Phụ nữ ly hôn – Đóng chặt cánh cửa hạnh phúc vì định kiến xã hội
Phụ nữ giỏi giang thành đạt đến đâu mà ly hôn thì cũng là người thất bại trong cuộc sống, phụ nữ ly hôn không có nhiều "giá trị" để hướng đến hôn nhân hoàn hảo hơn... Định kiến sai lầm này đang khiến cánh cửa hạnh phúc khép lại với một bộ phận phụ nữ ly hôn.
Phụ nữ ly hôn là thất bại trong cuộc sống
Mẹ tôi, một phụ nữ "dám ly hôn" ở tuổi 38 và bị định kiến xã hội đóng chặt cánh cửa hạnh phúc hết cuộc đời là một minh chứng. Năm tôi 9 tuổi, mẹ quyết định ly hôn. Tôi còn nhớ, đó là những ngày tháng "cuồng phong" ập xuống đầu mẹ tôi. Bố tôi, một người đàn ông nghiện rượu, cuồng ghen đã biến vợ thành nạn nhân bị bạo lực gia đình trong một thời gian dài. Ban đầu, mẹ tôi cam chịu vì anh em tôi còn nhỏ, nhưng rồi mức độ bạo lực của cha tôi ngày càng kinh khủng khiến cuộc sống của mấy mẹ con tôi rơi vào địa ngục. Mỗi khi say rượu, cuồng ghen, cha tôi không chỉ đánh vợ mà còn trút giận lên con cái. Con giun xéo mãi cũng quằn, mẹ tôi chọn ly hôn để giải thoát cuộc sống bất hạnh ấy.
Thế nhưng, việc mẹ tôi ly hôn lại trở thành vấn đề lớn với hai bên nội ngoại. Họ đều cho rằng bố mẹ tôi ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự gia đình. Nhà nội quy kết mẹ tôi sống vì bản thân không nghĩ cho con cái, gia đình. Một người phụ nữ ly hôn là phá vỡ tổ ấm của con cái. Đó là một “tội lớn”. Ông bà ngoại bảo mẹ tôi ly hôn là bất hiếu với họ, khiến họ nhục nhã, xấu hổ với xã hội. Ông bà bảo phụ nữ đã kết hôn dù hôn nhân hạnh phúc hay đau khổ thì vẫn phải chấp nhận hết, không được ly hôn.
Khi mẹ tôi kiên quyết ly hôn, ông bà ngoại không cho về bên nhà, bắt ra ngoài thuê nhà ở, còn nhà nội “loan tin” con dâu có tình ý bên ngoài nên mới về bỏ chồng. Cứ thế, mẹ tôi trở thành một người xấu xa khi ly hôn. Sau ly hôn, công việc của mẹ tôi bị ảnh hưởng khi bị đồng nghiệp coi thường, lãnh đạo không cất nhắc đề bạt trong công việc. Những định kiến đó khiến mẹ tôi sống mặc cảm, tự ti, đóng chặt lòng mình và trở thành một người thất bại trong cuộc sống. Cũng chính nhận thức sai lầm về ly hôn của xã hội mà chúng tôi trở thành nạn nhân gián tiếp. Nhiều người khi biết anh em tôi lớn lên trong gia đình bố mẹ ly hôn đã không cho con cái chơi cùng vì sợ ảnh hưởng. Đến tuổi trưởng thành, việc lấy vợ, lấy chồng của chúng tôi cũng gặp khó khăn bởi định kiến với vấn đề ly hôn của cha mẹ.
Vì thế, tôi hoàn toàn thông cảm với người vợ 22 năm "nhốt" đời mình trong cuộc hôn nhân bất hạnh nhưng không dám ly hôn trong câu chuyện báo Phụ nữ Thủ đô đề cập ở số báo 38 (ngày 22/9/2021). Bởi đó là câu chuyện phổ biến trong xã hội lâu nay. Sở dĩ có sự "phổ biến" ấy là do định kiến của xã hội về ly hôn. Thậm chí, định kiến ấy còn giống như một "quy chuẩn" của xã hội trước đây, nó làm cho người phụ nữ không dám nghĩ đến chuyện ly hôn dù hôn nhân bất hạnh. Bởi nếu họ làm điều đó, cuộc sống khi hạnh phúc đổ vỡ sẽ bị bủa vây bởi vô vàn khó khăn từ chính những định kiến sai lầm. Thậm chí, người phụ nữ ly hôn giống như một "tội đồ" trong gia đình và con cái.
