Phụ nữ và tổ chức Hội có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa gia đình Thủ đô

Bài và ảnh HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phụ nữ và Hội Phụ nữ có vai trò quan trọng trong duy trì và xây dựng văn hoá gia đình Thủ đô thời kỳ mới, gắn kết các thành viên, tiếp thu và sáng tạo các giá trị văn hóa mới trong gia đình; nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Phụ nữ và tổ chức Hội có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa gia đình Thủ đô - ảnh 1
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo

Giá trị gia đình có sự biến đổi theo hướng hiện đại
Tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng và những yếu tố tác động đến vai trò của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ trong giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới” do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức ngày 1/7, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong tháng 3-4/2022, Hội LHPN TP Hà Nội đã thực hiện điều tra, khảo sát thực trạng, vai trò của phụ nữ và Hội LHPN trong giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới” ở 8 phường/xã là: Phường Hàng Đào, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), Khương Đình, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), xã Đan Phượng, Kim Chung (huyện Đan Phượng), Tân Hội, Vân Hà (huyện Đông Anh). Kết quả khảo sát trên 880 phụ nữ và cán bộ Hội cho thấy, có 12,1% phụ nữ chung sống trong gia đình một thế hệ, 46,2% chung sống trong gia đình hai thế hệ và 40,9% sống trong gia đình ba thế hệ trở lên.
Đa số phụ nữ có xu hướng lựa chọn các giá trị hiện đại và tiện ích phù hợp với điều kiện sống, khác với quan niệm của thời kỳ trước “ăn chắc, mặc bền”. Về quan hệ vợ chồng, 91,3% phụ nữ được khảo sát có xu hướng lựa chọn giá trị “Vợ chồng tạo điều kiện cho nhau trong phát triển công việc”; 91,9% phụ nữ hướng đến giá trị “Vợ chồng không có hành vi bạo lực”; 91,3% phụ nữ cho rằng trong hôn nhân, vợ chồng cần luôn luôn chung thủy. Ở khía cạnh bình đẳng, phụ nữ có xu hướng “Vợ chồng cùng thảo luận và quyết định các công việc trong gia đình”, với 91,5%. Đặc biệt, ở nhóm phụ nữ sinh sống tại thành thị tỷ lệ này chiếm đến 98,3%... Mô hình gia đình hạt nhân càng ngày càng được các gia đình lựa chọn, với 62% trong khi đó, mô hình sống chung 3-4 thế hệ chỉ có 38% người lựa chọn. 
Đối với các cán bộ Hội, khi được phỏng vấn đều cho rằng, bên cạnh các giá trị truyền thống, các giá trị thể hiện sự tiến bộ như vợ chồng bình đẳng, không bạo lực được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, phụ nữ Thủ đô hiện nay còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về thu nhập (60,2%), tiếp đến là thiếu thời gian quan tâm, chăm sóc và xây dựng gia đình (48,3%). Các cán bộ Hội cho rằng, các kiến thức kỹ năng cần trang bị thêm cho phụ nữ là: Về kiến thức lao động sản xuất, kinh doanh (49,8%), bình đẳng giới (46,8%), phòng ngừa bạo lực gia đình (44,8%), kỹ năng phát triển kinh tế gia đình (65,2%), ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, xã hội (63,2%), quản lý thu chi trong gia đình hợp lý, có kế hoạch (43,3%)…

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc
Bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn coi trọng việc tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Nhận thức tầm quan trọng của công tác gia đình, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 49-CT/TƯ trong các cấp Hội Phụ nữ Thành phố, đồng thời cụ thể hóa triển khai các Chương trình, kế hoạch, Đề án, các cuộc vận động để làm tốt công tác gia đình theo tinh thần Chỉ thị 49-CT/TƯ; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền Chỉ thị gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ; Đề án 279/CP về “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách có liên quan đến gia đình; các văn bản của Thành ủy, UBND Thành phố về công tác gia đình. Nhờ đó, số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình văn minh hạnh phúc và gia đình 5 không 3 sạch tăng. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ trong gia đình ngày càng được chú trọng. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình đạt được hiệu quả tốt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ nâng cao vị thế, vai trò trong gia đình và xã hội. Các cấp Hội Phụ nữ Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng các mô hình hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Thuần, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm cho biết, trước các yếu tố tác động của xã hội hiện đại, Hội phải thay đổi về hình thức, cách thức hoạt động, nội dung nhiệm vụ cho phù hợp, nhất là trong công tác hỗ trợ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc như: Giáo dục kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục tiền hôn nhân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình, văn hóa ứng xử mẹ chồng, nàng dâu trong các gia đình trẻ; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em; nâng cao chất lượng tuyên truyền ở cơ sở như tổ chức các diễn đàn trẻ em hàng năm để lắng nghe trẻ em nói, các hội thi “Gia đình văn minh hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc yêu thương”, hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT… để thu hút được cả nam giới, các thế hệ trong gia đình tham gia tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. 
Khẳng định về vai trò của phụ nữ Thủ đô trong gìn giữ giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới, Ths Lê Thị Hồng Hải, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đề xuất, cần trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho phụ nữ để họ có đủ tri thức và kỹ năng thực hiện vai trò của mình. Bên cạnh đó, cần truyền thông và thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của nam giới vào các công việc gia đình, đồng hành cùng phụ nữ trong việc phát huy các giá trị gia đình truyền thống và vun đắp các giá trị phù hợp với tiêu chí gia đình thủ đô thời kỳ mới. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, triển khai các dịch vụ xã hội cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của gia đình cần đẩy mạnh. Nhờ đó phụ nữ sẽ có nhiều thời gian hơn cho giáo dục con cái, tổ chức các hoạt động để thúc đẩy sự gắn kết, bình đẳng trong các mối quan hệ gia đình…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...