Người mang nụ cười cho cô gái mắc hội chứng không răng
(PNTĐ) - Mặc dù mắc hội chứng không răng bẩm sinh cực hiếm gặp nhưng trong suy nghĩ của Nguyễn Ngọc Hạnh (31 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) luôn cảm thấy “trong cuộc đời mình chỉ có đôi ba lần thấy tự ti, vì lúc nào bố mẹ cũng tự hào về mình và luôn động viên con hướng về phía trước”.
Bố đến trường xin cô giáo phần cơm nát cho con
Một thời gian sau khi sinh Hạnh, bố mẹ mới thấy sao con mình cứ khang khác, đến thời điểm rồi mà vẫn chưa thấy có răng, có tóc. Ba mươi năm trước, “hội chứng loạn sản ngoại bì” vẫn còn là thông tin lạ hoắc, nhất là đối với những người nông dân quanh năm trồng và bán hoa ở chợ hoa Quảng Bá như bố mẹ Hạnh. Hạnh nhớ, mẹ chỉ biết giải thích rằng, chắc là do mẹ bị cúm hồi mang bầu con, nên cô mới bị như vậy. Cuộc sống vẫn yên bình cho đến khi Hạnh học xong mẫu giáo và bước vào lớp 1.
Những năm tháng khó khăn bắt đầu, hội chứng này khiến Hạnh rất khó chịu mỗi khi thời tiết nắng nóng. Đồ ăn cứng quá cũng không được, vì Hạnh không thể nhai như các bạn. “Bố mình đã đến trường, xin các cô tạo điều kiện tốt nhất cho con gái. Việc ăn uống, bố xin cô chủ nhiệm và xuống cả bếp ăn để mong các cô dành phần cơm nát, cơm mềm cho mình”. Hạnh nói thêm, bố chính là người đồng hành, sát cánh nhiều nhất với Hạnh, còn mẹ vất vả ngược xuôi bán hoa để chăm lo cho cả gia đình.
Niềm hy vọng của bố mẹ cô là dù muộn màng, một ngày con gái sẽ có răng, có tóc vẫn nhen nhóm trong lòng. Đến năm lớp 4, Hạnh mọc được 2 cái răng, nhưng nó nhọn hoắt. Hạnh hỏi bố mẹ: “Sao răng con thì nhọn mà răng các bạn vuông?”. Bố mẹ Hạnh lặng người. Lúc ấy, đã có nhận thức rồi, Hạnh cũng biết buồn vì mình khác các bạn quá. “Nhưng mình chỉ buồn một chút xíu thôi, vì bố mẹ lúc nào cũng nhẹ nhàng động viên con. Mình còn thấy được cưng chiều nhất vì đến cả khi học cấp 1 rồi vẫn được mẹ nhai cơm cho ăn. Nhờ vậy mà mình vẫn cười rạng rỡ trong suốt những năm tháng tuổi thơ đó”.
Lên cấp 3, bước vào tuổi dậy thì, Hạnh cũng biết làm điệu, để ý bản thân. Thấy các bạn xinh xắn, cô cũng ước ao, nhưng biết mình khác biệt nên không đòi hỏi. “Nhưng bố mẹ mình tâm lý lắm. Lúc mới vào lớp 10, biết sẽ có thêm nhiều bạn mới, nên bố mẹ khuyên mình đội tóc giả. Nếu bạn bè có trêu thì hãy lấy đó làm động lực để tập trung học. Quả y như vậy, mình cố gắng học hành, 3 năm cấp 3 đều học lớp chọn, mình còn được tài trợ học phí từ rất sớm. Từ đó, mình dần có thêm nhiều bạn thân, cuộc sống chỉ thấy vui hơn thôi”.
