Nhìn đâu để sống?

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Giờ đây, Thùy thấy câu “nhìn con mà sống” sao mà khó khăn đến thế!

Vậy là Thùy đã đưa hai con dọn ra ngoài ở riêng được gần 1 tháng. Cô không dám thuê trọ ở quá xa nhà cũ, vì nếu thế sẽ không tiện đưa đón con đi học, bản thân đi làm. Mấy mẹ con cũng đã dần quen với nơi ở mới nhỏ hơn, thiếu điều kiện hơn một chút. Thùy nghĩ, hai con mình đều đã lớn, con gái thì 12 tuổi, con trai cũng 9 tuổi rồi, nên sẽ phần nào hiểu cho suy nghĩ và hành động của mẹ.

Thời điểm dọn ra ở riêng cũng là lúc Thùy nộp đơn ly hôn đơn phương ra tòa, muốn kết thúc cuộc hôn nhân gần 15 năm gần như không có chút gì gắn kết giữa hai vợ chồng. Có thể, nếu cứ rời rạc với nhau mãi thì cô vẫn cố để chung nhà với chồng được, để các con có mái ấm trọn vẹn. Nhưng chồng cô, dường như anh không bỏ được những thú vui để một lần nhìn lại tổ ấm của chính mình.

Nhìn đâu để sống? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng Thùy đều có thu nhập ổn định, độc lập về kinh tế. Ngay từ ngày còn yêu, họ đã thống nhất tiền ai nấy chi rồi. Kể cả những lúc hẹn hò, ăn uống, khi người này đã trả tiền thì lần sau, người kia sẽ tự động trả. Bạn bè Thùy thường đùa, hai vợ chồng cô rạch ròi như đối tác thương mại vậy. Vì suốt bao năm yêu họ độc lập kinh tế nhưng tình cảm vẫn khá tốt nên cả hai quyết định tiến tới hôn nhân.

Khi con cái lớn, đến tuổi đi học thì Thùy “phụ trách” chi đóng học cho con gái lớn cùng các khoản học thêm và sinh hoạt phí, còn chồng đóng tiền cho con trai út. Vì đã phân công rạch ròi như thế, và hai vợ chồng đều thực hiện nghĩa vụ rất đầy đủ, nên từ trong thâm tâm, Thùy cũng không quá để ý tới cuộc sống riêng của chồng. Vì thế, cuộc hôn nhân của họ mới bắt đầu nổi sóng.

Quân – chồng Thùy là một người khéo ăn khéo nói. Anh làm công việc tự do, nên nguồn thu lúc cao, lúc thấp. Cũng vì công việc không bó buộc, khách hàng, đối tác có thể ở khắp nơi nên Thùy khó nắm bắt được các mối quan hệ của chồng. Quảng giao và chơi với rất nhiều kiểu bạn, nên vài năm gần đây, khi công việc giúp anh có thu nhập rủng rỉnh, Quân bắt đầu ham mê cờ bạc.

Ban đầu là những lời mời mọc, rủ rê nhau chơi lô, đề, buôn chuyện phiếm trên các nhóm chat xem hôm nay đánh con gì, giấc mơ này, giấc mơ nọ thì ra con bao nhiêu để đánh… Dần dà, cái thói ấy ngấm dần vào máu. Quân ham chơi hơn, xuống tiền nhiều hơn cho những canh bạc may rủi. Vì không quản lý chi tiêu, tài chính của chồng nên khi biết chuyện, Thùy chỉ khuyên chồng, không nên chơi thân với những người bạn có thói xấu như thế. Nhưng đáp lại cô là sự sửng cồ vô lý của chồng, giống như kiểu anh bị tự ái, bị xúc phạm vậy: “Anh tự biết mình phải làm gì, không phiền em phải lo!”.

Thùy cũng chột dạ, sợ chồng giận nên không dám nói gì thêm, Nhưng đúng là gần mực thì đen. Sau một thời gian chơi bời ở ngoài thì Quân đã dẫn bạn cờ bạc về nhà mình chơi, nhân lúc Thùy đi làm giờ hành chính. Cô rất bực bội, tiếp tục khuyên chồng dừng lại thì Quân bỏ ngoài tai. Anh ta cho rằng đàn ông thì ai cũng sẽ chơi bời, không thể có người nào không hư được.

