Những phụ nữ “đi đường trường một mình“

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vì nhiều lý do như ly hôn, chồng mất sớm hay chủ động sinh con mà không kết hôn... nhiều chị em đã trở thành những bà mẹ đơn thân. Xung quanh họ là biết bao tâm sự vui buồn, khi chống chếnh, cô đơn nhưng lúc lại rất kiên cường, độc lập. Họ là những phụ nữ “đi đường trường một mình”.

Những phụ nữ “đi đường trường một mình“ - ảnh 1
Mẹ đơn thân Nguyễn Thị Minh Nguyệt và con trai.

Niềm vui từ sự độc lập

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, hiện là mẹ đơn thân nuôi con trai đang học lớp 8. Chị tâm sự mình ly hôn khi mới 28 tuổi, có con trai mới lên 4 tuổi. Cuộc hôn nhân mới được 5 năm thì chấm dứt với sự quyết tâm của chị. “Lúc đó, mình chủ động quyết định sẽ dời đi, khi nhận ra tình yêu của hai vợ chồng không còn và chồng đã có người mới. Mình không bàn bạc với ai, không tâm sự với bạn bè, bố mẹ hai bên cũng chỉ biết khi nghe mình thông báo”- chị Nguyệt nhớ lại. 

Trước đó, chị Nguyệt mở cửa hàng kinh doanh trang sức tại nhà chồng. Sau khi trở thành mẹ đơn thân, hai mẹ con chuyển về một căn nhà nhỏ ở gần nhà ông bà ngoại. Chị Nguyệt tâm sự, ngay từ đầu, chị xác định sẽ ở riêng, tự lập cuộc sống và chỉ nhờ ông bà ngoại hỗ trợ thêm.

Cũng mất khoảng 1, 2 tháng đầu chị Nguyệt chống chếnh, nhưng cảm giác đó đã nhanh chóng qua đi. Công việc kinh doanh giúp chị có thu nhập ổn định ở mức khá để lo cho con trai đủ đầy như mọi đứa trẻ khác. Chị Nguyệt không còn bị một ai khác làm cho mình phải suy nghĩ, khổ sở. Chị có thể thoải mái yêu bản thân bằng việc làm đẹp, có niềm vui riêng, quần áo không nhiều nhưng gọn gàng phù hợp, tự do dành thời gian nấu nướng, cắm hoa, học thêm vài thứ mình thích như tiếng Anh và thỉnh thoảng đưa con đi du lịch hoặc đi cùng bạn bè. Thành quả lớn nhất của chị Nguyệt là được thấy con khôn lớn, ngoan ngoãn. Hai mẹ con luôn gắn bó, thân thiết với nhau.

Chị Yến cũng là một bà mẹ đơn thân vào năm 33 tuổi. Sau khi chị có bầu, bố đứa trẻ không chịu nhận con nên chị quyết tâm nuôi con một mình. Lúc đó, chị tự tin mình có đủ tình yêu thương, sự dũng cảm và hậu thuẫn của bố mẹ để cho con một gia đình tốt nhất. Thực tế đến nay, khi con gái đã bước vào lớp 6, chị Yến rất hài lòng khi năm đó đã không bỏ con đi. Phần chị, khi làm mẹ đơn thân đã trở nên từng trải và mạnh mẽ hơn. Có những lúc, chị Yến rơi vào tình cảnh thất nghiệp, vậy mà chỉ sau 1 tuần, chị đã có thể khám phá ra mình làm rất nhiều việc mới như đi bán hoa, làm phụ bếp, ship đồ với quyết tâm hai mẹ con không thể chết đói. 

