Những người mẹ tảo tần ăn Tết muộn

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tết Quỹ Mão vừa qua, trong khi người người trở về nhà bên gia đình thì có những người mẹ chọn ở lại thành phố làm giúp việc gia đình với mong muốn kiếm thêm thu nhập để gửi tiền về quê cho các con. Dù nhận phần thiệt về mình nhưng những người mẹ ấy vẫn có những niềm vui rất… Tết!

Những người mẹ tảo tần ăn Tết muộn - ảnh 1
Chị Thủy đang làm giúp việc cho một gia đình mà chị đã gắn bó nhiều năm
Ảnh: NVCC

Chị An Thủy (45 tuổi, quê ở Bắc Giang) dự tính khi cuộc sống thường nhật trở lại, chị sẽ về quê đón Tết muộn với gia đình sau 10 ngày xuyên Tết ở lại thành phố làm công việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cơm Tết cho các gia đình. Nhưng ngay mùng 6 Tết, ngày đầu tiên mọi người trở lại sau kỳ nghỉ lễ chị lại có khách hàng muốn thuê chị dọn dẹp. Vậy là chị lại nhận lời làm để kiếm thêm tiền. “Tôi đã gắn bó với công việc làm giúp việc ngót nghét mười mấy năm rồi. Nếu chủ nhà có nhu cầu, kể cả trong Tết tôi vẫn ở lại làm việc”- chị Thủy nói. 

Nhờ làm việc khéo léo, sạch sẽ, nấu ăn ngon, biết làm các món cỗ nên nhà chủ liên tục giới thiệu gia đình bạn bè của mình đến chị. Vì thế, chị làm việc quanh năm không hết việc. 

Hỏi chị lý do vì sao không về nhà ăn Tết, chị bảo làm giúp việc trong Tết sẽ được nhận tiền lương cao gấp đôi, gấp ba. Các con vẫn trong độ tuổi ăn học, cần chu cấp, bố mẹ già ở quê hay đau yếu. Mấy năm qua dịch bệnh, chồng chị không kiếm được việc làm thường xuyên, đồng lương thất thường nên gánh nặng kinh tế có phần dồn lên vai chị nhiều hơn. Chỉ cần có thêm cơ hội kiếm tiền là chị sẽ cố gắng, những mong giúp cho gia đình bớt khó khăn.

“Các con tôi học trên thành phố, sợ mẹ buồn nên ráng ở lại đến 29 Tết, nhưng tôi bắt các con về quê sớm còn đỡ bố chuẩn bị Tết. Tôi vẫn đi làm để giúp gia chủ dọn nhà, chuẩn bị mâm cơm cúng đến gần 11 giờ đêm 30. Sau đó, tôi mới về tới nhà trọ, mang theo bánh chưng, cành đào và lì xì của chủ nhà, chuẩn bị đón Giao thừa. Ngày Tết, ở xa gia đình, có buồn, có tủi thân đấy, nhưng ngẫm lại, mình hy sinh một chút để các con được ấm no hơn thì lại vơi bớt được nỗi buồn. Thương mẹ, mấy ngày Tết vừa qua, không ngày nào ba bố con không gọi điện lên hỏi thăm mẹ”- chị Thủy tâm sự.

Còn với bà Đoàn Thị Dậu, ở cái tuổi gần 70 thì Tết là điều gì đó rất thiêng liêng, rất xúc động và thiết tha được đoàn tụ. Nhưng cũng vì con, vì cháu, bà chấp nhận một mình đón Tết ở Thủ đô cùng gia đình chủ thay vì về quê Ninh Bình. Hiện bà Dậu đang chăm con 1 tuổi cho một gia đình trẻ. Hai vợ chồng nhà chủ làm việc cho các công ty nước ngoài nên vẫn vừa phải làm việc, vừa đón Tết. Vì thế, bà Dậu vẫn bận bịu chăm cháu nhỏ cho cặp vợ chồng như những ngày chưa Tết. Bù lại, bà cũng được nhận thù lao xứng đáng. Gia chủ còn hứa ngoài lương tính theo ngày, sẽ thưởng thêm tiền cho bà. 