Nhìn đâu để sống? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và thế là anh ta vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí, Quân còn tự hào, vỗ ngực với bạn bè rằng, mình “hư” nhưng vẫn là một người cha có trách nhiệm. Đó là vẫn đóng tiền học cho con hàng tháng đầy đủ. Sự việc ngày càng khiến Thùy bức xúc là khi cô đi công tác thì chồng dẫn bạn về nhà chơi qua đêm. Sáng hôm sau, hai đứa con tỉnh giấc, hốt hoảng khi thấy một đám người đi từ phòng ngủ bố mẹ ra ngoài, dáng vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Nghe các con kể lại, Thùy phải cố giữ bình tĩnh để nhận ra rằng, chồng mình đang bê tha tới mức nào.

Cũng từ ngày sa chân vào vũng bùn cờ bạc, chồng Thùy sao nhãng dần trách nhiệm làm chồng, làm cha. Anh ta dù ở nhà hay đi làm về thì cũng không hề phụ vợ cơm nước. Thậm chí, có những ngày anh ta ở nhà cả ngày nhưng vẫn chờ 3 mẹ con Thùy đón nhau đi học thêm về. Lúc ấy đã là 7-8 giờ tối, Thùy mệt mỏi bước vào nhà và đáp lại cô là người chồng đang nằm khểnh ở sofa chờ vợ về nấu cơm.

Càng ngày Thùy càng nhận ra sự nguy hại đang dần cấu xé cuộc hôn nhân của mình. Cô muốn biết nguồn cơn gây ra hoàn cảnh này, rằng vì sao chồng cô – từ một người vốn rất đàng hoàng, khéo léo lại có thể lún sâu vào thứ đỏ đen tai hại kia. Nhưng khi ngồi xuống và nghĩ lại, trong đầu Thùy lại trống rỗng. Cô chẳng biết gì cả, cố nhớ lại cũng không có gì hiện ra. Tất cả là bởi, lâu nay cô và chồng độc lập, từ độc lập tài chính dẫn đến độc lập cả trong suy nghĩ. Có thể ở phía kia, chồng cô cũng không hề hiểu gì về cô. Như cái cách cô không biết một ngày của chồng diễn ra thế nào, anh đã gặp những người bạn không hề tử tế kia và bị lôi kéo ra sao…

Nhìn đâu để sống? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Lo sợ hôn nhân rơi vào ngõ cụt, hơn cả là những việc này sẽ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống của 2 đứa trẻ nên Thùy quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với chồng. Cô muốn cả hai cởi mở để tìm ra nguyên nhân thực sự. Nhưng đáp lại Thùy là thái độ lửng lơ của chồng. Quân có vẻ không muốn nhắc đến chuyện bài bạc, khi bị Thùy xoáy sâu thì anh ta quay qua đổ vấy cho vợ lắm điều, hay quản lý làm mất tự do. Còn nếu Thùy nhắc tới 2 đứa con, anh ta lại cho rằng vợ lấy con ra để dọa dẫm. “Đang yên đang lành, em đừng có phá cái nhà này ra”, Quân quát vào mặt vợ rồi bỏ đi, bỏ luôn cơm tối mà hai đứa con đang ngồi chờ bố mẹ.

Nhiều đêm suy nghĩ, Thùy quyết định đưa con dọn ra ở chỗ khác và nộp đơn ly hôn đơn phương. Trước khi nộp đơn, cô đã nhắn tin cho chồng, hỏi liệu anh ấy có thể bỏ những thú vui để cho con cái có 1 gia đình trọn vẹn không. Chẳng có câu trả lời nào cả. Quân rất có thể đang đắm đuối ở chiếu bạc nào rồi, trong những cơn sát phạt đầy mùi tiền.

Gần 1 tháng đã qua đi. Thùy vẫn đang sắp xếp các thủ tục để đơn phương ly hôn. Nhưng một vấn đề bất ngờ xảy ra, khi một thời gian dài không được gặp, hai đứa con của Thùy rất nhớ bố. Ban  đêm con gái thường ngủ quay mặt vào tường khóc, còn con trai thì cứ xin mẹ cho được về thăm bố. Thùy nghe mà xót lòng. Ánh mắt hai đứa con như muốn nhắc cô đừng ly hôn nữa. Nửa thương con, nửa thương mình, Thùy cứ chết trân giữa những dòng suy nghĩ mà không biết phải bước tiếp ra sao…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.