Tốt nghiệp cấp 3, Hạnh thích nghề hướng dẫn viên du lịch nên chọn Trường Cao đẳng Du lịch. Học được một thời gian, cô tâm sự với bố mẹ rằng nghề này đòi hỏi ngoại hình quá. Vậy là bố mẹ bảo Hạnh chuyển qua ngành khác phù hợp hơn xem sao, vì tiếng Anh của Hạnh khá tốt. “Mình thấy bố mẹ không bao giờ bàn lùi, lúc nào cũng chỉ cho mình cách để tiến về phía trước. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới mình”- Hạnh cho hay.
Nhưng chặng đường xin việc sau khi ra trường của cô gái khá gian nan. Bố đưa Hạnh đi xin việc và cũng chính ông chứng kiến sự thất bại liên tiếp của con gái. “Lần nào bố cũng động viên: “không được thì tìm cơ hội khác”. Sau khi bị từ chối quá nhiều, Hạnh đi bán hàng cho người nước ngoài ở phố cổ. Môi trường đó cho cô cơ hội giao tiếp tiếng Anh và ít nhiều tránh được sự xét nét của mọi người.
Điểm tựa vững vàng cho con
Năm lớp 8, bố bắt đầu đưa Hạnh đi khám. “Ai chỉ đâu đi đấy. Phương pháp nào mọc được tóc, mọc được răng là bố mẹ thử hết cho mình. Mong con bớt khổ vì ngoại hình khác biệt, bố mẹ mình còn tin vào cả tâm linh. Nhưng đến đâu người ta cũng bảo trường hợp này rất khó. Bác sĩ bảo, phải đợi đến năm 25 tuổi khi đó đã hoàn tất tuổi dậy thì, xương cứng thì mới làm răng được”. Thương con, trước khi con đi xin việc, bố Hạnh đưa cô đi làm răng giả nhưng không đeo được vì không dính được vào hàm, không nói và nhai được. Mình cố gắng đứng trước gương, tập nói với răng giả trong 1 tuần nhưng không được, cứ cắn vào lưỡi, khóc suốt. Rồi quyết định không đeo nữa”.
Phép màu đến với cô gái năm 27 tuổi, khi một nha khoa biết được hoàn cảnh và đồng ý chữa trị cho Hạnh. Biết tin con gái được làm răng, bố mẹ cô quá vui vì hạnh phúc. Lúc gây mê vào phòng mổ, Hạnh chỉ nghĩ đến việc, mình sắp có một hàm răng hoàn chỉnh để nhai ngon lành những món ăn của mẹ.
Cho đến giờ, khi những khó khăn đã đi qua, Hạnh vẫn thầm cảm ơn bố mẹ đã là điểm tựa vững chãi để cô không thấy tự ti trong cuộc sống. “Mình nhớ mãi lời của bố, dặn mình phải cố mà học. Mình đi học được thành tích tốt là bố mẹ tự hào lắm, đi đâu cũng khoe”. Cô nhớ lúc mới chỉ lắp răng tạm, chưa cố định, mẹ đã bảo cô đẹp quá. Khi ca mổ hoàn thành, Hạnh có hàm răng mới, bố mẹ cô nghẹn ngào, mẹ bảo: “Hạnh ơi xinh quá!”, còn bố thì sung sướng: “Con gái bố có khác!”. “Thậm chí, bố chở mình đi ăn sáng còn bảo “không cần đeo khẩu trang, con cứ bỏ ra, cười đi”.
Sau ca mổ, Hạnh thích nghi rất nhanh, phát âm chuẩn hơn vì có răng đã kiểm soát được lưỡi. Sau đó mất 2 tháng để luyện tập nói, tập ăn để phát âm và quen răng. Hạnh còn lập một kênh TikTok để truyền cảm hứng cho những bạn có cùng hoàn cảnh giống mình.
Giờ đây, gặp Hạnh là thấy một cô gái xinh xắn và hoạt ngôn. Năm nay đã 32 tuổi, Hạnh bảo bố mẹ không giục cô lấy chồng vì muốn con tìm được một người bạn đời thật sự thấu hiểu. “Với mình, bố mẹ như người bạn vậy, lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe. Mình thấy mình đang thực sự hạnh phúc, đủ đầy”- Hạnh nói.