Nhà có... “dâu dữ”

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà bảo người ta cưới vợ cho con trai thì có thêm dâu hiền, đằng này nhà bà thì ngược lại. Từ ngày con trai lấy vợ, nhà bà có thêm nàng “dâu dữ”, và tình thân trong nhà cũng vì “dâu dữ” mà tương tàn theo.

Nhà bà có hai con trai, ngày cưới vợ cho con trai cả, bà những mong có được nàng dâu trưởng ngoan hiền, sống vị tha, bao dung để làm trung tâm kết nối trong gia đình. Gia đình chồng bà lâu nay sống theo mô hình tứ đại đồng đường, vai trò con dâu trưởng rất quan trọng. Bà bảo ngày xưa khi bà về làm dâu trưởng, mẹ chồng vừa trao quyền vừa trao trách nhiệm nặng nề trong gia đình cho bà.

Mẹ chồng bà bảo con trưởng có quyền thay cha mẹ quyết định mọi vấn đề trong gia đình, các em, các cháu phải nghe theo. Nhưng cùng với đó, con trưởng đôi khi cũng phải chấp nhận thiệt thòi hơn các em, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân để lo cho các em thay cha mẹ khi họ khó khăn.

Ngày đó, nhà chồng bà có 4 người con, ba con trai, một con gái. Sau khi lo việc cưới hỏi cho vợ chồng bà, bố mẹ chồng lo tiếp cho ba con còn lại, trong đó vợ chồng bà đóng góp vai trò không nhỏ. Là con trưởng, vợ chồng bà sống chung với bố mẹ. Mọi việc lớn nhỏ đều đến tay, thỉnh thoảng các em, các cháu về sum họp còn phải lo ăn lo uống.

Học mẹ chồng, bà cũng dần điều tiết mọi nhu cầu cá nhân để lo chu toàn mọi việc trong gia đình, tạo sự thoải mái nhất cho các em, các cháu mỗi khi về. Nhờ đó, bà được tiếng là nàng dâu trưởng đảm đang, biết đối nội đối ngoại, gắn kết được anh em xa gần, con cháu sống đoàn kết, vui vẻ.

Do vậy, khi con trai đến tuổi lấy vợ, ông bà luôn dặn con tìm kiếm cô gái nào có tố chất làm dâu trưởng. Tuy nhiên, kỳ vọng là thế nhưng tuổi trẻ tự do yêu đương, ông bà chẳng thể tìm dâu theo ý mình được.

Nhà có... “dâu dữ” - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ngày Hoài về ra mắt gia đình, ông bà không ưng vì cô được nuôi dạy theo phong cách “công nghiệp”, cái gì cũng sử dụng dịch vụ thay vì tự làm lấy. Còn nhớ, bữa cơm đầu tiên bà muốn thử tài nội trợ của Hoài. Thay vì đến sớm, vào bếp phụ bà nấu nướng thì đến gần trưa cô mới xuất hiện, tay xách mấy hộp xốp đựng thức ăn mua sẵn. Dù chẳng hài lòng nhưng thấy con trai yêu Hoài sâu nặng nên bà bỏ qua, nghĩ chuyện nội trợ của Hoài sau này về bà hướng dẫn là được. Do đó, ông bà đồng ý tổ chức đám cưới cho con trai, bỏ qua mọi sự kỳ vọng ban đầu về nàng dâu trưởng giỏi giang.

Hoài về làm dâu, thời điểm đó, nhà ông bà không có điều kiện mấy, Tuấn-con trai ông bà cũng mới đi làm nên thu nhập còn ít. Do vậy, điều kiện sắm sửa phòng ở cho vợ chồng Tuấn vẫn còn “giản dị”. Sau này, Tuấn đi làm có tiền mới thay lại giường tủ đẹp, sang hơn.

Ngày con trai thứ hai lấy vợ, ông bà có chút tiền tiết kiệm cộng thêm khoản góp sinh hoạt của vợ chồng Tuấn lâu nay đưa cho nhưng bà không tiêu dành dụm lại nên có điều kiện lo đám cưới cho con trai thứ tươm tất. Ai ngờ, Hoài nhìn vào đó so bì với đám cưới của mình. Cô so sánh từ cái giường nằm, cái tủ đựng quần áo đến bàn phấn trang điểm, bảo bố mẹ xem trọng dâu thứ hơn dâu trưởng. Cái gì tốt, đẹp đều ưu tiên dâu thứ, trong khi dâu trưởng ngày xưa thì mua sắm tằn tiện.

Ông bà đã phân tích cho con dâu trưởng hiểu hoàn cảnh lúc đó khác với bây giờ. Con dâu trong nhà, ông bà đều coi trọng như nhau, thậm chí còn đề cao vai trò dâu trưởng hơn dâu thứ, Hoài đừng vì thế mà khiến tình cảm gia đình bị ảnh hưởng. Dù vậy, Hoài vẫn không chấp nhận.

