Nghĩa vụ và đạo làm con thời nay
PNTĐ-Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi xin tạm tổng kết diễn đàn "Phụng dưỡng bố mẹ già: Nghĩa vụ hay đạo làm con?" tại đây bằng ý kiến của nhà văn Như Bình.
Hiểu thế nào là nghĩa vụ và đạo làm con
Nghĩa vụ và đạo làm con của con cái thời nay là hai khái niệm khác nhau trong một phạm trù đạo hiếu. Con cái có thể hoàn thành nghĩa vụ làm con của mình với cha mẹ, nhưng không có nghĩa là đã làm tròn đạo hiếu với cha mẹ. Nghĩa vụ ở đây là những việc tất yếu mà con cái phải làm, những ứng xử buộc phải có, những lễ nghi buộc phải tuân thủ, nguyên tắc đã đặt ra từ muôn đời nay trong cái nghĩa vụ có tính ràng buộc giữa con cái đối với cha mẹ và ngược lại.
![]() |
(ảnh minh họa) |
Câu chuyện của nghĩa vụ làm con ở đây là khi còn bé dại, con cái phải có nghĩa vụ vâng lời dạy dỗ chỉ bảo của cha mẹ. Đến tuổi đi học thì phải học hành phấn đấu đỗ đạt để đền đáp công lao biển trời của cha mẹ. Đến tuổi trưởng thành thì lập gia đình, duy trì nòi giống đó chính là nghĩa vụ mà con cái phải hoàn thành. Nghĩa vụ làm con ở đây xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi chúng ta, từ bé thơ cho đến trưởng thành. Khi cha mẹ lâm bệnh thì phải chăm sóc chạy chữa chu đáo. Cha mẹ nghèo đói vất vả thì phải có nghĩa vụ giúp đỡ cha mẹ về mặt vật chất, thêm tiền bạc cho cha mẹ tiêu dùng, nhà cửa cha mẹ dột nát thì khi có điều kiện xây nhà cửa đàng hoàng cho cha mẹ ở. Đó chỉ mới là nghĩa vụ làm con.
"Hiếu nghĩa": Gốc của đạo làm con
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mà tôi từng gặp. Có một bà mẹ đơn thân, chịu bao đắng cay khổ cực nuôi hai đứa con một trai một gái ăn học nên người. Cả hai người con của bà đều thành đạt. Đặc biệt là người con trai thì vô cùng nổi tiếng và thành công trong công việc. Người con trai sẵn sàng chi tiền và tìm những thầy thuốc tốt nhất cho mẹ khi mẹ ốm, mua sắm cho mẹ đầy đủ đồ dùng tiện nghi trong căn hộ tập thể của mẹ nếu mẹ cần. Nhưng bà mẹ đã cảm ơn con trai và không đòi hỏi bất cứ thứ gì ngoài cuộc sống giản đơn của bà.
Một lần, tôi hỏi bà, các con của bà có hiếu thảo với bà không? Bà trả lời: "Con trai làm rất tốt nghĩa vụ của một người con. Còn con gái, nhà nó khó khăn hơn, không có điều kiện mua sắm cho mẹ những thứ đắt tiền, nhưng nó sống tình cảm lắm. Con trai ở gần mẹ nhưng rất ít khi trò chuyện, giãi bày hay hỏi han tìm hiểu tâm tư, nhu cầu tâm lý của mẹ. Còn con gái ở xa mẹ, nhưng hầu như ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm, động viên tinh thần. Cả hai đứa đều thương mẹ, có hiếu với mẹ nhưng con trai làm nghĩa vụ tốt, còn con gái thì tình cảm hiếu nghĩa hơn nhiều cháu ạ”. Câu chuyện của bà mẹ đơn thân trên cho tôi thấy một điều rằng, cuộc sống hiện đại, khi mà mọi nhu cầu vật chất không còn là thứ cấp thiết thì cái nghĩa vụ và đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ chú trọng hơn về đời sống tinh thần...
Để kết thúc bài viết này, tôi xin được kể lại một chi tiết rất nhỏ trong câu chuyện dài về đạo hiếu mà tôi từng biết. Anh là một nhà thơ nổi tiếng. Ngày anh biết tin cha mẹ anh lần lượt bị bệnh ung thư và sắp mất, ngoài việc thuốc thang chạy chữa mà anh cất công tìm kiếm cùng trời cuối đất thì những ngày tháng cuối cùng, anh gần như cắt bỏ hết tất cả mọi công việc để trở về ngôi nhà của cha mẹ, ở đấy hàng tháng trời chỉ để làm mỗi việc là trò chuyện, xoa lưng, đấm bóp chân tay, làm thuốc cho cha mẹ uống. Nghe ra việc đó quá đơn giản nhưng trong đời sống hiện đại này, mấy ai có thể cắt bỏ tất cả mọi công việc hằng ngày của mình để tĩnh tâm không điện thoại, bạn bè, cơ quan công việc, thậm chí không vợ con bên cạnh để ở lại ngôi nhà của cha mẹ trong vài ba tháng trời cho đến khi họ nhắm mắt xuôi tay. Tôi nghĩ việc làm đó là quá hiếm trong đời sống hiện đại này.
Nhà văn Như Bình