Vitamin tình yêu:

Người xoa dịu nỗi đau da cam giữa thời bình

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Là thương binh hạng 2/4, vừa là người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học, nhưng ông Đỗ Đăng Thanh (sinh năm 1952, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Ba Đình vẫn tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu trong gia đình và xã hội noi theo.

Người xoa dịu nỗi đau da cam giữa thời bình - ảnh 1
Vợ chồng ông Đỗ Đăng Thanh tại tư gia

Vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên trẻ tuổi quê Lục Nam (Bắc Giang) Đỗ Đăng Thanh hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, đầu quân cho Tiểu đoàn đặc công 12, thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Sau 8 tháng đào tạo, huấn luyện ở Suối Hai (Ba Vì, Hà Tây cũ), chiến sỹ Đỗ Đăng Thanh cùng đơn vị lên đường đi B chiến đấu. “Hồi ấy, thanh niên nhiệt huyết lắm, hăng hái lên đường ra trận, hành trang trên vai là hoài bão tuổi trẻ và niềm tin chiến thắng…” - ông Đỗ Đăng Thanh nhớ lại. 
Tại chiến trường B, đơn vị của ông Thanh có nhiệm vụ đặc công đánh điểm, chuyên đột phá các tuyến phòng ngự, sử dụng chiến thuật giống với lực lượng biệt kích hơn là công binh. Tháng 6/1972, khi tham gia trận đánh vào Chi khu Thới Bình (Cà Mau), bộ đội ta đánh vào khu trung tâm thông tin của Mỹ - Ngụy theo nhiều mũi hướng khác nhau. Trận đánh vô cùng khốc liệt, với tinh thần dũng cảm tuyệt vời, ông Thanh cùng đồng đội đêm đánh, sáng rút suốt nhiều ngày liền. “Trận chiến ấy, tôi bị trúng đạn. Sau khi cố thoát khỏi lô cốt, địch tiếp tục bắn 1 viên đạn vào chân tôi. Bằng sức bình sinh, tôi cố gắng dùng hai tay bám cỏ trên sông để thoát khỏi lô cốt, sau đó được đồng đội đưa về bệnh viện dưỡng thương” - ông nói. Từ năm 1973, Trung đoàn chuyển về Cần Thơ, ông được điều về dạy học cho các cán bộ, nhân viên vùng giải phóng ở đây.
Trước khi lên đường nhập ngũ, ông Đỗ Đăng Thanh đã có hẹn ước với cô thôn nữ Giáp Thị Thanh, cách nhà khoảng 500m. Cả hai thường xuyên tham gia các buổi văn nghệ, giao lưu với nhau. “Chúng tôi đã định ước ngày cưới, nhưng khi có lệnh tổng động viên, anh ấy vẫn xung phong lên đường nhập ngũ” - bà Giáp Thị Thanh nhớ lại. 
Khoảng 1 tháng trước khi vào chiến trường B, ông Thanh được nghỉ phép về thăm gia đình. “Trong những lần gặp ấy, tôi nói về tháng ngày khốc liệt sắp tới, chỉ sợ mình “đi không về” thì khổ người yêu. Nhưng cô ấy vẫn tin tưởng và đề nghị làm đám hỏi trước” - ông Thanh kể. 
Đám hỏi diễn ra đơn giản, nhẹ nhàng nhưng ấm áp. 10 ngày sau, ông Thanh lên đường. Bà Thanh ở nhà vừa tham gia công tác địa phương, vừa thường xuyên sang nhà chăm sóc bố mẹ chồng tương lai và chờ đợi tin tức của người yêu. Thế nhưng, suốt 6 năm đằng đẵng, ông không gửi một lá thư hồi âm hay tin tức gì. “Khu vực chiến đấu của tôi rất khốc liệt, xa trung tâm nên không thể gửi thư được” - ông nói. Thế nhưng, bà Thanh vẫn luôn chờ đợi, tin rằng “anh ấy sẽ về”. Đến năm 1976, ông Thanh trở về quê hương. 2 tháng sau, ông bà tổ chức đám cưới. Ông tiếp tục học văn hóa, rồi vào làm việc tại công ty Giám định hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Bà Thanh ở quê vừa làm ruộng, vừa nuôi dạy 4 con khôn lớn. Đến năm 1993, bà cùng các con chuyển về Hà Nội để đoàn tụ gia đình và hết lòng ủng hộ chồng khi tiếp tục tham gia công tác xã hội.
Là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Ba Đình, ông Thanh luôn trăn trở với những mảnh đời bất hạnh đang phải ngày ngày chiến đấu với cuộc chiến da cam giữa thời bình. Ông Thanh cho biết, hiện toàn quận có 283 nạn nhân chất độc da cam và 75 người thuộc thế hệ sau bị phơi nhiễm, đều có cuộc sống vô cùng khó khăn, bĩ cực. Như ông T.Q.M (phường Ngọc Hà) vừa là nạn nhân da cam, vừa bị bệnh tim. Vợ chồng ông sinh được 4 người con thì 2 đứa đầu dị dạng rồi mất, đứa thứ 2 sống được nhưng tay chân không cử động được, bố mẹ phải phục vụ mọi sinh hoạt. 
Xuất phát từ ý tưởng nhân văn, CLB “Giữ lửa yêu thương” do Hội thành lập năm 2017 đã giúp đỡ nhiều phụ nữ có chồng, con là nạn nhân CĐDC thêm nghị lực sống, giữ lửa hạnh phúc gia đình. Đến nay, CLB có hơn 100 thành viên, trong đó, nhiều hội viên dù không phải là vợ, mẹ của nạn nhân CĐDC nhưng đồng cảm, quan tâm và tham gia với mục đích hỗ trợ những người còn lại…
Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Ba Đình, hàng năm, ông cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Hội tham mưu lãnh đạo UBND quận trong các hoạt động chăm sóc nạn nhân chất độc da cam đi-o-xin; hướng dẫn các phường thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng; hỗ trợ người dân làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam; tham mưu và triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong những dịp Lễ, Tết, ông đều cố gắng để tặng quà, thăm hỏi, tổ chức khám sức khỏe, động viên tinh thần, kết nối các mạnh thường quân để hỗ trợ những gia đình khó khăn…, cố gắng “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.