Gần 2 năm qua tôi làm dâu nhưng chưa phải nấu cơm Hàn Quốc cho chồng, tất cả là mẹ chồng nấu và đưa sang cho vợ chồng tôi ăn. Chỉ cần là những món con dâu thích mẹ sẽ nhớ và làm thật nhiều cho con dâu ăn. Mẹ nói tôi không phải lo lắng, đợi hết dịch bệnh, mẹ sẽ đưa con đi học nấu món ăn Hàn Quốc. Lúc đó, con sẽ tự nấu những món ăn ngon cho chồng còn bây giờ cứ yên tâm mẹ lo được tất cả.

Thời điểm mang bầu tôi càng hiểu hơn tình cảm của mẹ chồng dành cho tôi. Mẹ quan tâm tôi từng ly từng tí, không cho tôi xách đồ nặng, không cho tôi làm việc nhà, đến chén bát cũng không để tôi rửa mà bảo chồng tôi sắm máy rửa bát. Việc chuẩn bị đồ cho em bé tôi cũng không phải bận tâm vì một mình mẹ chồng tôi đã lo chu đáo hết. 

Khi tôi vừa sinh em bé, chồng và mẹ chồng tôi đã đăng ký dịch vụ chăm sóc sau sinh dành cho hai mẹ con dù chi phí khá đắt, nhưng mẹ nói rằng sau sinh phụ nữ rất mệt và mất sức nhiều mà mẹ thì không thể nấu món ăn Việt Nam được nên vào trong trung tâm chăm sóc sau sinh tôi sẽ được chăm sóc tốt. Sau khi tôi hoàn thành 2 tuần ở trung tâm chăm sóc sau sinh, mẹ chuyển qua nhà ở với vợ chồng tôi 2 tháng để giúp vợ chồng tôi chăm sóc em bé. Mỗi đêm mẹ sẽ ngủ cùng cháu chăm cháu và luôn giục tôi ngủ sớm để giữ sức khỏe. Mẹ đúng như chuyên gia chăm sóc em bé, cẩn thận, tỉ mỉ và còn chỉ dạy cho chồng tôi từng chút để cả nhà cùng đồng hành chăm em bé tốt nhất.

Bản thân tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi đã được tổ chức đám cưới tại hai đất nước. Tháng 11/2021, tôi tổ chức đám cưới truyền thống tại Hàn Quốc và cách đây không xa vào tháng 1/2023 mẹ chồng tôi lại cùng tôi về Việt Nam để tổ chức một đám cưới truyền thống Việt Nam cho vợ chồng tôi. Mẹ chồng đã cố gắng học tiếng Việt và nói được câu “Xin chào và cảm ơn Việt Nam nơi con dâu tôi sinh ra”. Hai đám cưới tại hai quốc gia Việt Nam yêu dấu nơi tôi sinh ra và Hàn Quốc nơi ngôi nhà thứ hai đã cho tôi một gia đình hạnh phúc. 

Giờ đây khi tôi đang viết ra những dòng tâm sự về cuộc sống làm dâu Hàn Quốc trong gần 2 năm qua, quả thật trái tim tôi đang thổn thức vì thấy mình thật may mắn. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho mình một người mẹ thứ 2 mang tên “Mẹ chồng”, người đã bao dung, rộng lượng và mở rộng vòng tay yêu thương, che chở cho một cô con dâu ngoại quốc còn nhiều thiếu sót như tôi. Mẹ đúng nghĩa là một người mẹ tảo tần hết lòng vì con vì cháu. 

Thông qua bài thi gửi tới cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” của Báo Phụ nữ Thủ đô với chủ đề “Xây chắc nếp nhà”, tôi mong muốn bày tỏ tình cảm yêu thương, lòng cảm kích của mình dành cho người mẹ chồng ngoại quốc. Tôi đang sống tại Hàn Quốc nơi có mùa đông rất lạnh giá nhưng luôn có một mẹ chồng ấm áp tình yêu thương dành cho con dâu. 
Tôi nhận thấy rằng, mọi người mẹ trên thế giới này, không phân biệt quốc gia, quốc tịch đều luôn yêu thương con mình theo cách như nhau. Với tình yêu thương ấy, mọi cô con dâu sẽ hạnh phúc, mọi nếp nhà sẽ được hòa thuận dù chúng ta có ở Việt Nam, Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.