Nhiều người trẻ “lười yêu, ngại cưới“

T.MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với xu hướng kết hôn muộn, hiện nay không ít người trẻ cũng chọn việc yêu nhưng ngại kết hôn với muôn vàn lý do.

Nhiều người trẻ “lười yêu, ngại cưới“ - ảnh 1
Vì nhiều lý do mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang chọn xu hướng “lười yêu, ngại cưới”.     Ảnh minh họa

“Lười yêu, ngại cưới” vì theo đuổi đam mê, phát triển bản thân

Một loạt quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều ghi nhận tỉ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm 2023 và đối mặt với nỗi lo già hóa dân số ngày càng tăng. Theo thống kê, tại Việt Nam, xu hướng độc thân, kết hôn muộn và gia đình đơn thân, lối sống DINK (vợ chồng không con) có xu hướng phổ biến. Giới trẻ ngày nay dành thời gian theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn.

Anh Chu Văn Tùng (30 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, ít nhất là trong 3 năm tới. Dưới góc nhìn về giới, nam giới né tránh kết hôn và lập gia đình có thể vì định kiến xã hội, đàn ông là trụ cột gia đình, gánh nặng kinh tế. 

Đối với nữ giới, nguyên nhân chính được nhắc đến là do áp lực về cuộc sống hôn nhân. Chị Vương Tuyết (28 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) cho rằng bản thân đã nghĩ đến chuyện tìm kiếm bạn đời, gia đình cũng hối thúc chuyện chồng con. Tuy nhiên, sau những lần kém may mắn trong chuyện tình cảm, chị Tuyết đã không còn đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc phải lấy chồng, sinh con.

Suy nghĩ, quan điểm của anh Tùng hay chị Tuyết là một trong số vô vàn trường hợp của giới trẻ ngày nay về hôn nhân. Chính những quan niệm đó dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng kết hôn của người trẻ Việt. Chuyên gia Trân Lê - nhà sáng lập cộng đồng Phụ nữ 30+ cho rằng, trước đây, nhiều bậc cha mẹ thường quan niệm “cột mốc” 30 tuổi được xem là giai đoạn trưởng thành của người trẻ để con cái cần an cư lạc nghiệp, thành gia lập thất. “Sau 30 tuổi vẫn chưa chịu kết hôn” được xem là thất bại.

Hiện nay, các bạn trẻ lựa chọn đời sống độc thân, kết hôn muộn và thậm chí sống thử mà không cần ràng buộc bởi một tờ giấy đăng ký. 

Chị Trân Lê cho biết, một trong những nguyên nhân bởi niềm tin của mọi người vào tình yêu không còn như xưa nữa. Có thể do một số đàn ông nhìn thấy chị em phụ nữ trở nên thực dụng hơn, bởi các nàng bắt đầu chọn nhà, chọn xe; hoặc anh phải làm giám đốc này, trưởng phòng kia làm tiêu chí chọn bạn đời. 

Ngược lại đối với phụ nữ, tình yêu bền vững đâu đó khá mông lung, bởi nhan nhản khắp mạng xã hội, những cuộc tình đẹp rồi đổ vỡ của các cặp đôi nổi tiếng hay câu chuyện hôn nhân tan vỡ ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay... cũng là một trong những lý do khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn.

Được - mất khi kết hôn muộn
Một khảo sát khác với khoảng 3.000 người lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vào năm 2023, về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của gần 54% người lao động và quyết định có con của 72% người lao động được khảo sát”.

Chính vì lý do này, nhiều chuyên gia cho rằng, khi kết hôn muộn, khi trưởng thành hơn, có sự ổn định trong kinh tế, nghề nghiệp cũng chính là cơ sở giúp hôn nhân duy trì sự bền vững, vợ chồng có thể thoải mái hơn về các vấn đề chi tiêu sinh hoạt, nuôi dạy con cái… Bên cạnh đó, khi kết hôn muộn, chúng ta sẽ có sự trưởng thành về mặt cảm xúc và tinh thần. Ở độ tuổi “chín”, ta sẽ biết điều hoà cảm xúc, cư xử đúng mực và hợp lý hơn. 

Kết hôn muộn còn được xem là nguyên nhân giúp giảm tỉ lệ ly hôn. Theo một nghiên cứu về vấn đề ly hôn được đăng trên trang Big Think, trì hoãn hôn nhân đến khi 32 tuổi sẽ làm giảm khả năng ly hôn. Thống kê cho thấy, nếu kết hôn muộn so với độ tuổi kết hôn trung bình thì cứ mỗi 1 năm muộn hơn tỷ lệ ly hôn sẽ giảm xuống 11%...

Bên cạnh những mặt tích cực, xu hướng kết hôn muộn cũng đem lại hệ luỵ cho bản thân mỗi người, gia đình và xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Đại học Y Hà Nội), xét về mặt y học, việc kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không kết hôn và sinh con sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Chất lượng dân số giảm do con sinh ra dễ bị dị tật, phụ nữ khó thụ thai hơn độ tuổi từ 20-29, tình trạng dân số già...

Xét theo góc độ gia đình, tâm lý, theo Ths tâm lý Đỗ Như Hảo - Giám đốc điều hành Học viện Thành Công, mặc dù việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người, tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, kết hôn muộn ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy, chăm sóc con cái, đặc biệt là khi bạn đã lớn tuổi. Lúc đó, khoảng cách tuổi tác cũng tạo ra rào cản không nhỏ cho việc giao tiếp giữa bố mẹ và con cái dẫn đến khó tìm tiếng nói chung. Việc kết hôn, sinh con muộn có thể mất nhiều thời gian hơn để bạn dung hòa những khác biệt và học cách chia sẻ cuộc sống của mình với con cái, vun vén mối quan hệ gia đình…

Không có câu trả lời đúng - sai về việc “lười yêu, ngại cưới”, nó phụ thuộc vào lý do và trải nghiệm riêng rồi chuyển hoá thành lưạ chọn của mỗi người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, giới trẻ hiện nay nên học cách cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế, khẳng định giá trị bản thân, chăm sóc sức khỏe tinh thần và dành thời gian cho tình yêu, hôn nhân. Bởi yêu đương, hôn nhân và sinh con là một trải nghiệm đặc biệt, nhiều hạnh phúc chứ không chỉ có khó khăn, vất vả, mất niềm tin. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

(PNTĐ) - Suốt chiều dài văn hoá, đạo hiếu vẫn luôn được người dân Việt Nam xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có ý thức vun đắp và thường xuyên cho tròn chữ hiếu chính là nền tảng đạo đức để mỗi gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.