Sau Tết này, con gái bà Dậu sẽ sinh con, mà lại còn sinh đôi, trong khi hoàn cảnh vợ chồng con gái rất khó khăn. Cũng vì thế, bà đắn đo mãi có nên ở lại thành phố làm Tết hay không. Nhưng rồi bà nghĩ, mình chỉ cần cố gắng thêm một chút là sẽ có thêm tiền đỡ con gái, con rể được phần nào. “Nhiều đêm tôi rơi nước mắt vì thương con bầu bí nặng nề không có mẹ ở bên. Con rể tôi làm công nhân, năm vừa rồi lương thưởng đều sụt giảm. Có mẹ đỡ thêm dù thế nào vẫn hơn”- bà Dậu cho biết. Sau ngày mồng 10 tháng Giêng này, bà sẽ mang tiền về quê cho các con. Lúc đó, cả nhà bà sẽ đón Tết muộn cũng được. 

Chị Thu Trang, quê Nam Định, ngày thường làm phụ hồ ở thành phố với thù lao 300 nghìn đồng/ngày. Trong dịp Tết, nếu làm giúp việc từ 8h sáng đến 8h tối chị có thể kiếm được từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày. Nếu nhà có trẻ nhỏ hay người già cao tuổi mắc bệnh cần chăm sóc đặc biệt, chị có thể nhận được mức thù lao cao hơn, có thể lên tới 1,2 triệu-1,5 triệu đồng ngày. Ngoài ra, chị được chủ nhà mời cơm ăn ba bữa. Vì vậy, năm nào, chị cũng về quê đón Tết sớm bên gia đình từ ngày 25 Tết, sau đó ngày 29 Tết lại lên thành phố làm giúp việc. Hơn 10 ngày giúp việc trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, chị phấn khởi cho biết đã kiếm được 15 triệu đồng, bằng gần 2 lần mức lương tháng làm phụ hồ. Toàn bộ tiền chị đã nhờ gia chủ chuyển về cho chồng ở quê để nuôi các con.  

Còn với bà Đặng Thị Hoa (67 tuổi, quê Thanh Hóa), Tết này cũng ở lại nhà chủ không về. Bà đợi ra Tết sẽ về quê một thể để tổ chức đám cưới cho cậu con trai đã hơn 40 tuổi. Dù được làm mẹ chồng muộn màng, nhưng bà vẫn rất vui, với bà, thành quả ấy có một phần rất lớn từ sự hỗ trợ của nhà chủ.

Bà Hoa làm giúp việc gia đình, chăm sóc cho cụ bà hơn 90 tuổi trong một đại gia đình tại quận Thanh Xuân. Nhờ sự khéo léo, sạch sẽ lại nhanh nhẹn, quan trọng là có lòng quan tâm chân tình đến cụ bà, nên bà Hoa được cả nhà chủ yêu quý. Ngoài tiền lương, đều đặn tháng nào bà cũng được chủ nhà thưởng thêm. Ngày lễ, ngày Tết hay mỗi khi bà về quê, chủ nhà cũng tặng thêm quà, tiền đi đường. Chính tấm lòng của nhà chủ giúp bà có kinh tế ổn định để gom góp, sửa sang lại nhà cửa ở quê, giúp đỡ con trai ổn định cuộc sống và giờ là xây dựng gia đình. 

“Tôi ở lại Tết với nhà chủ là để tri ân họ, đã giúp gia đình tôi vượt qua nhiều khó khăn và tìm thấy hạnh phúc. Dù tôi không được ở quê, nhưng chỉ cần thấy các con được ấm no, với tôi khi đó là Tết”- bà Hoa xúc động.

Mỗi người mẹ là một nỗi lòng, nhưng tựu chung, đó đều là những trái tim hướng về con cái. Cả năm trời xa quê hương, xa gia đình, ngay cả dịp Tết cũng không có điều kiện về sum họp bên người thân, sẽ có lúc nhớ chồng, con quay quắt, nhưng những người mẹ ấy luôn tự nhủ, phải cố gắng vì nước mắt chảy xuôi, muôn đời vẫn thế!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.