Những người vợ cô đơn trong hôn nhân

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nếu hy sinh, vun vén cho hạnh phúc gia đình lâu nay được mặc định là thiên chức của người vợ, thì tại sao nhiều chị em vẫn than thở, không hề thấy hạnh phúc dù đã làm rất tròn vai thiên chức ấy?

Những người vợ cô đơn trong hôn nhân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Gồng mình với những bất ổn trong hôn nhân
Minh Hòa (31 tuổi, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) không nhớ bao nhiêu lần “lên dây cót” tinh thần cho mình như vậy nhưng rồi lại… thôi. 5 năm bước vào cuộc sống vợ chồng, cô vẫn luôn tự an ủi mình, chẳng tổ ấm nào êm xuôi mãi được, mình cứ cố gắng vun vén là sóng gió nào cũng qua đi, vợ chồng sẽ thêm hiểu nhau. Thế nhưng, cô cảm thấy chồng mình mãi chẳng chịu hiểu.

Từ lúc cưới nhau đến nay, Hòa chủ động dùng lương của mình để chi tiêu ăn uống, con cái và trả toàn bộ phí sinh hoạt. “Hình như chồng mình lại mặc định mình phải gánh vác điều đó, nên anh cũng không bỏ ra đồng nào, vì thế 5 năm nay mình không hề biết đồng tiền chồng làm ra tròn méo ra sao”- Hòa nói. Chồng không chủ động san sẻ trong sinh hoạt, nên Hòa phải tìm cách xoay xở cho cuộc sống gia đình. Luôn muốn các con được đủ đầy, cứ 7 giờ sáng là cô ra khỏi nhà, chạy xe 30km đến chỗ làm, ngoài ra Hòa còn làm thêm cho 2 công ty khác để cải thiện thu nhập. Hòa cho rằng, cũng chính vì cô cứ cố gắng hy sinh, vun vén nên chồng cô cũng… ỷ lại, không chịu cùng vợ “chung lưng đấu cật”.

“Hàng ngày, 8-9 giờ anh mới ngủ dậy, gặp ai ngồi lê la nói chuyện đến trưa, chiều ngủ tới 2-3 giờ mới đi làm. Không tự cố gắng thay đổi bản thân nên 3 năm khởi nghiệp, chồng mình “mang nợ về cho vợ”- Hòa nói trong đau khổ. Cô cũng đã nhiều lần góp ý, nhưng cứ vậy là vợ chồng lại cãi nhau. “Mình không hề tự cho là giỏi giang hơn chồng, chỉ mong 2 vợ chồng cùng nhau tạo nên kinh tế là quý lắm rồi. Cảm giác mà sáng mình lọ mọ dậy sớm đi làm còn chồng mình thì sáng ngủ đến trưa, chiều ngủ đến tối, khó chịu vô cùng”- sự dồn nén của cô đã đến mức giới hạn.

Nếu Hòa đang chịu áp lực với người chồng chây ỳ, lười biếng thì Trà My (33 tuổi, sống tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) lúc nào cũng lờ mờ trong đầu câu hỏi “hôn nhân không tình dục thì có hạnh phúc?”. 9 năm yêu và cưới, nhìn từ ngoài vào ai cũng nói cô sướng vì nhà chồng rất ổn về kinh tế. “Nhưng đời không như là mơ, chồng mình không hề có ham muốn với vợ, những lần gần gũi đều là do mình chủ động. Lắm lúc thấy mình thật rẻ rúng khi cứ phải mời chồng”. 
My tự cho mình có sức chịu đựng đáng nể khi từ hồi yêu anh đã “vô tình” như thế. “Mình cũng đã ngọt nhạt khuyên bảo là tình dục nó như sợi dây gắn kết, nó làm tăng tình cảm vợ chồng này kia, rồi bảo anh đi khám đi, có bệnh thì phải chữa... nhưng chồng toàn phớt lờ! Tới nỗi, khi mình cố tình kể chuyện có đồng nghiệp nam hay trêu ghẹo thì chồng cũng không ghen, không có thái độ gì sợ mất vợ luôn” - My cười khổ. 