Nguyễn Thu Nguyệt
(Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội)
Định kiến nặng nề về ly hôn khiến nhiều phụ nữ sống cam chịu bên những người chồng bạo lực (Ảnh: Minh họa)
Bất bình đẳng giới trong ly hôn khiến hạnh phúc đóng lại với phụ nữ
Có một thực tế đang tồn tại khiến phụ nữ chịu thiệt thòi lớn khi hôn nhân đổ vỡ. Đó chính là tình trạng bất bình đẳng giới trong ly hôn. Khi hôn nhân thất bại, xã hội bao dung với đàn ông nhưng lại rất khắt khe với phụ nữ theo xu hướng: Đàn ông có “quyền” bỏ vợ, còn phụ nữ thì không “được phép” bỏ chồng. Sau ly hôn, đàn ông vẫn còn “có giá”, còn phụ nữ thì “mất giá” cả đời. Hôn nhân đổ vỡ, đàn ông vẫn có quyền lựa chọn hạnh phúc theo ý mình, còn phụ nữ rơi vào tình cảnh “vơ bèo gạt tép”. Đây chính là nguyên nhân khiến hạnh phúc hôn nhân đóng lại với phụ nữ sau ly hôn.
Tôi đã chiêm nghiệm thực tế ấy từ chính hoàn cảnh của mình. Cuộc hôn nhân 10 năm của tôi không hạnh phúc khi chồng ngoại tình. Tôi không chấp nhận cảnh “chồng chung” vì biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, và ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài cho con cái. Lựa chọn ly hôn để thoát khỏi cuộc hôn nhân bế tắc, nhưng tôi lại không được người thân ủng hộ. Bố mẹ đẻ khuyên tôi nên sống cam chịu, không “được phép” bỏ chồng. Ngoại tình là lỗi của chồng nhưng nhiều người lại quay sang đổ lỗi cho tôi, cho rằng tôi là người không ra gì nên chồng mới tìm đến với người phụ nữ khác.
Ly hôn được mấy tháng, chồng tôi tái hôn với một người phụ nữ còn “son”. Ai cũng bảo, đàn ông bỏ vợ này thì sẽ lấy được vợ khác hoàn hảo hơn. Phụ nữ thì khác, ly hôn là “mất giá”, sẽ không được lựa chọn hạnh phúc theo ý mình. Có lẽ vì định kiến này mà những người phụ nữ ly hôn đành chấp nhận sống đơn thân cả đời, hoặc cam chịu trong cuộc hôn nhân “chắp vá” được chăng hay chớ. Sau 2 năm ly hôn, tôi được một số người đàn ông ngỏ lời tái hôn, nhưng, hoàn cảnh của họ rất tồi tệ cả về nhân thân lẫn khả năng kinh tế, công việc. Hình như mọi người đang mặc định phụ nữ sau ly hôn dù có tốt thì cũng chỉ “xứng đáng” làm vợ của những người đàn ông kém cỏi, họ không có quyền sánh đôi với những người đàn ông hoàn hảo hơn chồng cũ.
Tôi đã chọn sống đơn thân nuôi con vì không muốn tiếp tục gắn bó đời mình với những người đàn ông kém cỏi, tồi tệ. Bởi tôi biết rõ, bước vào cuộc hôn nhân “vơ bèo vạt tép” đó sẽ không bao giờ hạnh phúc, ngược lại sẽ thêm nặng trong cuộc sống. Dù không muốn nhưng những phụ nữ đổ vỡ hôn nhân như tôi đã phải đóng cánh cửa hạnh phúc hôn nhân chỉ vì những bất bình đẳng giới trong vấn đề ly hôn.
Trần Minh Tuyết (Hà Đông, Hà Nội)
Kính mời bạn đọc viết bài tham gia thảo luận về vấn đề này. Những ý kiến thảo luận được đăng tải trên ấn phẩm báo Phụ nữ Thủ đô sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định hiện hành của tòa soạn. Bài thảo luận gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com