Nghệ thuật kiềm chế nóng giận với con

Chia sẻ

PNTĐ-Mỗi lần đánh con xong, mình lại thương con, rồi nằm khóc và không làm được gì cả. Giận mình nhưng những lúc con bướng bỉnh vẫn không thể kiềm chế được. Có cách nào không?

 
Nghệ thuật kiềm chế nóng giận với con - ảnh 1
Lời xin lỗi là sự xoa dịu cần thiết nếu mỗi bậc cha mẹ trót nóng giận với con

 
Hầu như trong quá trình nuôi dạy con của mình, ông bố bà mẹ nào cũng từng trải qua trạng thái cáu giận vì con nghịch ngợm, làm hỏng đồ đạc trong nhà, nói mãi không chịu nghe, thậm chí con hỏi quá nhiều, hay khi học bài cùng con mà giảng mãi con không hiểu cũng khiến bố mẹ “sôi máu”.
 
“Mình cũng rất ân hận vì vừa đánh con trai lúc tối, cháu cứ học trước quên sau, những chữ đã học qua rồi hỏi lại là không nhớ làm mình thêm điên tiết, mà càng quát mắng thì cu cậu càng đờ người, không đọc thêm được chữ nào hết. Cơn giận lên đến tột độ, mình không kìm được nữa nên đã đánh con. Con khóc, chồng mình nghe tiếng chạy xuống bênh con. Thế là vợ chồng suýt nữa cãi nhau to. Mình mệt mỏi quá” - chị Hà Nguyên (ở quận Cầu Giấy) than thở. Chị có hai con, trong khi con gái đầu rất tự giác học hành, luôn nằm trong tốp 5 của lớp thì cậu con trai thứ 2, mới vào lớp 1 lại khiến chị và gia đình nhiều lần phát cáu vì chuyện học hành.
 
Chị Hoài Thương (ở quận Thanh Xuân) cũng nặng tay với con vì cô bé 5 tuổi chưa chịu tuân thủ những nguyên tắc mà hai mẹ con đã đặt ra với nhau. “Khuya rồi, trời thì đang lạnh, mình tắt quạt đi thì con phát hiện. Từ lúc đó, nó cứ liên tục bứt rứt, chân này chà lên chân kia, mặt phụng phịu. Gặng hỏi một lúc mình mới biết là con muốn bật quạt, mình bảo con tự bật đi, con không chịu. Mình giận quá, đánh vài phát vào mông con. Mình biết rằng đánh con là không nên nhưng mỗi khi nói mà con không nghe lời, cơn nóng giận bùng lên, quát tháo không được nữa là mình lại đánh con” - chị Thương chia sẻ. 
 
Anh Minh Tân (ở quận Ba Đình) kể: “Tôi có 3 con trai. Khi mới có cháu đầu, thỉnh thoảng không kiềm chế được đã đánh con rất đau. Giờ cháu thiếu tự tin hẳn so với 2 em. Tôi luôn ân hận và bị dằn vặt về những lần đánh con quá tay như vậy”- anh cho biết. Vụ việc bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị chính cha đẻ và mẹ kế đánh đập trong thời gian dài với trên người chi chít vết thương, từ 40kg xuống còn 20kg khiến dư luận không khỏi phẫn nộ cũng là một “điểm đen” về cách nuôi dạy con bằng đòn roi.
 
Những sự nóng giận kể trên hoàn toàn khác với sự nghiêm khắc khi dạy con. Đó là giận quá mất khôn, không thể kiểm soát được bản thân mình, còn nghiêm khắc là khi bố mẹ giáo dục con có chủ định, phương pháp, và lường được kết quả của sự việc. Hậu quả của những cơn nóng giận là rất khó lường.
 
Theo Ths tâm lý Trịnh Văn Tùng, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, trường CĐSP Mẫu giáo T.Ư, đòn roi hay mềm mỏng không phải là vấn đề, vấn đề ở chỗ cách thức cha mẹ tạo sự kết nối với con trẻ. Sử dụng đòn roi để dạy trẻ có nghĩa là cha mẹ đã luôn coi suy nghĩ của mình là đúng và áp đặt lên trẻ, còn sử dụng phương pháp quá mềm mỏng (đến mức nịnh nọt trẻ) thì lại vô tình làm cho trẻ nghĩ rằng mình luôn luôn đúng.
 
Nguyên nhân cha mẹ giận con có thể là: Cái tôi của cha mẹ lớn (chẳng nhẽ mình thế này mà không bảo được con); kỳ vọng vào con nhưng gặp điều không như ý; thiếu sự thấu hiểu cả về con cái cũng như nguyên nhân và hậu quả của cơn giận; bế tắc về phương pháp giáo dục; môi trường sống nhiều áp lực…
 
Mắc lỗi là điều hoàn toàn tự nhiên của mọi đứa trẻ, vì đó là cách để các con học hỏi và trưởng thành. Để giải quyết các cơn nóng giận của bố mẹ, theo Ths Tùng, chính là bình đẳng giữa cảm xúc của bố mẹ và cảm xúc của con, nghĩa là phải làm bạn với con để thấu hiểu. Bố mẹ cần học cách trách phạt khi con sai và khen thưởng khi con làm được điều tốt. Có rất nhiều cách thức phạt con như: học thuộc một bài thơ, dọn phòng, không cho đi chơi công viên/ sở thú, không cho mua món đồ mà con thích… tích cực hơn đòn roi rất nhiều.
 
Phạt bằng đòn roi, chỉ nên dừng lại ở hình thức cảnh cáo. Bố mẹ hãy luôn có niềm tin rằng, con mình thật sự thông minh và hiểu biết, chứ không phải hư hỏng, ranh mãnh, muốn làm gì thì làm. Bố mẹ cũng nên thể hiện cho con biết về niềm tin ấy, như vậy sẽ giúp con tự nỗ lực hơn, biết nghe lời hơn.
 
Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.