Những điều cần nhắc con khi đi chúc Tết
(PNTĐ) -Nhiều bố mẹ "than" rằng, khi đưa con đi chúc Tết, vì lứa tuổi nhỏ nên các con thường thích chạy nhảy, đùa nghịch, đôi khi khiến bố mẹ ngại ngùng với khách, hoặc xảy ra những sự cố không đáng có.
Để hạn chế những chuyện không hay xảy ra khi đi chúc Tết cùng các con, bố mẹ nên trao đổi với các con một số điều cần lưu ý khi đến chơi nhà người khác.
Chỉ cho con chúc Tết mọi người
Trong dịp Tết Nguyên đán, phải gặp gỡ làm quen nhiều người lớn tuổi, trẻ sẽ không tránh khỏi tâm lý nhút nhát, sợ người lạ. Cha mẹ khi ở nhà nên dặn dò và tập trước cho con việc chào hỏi. Và những người lớn cũng có thể chủ động chào trẻ trước, nhắc nhở mình là ai để trẻ làm quen dần.

Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Vì thế, cha mẹ hãy tranh thủ trước Tết Nguyên đán dạy con một số câu chúc Tết ý nghĩa. Chẳng hạn như với ông bà thì chúc "khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi", với người lớn thì chúc "sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt", với anh/chị thì chúc "hạnh phúc, may mắn, bình yên",… Những lời chúc ý nghĩa chắc chắn sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Để con có lời chúc hay, cha mẹ có thể tập cùng con trước Tết.
Bài học từ tiền lì xì
Cha mẹ cần dạy trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì Tết và một số kỹ năng ứng xử khi nhận phong bao lì xì từ mọi người. Giải thích với trẻ về nguồn gốc của bao lì xì là để chúc trẻ may mắn, mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe, không nên so đo chuyện "dày", chuyện "mỏng".
Để trẻ ứng xử có văn hóa, cư xử phải phép, vui và đẹp lòng khách khi được nhận tiền lì xì, các bậc cha mẹ, ông bà, những người lớn trong gia đình phải luôn chú trọng uốn nắn, hướng dẫn, dạy bảo trẻ từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Đôi khi, còn phải dạy trẻ biết cảm ơn khi nhận lì xì, những lời như “cảm ơn”, hay “cháu xin”, “con xin”...., cũng cần phải chỉ bảo cặn kẽ.
Lịch sự khi ăn uống
Trẻ thường hành động theo phản xạ tự nhiên, một khi đã ăn no, trẻ sẽ nhất quyết từ chối ở lại hoặc quậy phá trong bữa cơm. Cách giải quyết kịp thời nhất trong tình huống ngượng ngùng này chính là chủ động mang theo đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra, hàng ngày cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tuân thủ những quy tắc khi dùng bữa như: Không la hét, nghịch ngợm, không chạy nhảy trong nhà, không chạm vào các đồ dễ vỡ,… bởi sẽ gây ảnh hưởng đến người khác. Ngoài ra, biết giữ im lặng khi cha mẹ tiếp khách, không được phép tự ý sử dụng đồ của người khác khi chưa được phép hay nhường nhịn các bạn, các em khi chơi đồ chơi... cũng là một số điều cha mẹ nên lưu ý dặn dò con.

Tết là dịp mọi người du xuân, đến nhà thăm hỏi nhau. Đây là thời điểm trẻ học được nhiều điều mới lạ vì có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người. Tuy nhiên, để việc tiếp thu được hiệu quả nhất, thì quá trình giáo dục, chỉ dạy những điều này của cha mẹ phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và chân thành.