Để có thể duy trì hôn nhân, người vợ này đã cố gắng nghĩ theo hướng tích cực: “Lắm lúc mình nghĩ, hay thôi biết đủ là hạnh phúc. Chồng mình tốt mà, không nhậu nhẹt, bù khú, không cờ bạc, trai gái, biết làm việc nhà, tuy không chủ động nhưng vợ muốn gì cũng chiều, thôi nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống mấy ai bằng mình. Cứ tự an ủi vậy thì buồn một lúc là hết, nhưng thật sự đâu thể duy trì mãi một cuộc hôn nhân mà toàn là mình phải chủ động mời gọi, còn nửa kia cứ lạnh lùng được? Còn không bằng cả người dưng”.

Nghĩ cho bản thân nâng giá trị người phụ nữ
Nhiều phụ nữ vẫn còn loay hoay trong vòng xoáy trách nhiệm, phụ thuộc, hy sinh. Họ chưa thể, hoặc chưa dám bước ra khỏi vòng xoáy đó, để thay đổi hôn nhân theo một hướng khác tốt hơn. Giống như Minh Hòa, cô không dám ly hôn vì sợ con khổ, con không được sống với đủ cả bố lẫn mẹ, hay chồng vẫn còn tính tốt. Chịu đựng mãi người chồng lười biếng, vô tâm, cô cũng đến lúc kiệt sức. Nói đúng hơn là họ không đành lòng.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, nhiều phụ nữ Việt đang đơn độc trong hôn nhân như thế. Yêu nhau và cưới nhau xuất phát bởi tình cảm, nhưng chẳng có cuộc hôn nhân nào bền vững khi chỉ có một người vun vén, còn người kia thì thây kệ. “Vợ chồng xét cho cùng hiểu để thương và thương nhiều hơn để hiểu. Muốn hiểu chồng, hiểu vợ thì phải thương họ, xót họ. Và muốn thương họ, xót họ thì phải đặt mình vào họ, thương chồng như thương mình, thương vợ như thương thân thì sẽ hiểu họ. Một bên thương để bên nọ hiểu, đi bằng 2 chân như thế mới đi xa hơn được”- nhà văn Hoàng Anh Tú khuyên. 
Đồng tình với quan điểm này, nữ nhà văn Trần Diệu Thúy, cây bút nổi tiếng với những tác phẩm về người phụ nữ trong gia đình cho rằng, “chỉ mình phụ nữ cố gắng vun vén, cố gắng sửa chữa thì cũng khó làm cho hạnh phúc gia đình vẹn tròn được. Nên mới có chuyện, những đôi vợ chồng ngày ăn cơm với nhau 2 bữa, ngủ chung giường từ tối đến sáng, nhưng đôi khi vẫn thấy xa cách, vẫn chẳng biết gì về nhau rồi bao nhiêu lạnh lùng cũng từ đó mà bắt đầu”.  

Để thay đổi sự vô tâm trong hôn nhân của một người là cả một quá trình. Đôi lúc, bao dung thôi là chưa đủ, mà cả hai cần phải thẳng thắn, chia sẻ mọi vấn đề với nhau. Chị Thúy có một mẹo để hạn chế sự “người xây, kẻ kệ” trong hôn nhân này, đó là duy trì việc dành 1 tiếng mỗi ngày cho nhau, để nhắc lại những chuyện đã xảy ra trong ngày, hay đơn giản là thời gian riêng tư để vợ chồng cùng xem một bộ phim, đi ăn đi uống một chút gì đó… “Nhưng cả hai đều phải có ý thức dành ra thời gian này cho nhau. Tôi muốn nói xa hơn đến việc lập kế hoạch trong hôn nhân - điều này rất quan trọng không chỉ giúp chúng ta kiểm soát được hôn nhân mà còn thể hiện giá trị của một người phụ nữ”- chị Thúy nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.