Những người đàn ông tuyệt vời trong gia đình tôi

Chia sẻ

Tôi không biết nếu có anh, em trai thì gia đình mình sẽ như thế nào. Chỉ biết, khi tôi được sinh ra và lớn lên cùng các chị em gái, chưa bao giờ bố đề cập hay so sánh gì về việc nhà tôi không có con trai. Bố tôi luôn nói, con nào bố cũng yêu. Và quả thật, chúng tôi đều được lớn lên trong sự yêu thương và chăm sóc của bố mẹ.

Bây giờ khi chúng tôi đều đã có gia đình riêng, nhiều người lại nói với bố mẹ tôi: “Cả làng, không ai sướng bằng ông bà vì có những chàng rể quý”. Tôi và các chị em của mình đều công nhận lời mọi người nói đúng thật.

Anh rể cả tôi là người làng, hát và đàn rất hay. Cuộc sống hôn nhân của anh chị trải qua nhiều gian nan, vất vả nhưng luôn hạnh phúc. Mỗi khi gặp khó khăn, anh luôn động viên chị tôi. Anh là người bình tĩnh và luôn tìm hướng giải quyết khó khăn. Có những lúc, gia đình gặp chuyện nọ, chuyện kia nhưng chưa một lần anh to tiếng với chị. Tôi ở xa, không có nhiều thời gian về quê, nhưng mỗi lần ghé chơi, vẫn thấy anh chị lúc thì cùng nhau nấu cơm, cùng nhau rửa bát, lúc thì anh hát, chị làm ô mai mận (món ô mai mà ngày xưa anh thích). Hạnh phúc của anh chị bình yên và ấm ấp.

“4 chàng rể quý” đã đem tới cho các chị em gái tôi một cuộc sống thật hạnh phúcẢnh: NVCC“4 chàng rể quý” đã đem tới cho các chị em gái tôi một cuộc sống thật hạnh phúc Ảnh: NVCC (Ảnh: NVCC)

Chàng rể thứ 2 của bố mẹ tôi cũng sống có trách nhiệm và rất nhiệt tình. Nhà ngoại có công việc gì anh đều lo lắng và xắn tay làm. Với anh, không có việc nào là của phụ nữ hay nam giới. Khi có cỗ, anh xuống nhà bố mẹ tôi từ sớm, anh vào bếp chuẩn bị món này, món kia rất chu đáo. Tôi còn nhớ, ngày học cấp 3 xa nhà, mỗi kỳ họp phụ huynh, anh đều là người đi họp thay cho bố mẹ tôi. Anh còn là người bố yêu thương, dạy dỗ các con cái chu đáo và cẩn thận. Lúc chị gái tôi vào viện sinh, khi nghe bác sĩ thông báo con chào đời, một tay anh cầm cặp lồng, một tay cầm giỏ quần áo sơ sinh, cuống quýt, mừng rỡ chạy vào phòng đón con. Anh nuôi dạy các con tính kỷ luật, trách nhiệm và ý thức trong mọi hành vi của mình. Cả nhà tôi đều yêu quý anh, không phải vì anh hay vào bếp, trông con mà thấy anh mất đi nam tính.

Em rể út - chồng của em gái tôi hiện làm chủ sản xuất một xưởng sản xuất chăn ga lớn. Nhưng, không vì thế mà em rể không tôn trọng vợ. Mọi quyết định lớn nhỏ trong công việc em rể đều bàn bạc với em gái tôi. Dù công việc có vất vả nhưng cả hai vợ chồng đều nỗ lực và cố gắng, cùng hợp sức với suy nghĩ “của chồng, công vợ”.

Chàng rể thứ 4 trong gia đình - tất nhiên chính là chồng tôi. Giống bố, tôi cũng sinh toàn con gái. Có người nói: “Thế thì phải đẻ tiếp chứ” hay là “Thế phải cố đẻ được con trai, không chồng nó bỏ”. Tôi chia sẻ lại với chồng tôi, anh phá lên cười, bảo: “Không bao giờ anh bỏ vợ con chỉ để kiếm con trai bên ngoài”. Nhiều khi tôi nói với anh: “Em tiếc không sinh được con trai cho anh chỉ vì mình không có cơ hội thực hành nuôi dạy một bé trai có tư tưởng tiến bộ, biết tôn trọng và quan tâm tới phụ nữ”.

Ngày tôi sinh, nghe bác sĩ thông báo phải mổ cấp cứu, anh nắm chặt tay tôi rồi nói: “Em cố gắng nhé, thở đều để con khoẻ nhé”. Tôi đi sinh đúng vào mùa dịch Covid-19, một mình anh chăm hai mẹ con trong viện gần cả tuần liền. Sinh mổ, cộng sức khoẻ yếu, sau khi ra viện về nhà, nửa tháng liền tôi không tự ngồi, không tự đi lại được, anh vừa chăm con lại vừa lo cho vợ. Có nhiều đêm, một tay anh bế con khóc, một tay dìu tôi đứng dậy. Sáng sớm, anh lại vội đi chợ cho cả nhà, rồi lại lao vào họp online với cơ quan. Nhìn vậy, tôi vừa thương, vừa ngại với anh vì mình không giúp được gì cho chồng. Nhiều lúc tôi trêu: “Lấy vợ khổ anh nhỉ, hết cả ngủ nướng, hết cả tự do”. Anh đáp: “Anh có được những người phụ nữ tuyệt vời trong cuộc đời, mấy việc cỏn con này thì nhằm nhò gì đâu”.

Công việc của anh ở cơ quan là nghiên cứu và làm dự án, chẳng bao giờ hết việc, chẳng bao giờ hết bận. Nhưng cứ mỗi chiều đi làm về, chỉ kịp rửa tay là anh bế con, rồi tối đến thì cùng con lớn đọc truyện. Bạn bè đến nhà chơi, bảo tôi “đào tạo” anh giỏi. Không đâu, chồng tôi vốn thế mà! Anh chính là bài học cho các con tôi về lòng tốt, về tính trách nhiệm và chia sẻ, sự chăm chỉ, và kiên trì! Và tôi biết, một trong những điều tuyệt vời nhất trên đời mà các con tôi có là được làm con gái của anh!

Những người đàn ông ở quanh tôi, như bố, các anh em rể và chồng tôi đã cho những người phụ nữ chúng tôi một môi trường sống an toàn, hạnh phúc và ấm áp bằng những việc làm bình dị như thế. Nhưng với chúng tôi, những điều giản dị ấy lại rất đáng trân trọng và có giá trị hơn tất cả mọi của cải, tiền bạc trên đời.

ThS Nguyễn Thị Kim Dung
Bộ môn Công tác xã hội, trường đại học Thăng Long

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.