Gia đình chưa có điều kiện để mua nhà cho các con sống riêng, ông bà cải tạo lại nhà cho mỗi cặp vợ chồng ở một tầng, còn hai ông bà ở tầng một. Bà bảo, hàng ngày các con đi làm, bà còn sức khỏe sẽ phụ trách việc đi chợ, nấu cơm, các con dâu về sớm thì vào bếp phụ bà. Bà kỳ vọng bữa cơm gia đình sẽ là nơi gắn kết các con sau một ngày làm việc trở về nhà, nhưng mọi thứ lại không diễn ra như ý bà.

Cưới con trai thứ xong, con dâu trưởng nằng nặc đòi ăn riêng. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng em trai và vợ chồng mình đi làm cả ngày, tối về mới chung nhau bữa cơm tối, Tuấn bàn với vợ cứ nghe theo mẹ ăn chung cho vui, lại tiện cho mình. Tuy nhiên, Hoài không nghe. Bà chẳng biết làm thế nào đành chấp nhận.

Vậy là căn bếp nhà bà, chiều chiều, hai con dâu vào bếp nhưng nấu nướng trong im lặng. Em dâu chịu khó xào nấu các món, còn Hoài thì chủ yếu hâm nóng lại các món mua sẵn bên ngoài. Nấu xong, Hoài bê mâm cơm lên tầng của vợ chồng ăn riêng còn vợ chồng em trai ăn cùng bố mẹ.

Thỉnh thoảng em dâu nấu bát canh cua, biết anh trưởng thích ăn nên múc thêm một tô để vào mâm cơm của chị dâu. Lần đầu tiên, Hoài nhận nhưng sau đó thì “cấm chồng” không được ăn. Em dâu thấy vậy buồn lòng, nảy sinh mâu thuẫn với chị dâu từ lúc nào không hay. Dần dần, vì chuyện nấu nướng trong cảnh một bếp hai nồi ấy khiến hai nàng dâu không còn tiếng nói chung, cãi vã nhau thường xuyên. Sự bất hòa của hai con dâu cũng khiến hai con trai bị lôi vào cuộc, ai cũng bênh vực vợ mình nên dẫn tới cảnh anh em hiềm khích từ chuyện nhỏ đến chuyện to.

Nhà có... “dâu dữ” - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Chẳng muốn thấy cảnh các con mâu thuẫn khi sống chung, ông bà đành cho vợ chồng con trai thứ ra ngoài sống riêng. Nhờ nhà ngoại hỗ trợ, vợ chồng con trai thứ mua được căn chung cư trả góp. Từ ngày vợ chồng con thứ sống riêng, ông bà vẫn duy trì chuyện ăn riêng bởi không muốn chung đụng phức tạp với con dâu trưởng. Hàng ngày, nhà bà vẫn cảnh một bếp hai nồi, mẹ chồng con dâu vào bếp mà lòng chẳng vui vẻ gì.

Ngày cưới con gái út, ông bà mong muốn vợ chồng con trưởng phát huy vai trò phụ bố mẹ lo cho công việc của em đến nơi đến chốn. Ai ngờ, con dâu trưởng bảo trách nhiệm trong nhà ai cũng bình đẳng như nhau, con thứ hay con trưởng nếu phải đóng góp cho bố mẹ thì cũng chia đều, không thiên vị trưởng đóng nhiều, còn thứ thì đóng ít hơn.

Hoài chẳng ngờ, số tiền vợ chồng cô đóng góp cho bố mẹ chỉ bằng một nửa số tiền vợ chồng em trai thứ góp, chỉ có điều ông bà không muốn nói ra để nâng cao vai trò con trưởng trong gia đình. Thấy chị dâu anh trưởng tính toán khi lo việc cho mình từng đồng một, cô em út cưới xong quay về “trả” lại tiền cho anh chị

Cứ ngỡ, sống riêng rồi thì con dâu sẽ thoải mái với các em chồng mỗi khi về chơi. Ai ngờ, mỗi lần các con trai, dâu, rể về chơi, con dâu trưởng lại tỏ thái độ “bất mãn”. Lúc nào Hoài cũng đánh tiếng, bảo đúng là “xa thương gần thường”. Sống riêng thỉnh thoảng về thì được bố mẹ đón tiếp linh đình, còn vợ chồng cô sát sườn hàng ngày thì xem chẳng ra gì. Hoài cũng gây khó dễ để các em không về nhà “làm phiền” nữa. Thế là, thay vì về thăm bố mẹ, vợ chồng con trai thứ và con gái út thỉnh thoảng lại gọi taxi đón bố mẹ sang bên nhà mình ăn cơm, hoặc ở chơi ít ngày.

Hoài chẳng những không biết ứng xử trong mối quan hệ anh em mà đối với họ hàng ở quê chồng, cô cũng vạch rõ ranh giới. Trước đây, ai có việc ra phố đều ghé vào nhà ông bà trước là để thăm, chơi, sau là “làm phiền” ít hôm. Bà niềm nở đón tiếp họ bao nhiêu thì Hoài lạnh nhạt bấy nhiêu. Dần dần, ai cũng nhận ra điều đó mà bớt lui tới nhà bà. Từ lúc nào, ai cũng bảo bà cưới phải “dâu dữ” nên chẳng dám gần gũi như trước nữa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.