Nhịp sống gia đình:

Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô

Bài và ảnh HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực như: Gia đình không bạo lực, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không tệ nạn xã hội, gia đình không trẻ em suy dinh dưỡng, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi…

Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô - ảnh 1
Các gia đình được biểu dương tại lễ gặp mặt, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô năm 2022

Nhằm phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, TP Hà Nội chủ trương xây dựng và triển khai, thực hiện 3 nội dung cốt lõi. Đó là: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa, kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt 88%. 
Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu, trở thành điểm sáng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. Như gia đình bà Đặng Thị Hiền (quận Bắc Từ Liêm) là gia đình hòa thuận, nhiều thế hệ chung sống; gia đình bà Trần Thị Loát (quận Long Biên) là gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; gia đình ông Nguyễn Đình Chú (quận Cầu Giấy) là gia đình tri thức, hiếu học; gia đình ông Lê Văn Nhân (quận Thanh Xuân) tích cực làm công tác xã hội; gia đình ông Nguyễn Gia Hiến (quận Nam Từ Liêm) có thành tích thể thao đáng nể… 
Hay điển hình như gia đình cụ Đỗ Thị Dụ (80 tuổi, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội), gia đình ông Lê Văn Nhân (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) là 2 trong số 30 gia đình vừa được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tuyên dương trong buổi gặp mặt, tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2022 mới đây. 
Gia đình cụ Đỗ Thị Dụ có 4 thế hệ, gồm 39 thành viên chung sống, trong đó có 11 con trai, gái, dâu, rể và 15 cháu, 12 chắt. Tuy 4 thế hệ với cách sống, suy nghĩ khác nhau, nhưng các thành viên trong gia đình cụ Dụ luôn nhường nhịn, thương yêu nhau, tạo không khí vui vẻ, êm ấm trong gia đình. Ai cũng có ý thức tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, hiểu biết, trình độ năng lực… đồng thời cổ vũ, động viên nhau tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. 
Trong cộng đồng tổ dân phố, cụ Dụ luôn vận động người thân giúp đỡ hàng xóm láng giềng, chấp hành các quy định của địa phương. Dù tuổi đã cao, song cụ luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Cụ Dụ cùng các thành viên trong các CLB Gia đình văn hóa Yên Phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình… tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương, trở thành tấm gương trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc… 
Là gia đình 4 thế hệ sống với nhau nhiều năm thuận hòa, ông Lê Văn Nhân (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay, gia đình ông có 14 người chung sống gồm ông bà, 3 vợ chồng con trai và 6 cháu nội. Các con trai, con dâu ông bà đều tốt nghiệp đại học, giữ các vị trí cao ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, nhiều cháu đạt học bổng du học nước ngoài. “Để giữ được nếp nhà, tôi luôn dạy con cháu sống yêu thương, hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, con cháu hiếu thảo. Các thành viên biết chia sẻ và trách nhiệm về sự đóng góp cho gia đình và xã hội”- ông Nhân cho biết.
Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đất nước đang mở cửa, gia đình Việt có nhiều cơ hội để phát triển, tiếp thu các giá trị văn minh tiên tiến của quốc tế vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức mà gia đình Việt đang phải đối mặt, làm nảy sinh nhiều vấn đề như quan hệ gia đình lỏng lẻo, nền nếp gia phong cũ bị ảnh hưởng, ly hôn gia tăng, đạo đức gia đình xuống cấp… đòi hỏi mỗi gia đình cần phải phát huy tiềm năng và sự hỗ trợ của toàn bộ xã hội và cộng đồng. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về gia đình, đặc biệt là triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm tôn vinh, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc, bền vững.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.