Chị Yến cũng nhớ không biết bao lần vừa một tay trông con ốm sốt, một tay lên đơn ship hàng. Thậm chí, có những hôm chị thức trắng với con mà vẫn không nhầm lẫn một chút nào, vì sợ nhầm đơn là sẽ phải đền tiền. Là mẹ đơn thân chị còn có một niềm vui nữa là có thể tự định hướng cho mình và cho con mà không phải lo bị ai cản trở, càm ràm. Như hồi con lên 3 tuổi, chị phát hiện ra con có biểu hiện chậm nói, chị quyết định “thuê giáo viên về can thiệp cho con”. Nhờ thế mà con lại phát triển tốt lên, đến 5 tuổi thì bình thường hoàn toàn. 
Không có đáp án chung cho mọi người
Những năm đầu, hành trình làm mẹ đơn thân của chị Yến diễn ra khá suôn sẻ, nhất là khi mọi người không còn bận tâm tới hoàn cảnh của hai mẹ con chị nữa; nhưng từ khi con vào cấp 1, chị bắt đầu phải đối mặt với câu hỏi của con “Bố là ai” và “Tại sao con lại không có bố”. Chị đã phải nói gần nói xa cho con hiểu, nhưng những câu trả lời chung chung kiểu như: “Bố chỉ giúp mẹ có con thôi chứ bố đã có cuộc sống mới”, “Bố và mẹ không hợp nhau nên không ở với nhau”, “Một ngày nào đó con sẽ được gặp bố” đều không khiến con chị thỏa mãn. Song, vì không muốn làm mẹ buồn nhiều nên con chị không tiếp tục “truy vấn” thêm nữa.

Chị Yến cho biết: Mẹ đơn thân được ví như những người “đi đường trường một mình”. Họ sẽ phải tự tìm đường, tự mình giải quyết những vấn đề gặp phải trên đường. Đó có thể là cảm giác được tự tại, tự chủ nhưng cũng có thể phải đối mặt với nguy hiểm, khó khăn mà không có bạn đường ở bên để chia sẻ, nương tựa, tìm kiếm lời khuyên hay sự giúp đỡ. Đôi khi đó là sự tự hào khi mình dám sống với mong muốn của bản thân, nhưng cũng có cả sự hoang mang, tự hỏi không biết mình vừa làm mẹ, vừa làm bố như vậy có công bằng cho con không? 

Chị Nguyệt thì thẳng thắn chia sẻ, làm mẹ đơn thân, người phụ nữ có sự tự chủ riêng, được sắp xếp mọi thứ, được nuôi dạy con theo cách mà mình cho là đúng. Nhưng ngược lại, chắc chắn sẽ vất vả hơn, phải lo toan mọi việc từ nhỏ đến lớn. Và đặc biệt, chị Nguyệt thấy dù mình có chăm con đến mức nào thì cũng không thể thay thế được vai trò và sự giáo dục, gần gũi của người bố với con, nhất là lúc con trai chị bước vào giai đoạn dạy thì. “Con trai mình dường như vẫn hơi có chút gì đó yếu đuối, tự ti vì... là con của mẹ đơn thân”. 

Và chị Nguyệt thấy rằng, sự kỳ thị của cộng đồng với mẹ đơn thân vẫn còn nhiều. Đó là khi chị nhận phải cái nhìn ái ngại vì “trẻ vậy mà đã ly hôn”, “trông vậy mà là mẹ đơn thân” và có thể còn kèm theo đó là sự nghi ngờ liệu mẹ đơn thân có thể sống tốt không? Bản thân chị Nguyệt cũng đã từng nghĩ ly hôn, lại nuôi con riêng, nếu muốn tìm hạnh phúc mới thì chỉ nên đến với những người cùng hoàn cảnh chứ đừng “với cao”. Hoặc mẹ đơn thân có lẽ khó có cơ hội để “yêu lại từ đầu”... cho tới khi chị tìm được một tình yêu mới với một chàng trai chưa vợ thì mới phát hiện chính mình còn tự ti thì sao có thể bắt mọi người tự tin với mình được.

Vì vậy, một khi đã chấp nhận làm mẹ đơn thân, chị Nguyệt đưa ra lời khuyên là người phụ nữ đó trước tiên phải độc lập về tài chính, có thể tự kiếm tiền nuôi mình và nuôi con. Thứ hai, mẹ đơn thân cũng phải độc lập về suy nghĩ vì có thể phải đối diện với dư luận nên cần vượt lên, chứng tỏ mình. 

Chị Nguyệt cũng cho rằng, những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có đủ bố và mẹ sẽ có điều kiện phát triển toàn diện. Tuy nhiên, khi số phận đã trao cho cô làm mẹ đơn thân, thì cô sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhất vai trò đó của mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

(PNTĐ) - Suốt chiều dài văn hoá, đạo hiếu vẫn luôn được người dân Việt Nam xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có ý thức vun đắp và thường xuyên cho tròn chữ hiếu chính là nền tảng đạo đức để mỗi gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.