Khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Người Việt xẻ từng manh áo ấm giúp nhau trong hoạn nạn

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tính đến ngày 13/2, trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng ước tính của gần 30.000 người. Số thương vong dự kiến còn tiếp tục tăng lên vì cơ hội tìm thấy người sống sót đang tắt dần, mốc 72 giờ vàng cho việc cứu nạn đã trôi qua.

Người Việt xẻ từng manh áo ấm giúp nhau trong hoạn nạn - ảnh 1
Chị Canay Kececi và con trai soạn quần áo ấm gửi tới khu vực bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh đó, những ngày này, cộng đồng người Việt gồm các cựu du học sinh, du học sinh, người lao động, các dâu/rể Việt đã lập gia đình tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, tham gia các hoạt động hỗ trợ nạn nhân trong vụ động đất.

Bật tivi suốt ngày đêm để cập nhật tin tức về nhau
Anh Dương Nam Phương, sinh năm 1989, nhận học bổng du học tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009. Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí của trường Đại học Istanbul, anh đi làm và lập gia đình với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên khu vực tập trung mạch động đất nhiều nhất trên thế giới. Trong một năm trên toàn lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ xảy ra nhiều rung chấn khác nhau trên nhiều thành phố. Nhưng, trận động đất ngày 6/2/2022 vừa qua xảy ra tại khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ với chấn động 7.4 độ richter tại trung tâm thành phố Kahramanmaraş và gây ảnh hưởng mạnh lên 9 thành phố khác theo đánh giá của anh là khủng khiếp nhất trong hàng chục năm gần đây. 

Anh Phương cho biết: Sau trận động đất, nhiều gia đình ở các khu vực khác khá lo lắng về tòa nhà mình đang ở có an toàn không, có thể “đứng vững” trước các trận động đất với độ richter lớn như vừa qua không. Trên thực tế đã có những tòa nhà chung cư mới xây chỉ được 7 tháng và đã bị đổ sập trong trận động đất này. Tại Istanbul, gia đình anh Phương đang sinh sống trong một khu chung cư nhỏ với quy mô 6 hộ gia đình. 

Anh cho biết, hiện đang có kế hoạch kêu gọi mọi người trong khu chung cư cùng đập đi, xây lại chung cư mới để chủ động đề phòng các trận động đất tương tự có thể xảy ra ở Istanbul. 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh người Việt là các du học sinh sang du học rồi ở lại, còn có một bộ phận là các cô dâu Việt lấy chồng người Thổ Nhĩ Kỳ. Chị Canay Kececi, người Việt Nam, đã nhập tịch và lấy tên Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang sống ở thành phố biển Fethiye. Mặc dù khu vực của chị nằm cách xa khu vực động đất nhưng nhiều ngày qua cũng chịu nhiều ảnh hưởng với mưa, gió. Theo chị, hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của người dân trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ chính là công tác cứu trợ và tình hình ở khu vực bị động đất. “Nhà tôi bật tivi gần như suốt ngày đêm, nghe không thiếu một tin nào về trận động đất. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật, chia sẻ cho nhau các video trên mạng internet về công tác cứu hộ, cứu nạn, mừng rơi nước mắt khi thấy có thêm người được cứu sống…”.

Tích cực quyên góp giúp đỡ nạn nhân vụ động đất
Ngay sau khi vụ động đất xảy ra, cộng đồng người Việt cùng với cộng đồng thế giới đang tích cực tham gia vào các hoạt động quyên góp, hỗ trợ nạn nhân trong vụ động đất.

Anh Dương Nam Phương cho biết, ngày 7/2, cộng đồng người Việt đã đăng tải thông tin kêu gọi nhau quyên góp nhiều quần áo ấm, nhu yếu phẩm các đồ dùng thiết yếu, đặc biệt là đồ vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em… để gửi tới khu vực động đất. Ngay sau đó, đã có những chuyến xe đầu tiên chở theo các đồ dùng thiết yếu được khởi hành. Gần đây nhất, đợt ủng hộ lần thứ 2, người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong thảm họa động đất cũng đã gửi tới chính quyền quận Bakirkoy, Istanbul 50 thùng hàng thực phẩm bao gồm đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm do Công ty VT Travel Plus và Công ty LF Global Tech Media ủng hộ; 4 thùng hàng quần áo mùa đông cho nam/nữ do anh chị em người Việt ủng hộ. Ngoài ra, một số bà con còn có thể gửi về Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động cứu trợ sẽ còn được người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến hành vì không chỉ trong những ngày này mà sau đây, hoạt động tái thiết sau động đất cũng còn rất lâu dài và cần tới nhiều nhân lực, vật lực. 

Bên cạnh đó, anh Phương còn tích cực đăng tải các thông tin về cứu hộ, cứu nạn, số hotline của đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, các điểm tạm lánh để chia sẻ tới mọi người.

Theo chị Canay Kececi, các cô dâu Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi con. Tuy không có nhiều tiềm lực kinh tế nhưng các chị em luôn tích cực phát huy tấm lòng nhân ái, đôn hậu của người phụ nữ Việt tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, đặc biệt trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như thảm họa động đất này. Nhiều chị em đã quyên tặng đồ đạc trong nhà đang dùng hoặc ít dùng, còn mới và tốt như màn, găng tay, chăn chiếu, máy sưởi... 

Bản thân chị Canay Kececi cùng con trai đã soạn được khá nhiều quần áo ấm còn tốt để gửi theo các xe ôtô nhận hàng cứu trợ khởi hành mỗi ngày. Các bà mẹ trong nhóm phụ huynh học sinh ở trường của con chị cũng kêu gọi ai có gì giúp đó với mong muốn làm được những điều tốt nhất cho các nạn nhân trong vụ động đất.

Chị Kiều Loan, hiện đang sống tại Takot, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: Tại các khu vực bị động đất đang bị mất điện, nước, sóng viễn thông… nên việc liên lạc khá khó khăn. Tuy nhiên, chị Loan với một số mối quan hệ quen biết đang tích cực giúp đỡ kết nối, hỗ trợ những ai cần tìm kiếm thông tin về người thân, quen, tìm kiếm danh sách những người đã được cứu hộ, những người đang lưu trú tại các lều tạm do Chính phủ cung cấp. Hiện nay, việc có được thông tin về người thân là vô cùng quan trọng, nên nếu hỗ trợ được gì là tôi sẽ sẵn lòng. “Tôi chỉ mong sẽ kết nối, hỗ trợ được các gia đình tìm thấy nhau trong thảm họa”- chị nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.