Quà quê của bố mẹ

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có những đứa con xa nhà đi học đại học, thậm chí đã đi lấy chồng, lấy vợ rồi nhưng vẫn được bố mẹ ở quê hàng tuần gửi đồ lên cho, mùa nào thức nấy. Mỗi lần mở thùng đồ bố mẹ gửi, là thấy ở đó cả một bầu trời yêu thương...

Quà quê của bố mẹ - ảnh 1
Chị Huệ bên những món quà quê chan chứa yêu thương bố mẹ gửi.

Lúc nào cũng yên tâm vì có bố mẹ ở bên

Chị Lê Thị Mai Huệ, sinh năm 1991, quê ở Mỹ Lộc, Nam Định. Từ năm 2009, Huệ đã bắt đầu xa nhà để lên Hà Nội học Đại học Sư phạm. Sau đó, chị lấy chồng và cũng ở lại thành phố.

Chị Huệ chỉ xa bố mẹ về mặt địa lý chứ bố mẹ thì lúc nào cũng dõi theo con gái. Bố mẹ chị vẫn giữ thói quen chăm sóc, lo lắng cho các con từng bữa ăn giấc ngủ bằng việc gần như mỗi tuần lại đều đặn gửi xe khách lên cho con gái từng thùng rau cỏ, hoa trái nhà trồng được. Đến nỗi, chị Huệ còn nổi tiếng khắp xóm trọ vì có bố mẹ quá tận tâm. Bây giờ, chị đã là mẹ của 3 con gái, cũng gọi là có chút trưởng thành, độc lập. Vậy mà, đồ quê bố mẹ gửi lên lại còn nhiều hơn theo số miệng ăn của con cháu.

Chị Huệ xúc động kể: Nhà mình ở quê rộng lắm, có một mảnh vườn to, có cả ao. Vườn thì mẹ trồng đủ loại rau mùa nào thức đó, mẹ còn làm giàn kiên cố bằng sắt thép để trồng cây dây leo như bầu bí, su su, mướp... Dưới ao, bố thả các loại cá, nuôi vịt. Ngoài ra còn có lợn, gà... và hơn sào ruộng mẹ cấy thì cho gạo sạch. Nhà Huệ không buôn bán gì mà bố mẹ cố gắng tăng gia sản xuất để gửi lên cho con cháu trên thành phố. 

Không biết đã bao nhiêu lần ra bến xe nhận đồ quê bố mẹ gửi, nhưng lần nào mở quà ra, chị Huệ cũng rưng rưng. Trong những chiếc thùng, bố mẹ chị gửi đủ hết từ rau, củ quả đến cả những món rất nhỏ như quả chanh, quất, rau gia vị, hành lá, củ giềng, gừng, thậm chí đồ còn theo cả combo như lá chanh ông bà chuẩn bị để con ăn với thịt gà nhà, thì là, cà chua... nấu kèm với cá... Nếu có sản phẩm nào trong nhà chưa tới vụ thu hoạch hoặc thu hoạch chưa đủ nhiều, thì bà lại tranh thủ sang nhà hàng xóm mua thêm trăm quả trứng, mấy con gà sạch để “tiếp tế” thêm cho con.

Hiện nay, chị Huệ và các em trai, gái ở Hà Nội đều được bố mẹ quan tâm. Huệ chia sẻ, ở thành phố cuộc sống có nhiều lo toan vất vả nhưng cô thấy rất vững dạ vì biết sau mình luôn có bố mẹ yêu thương. Các con của chị cũng cảm nhận được tình cảm của ông bà qua những món quà quê. Bọn trẻ còn tự hào khoe: “Rau của ông bà trồng là ngon nhất trên đời”.
Gia tài yêu thương của bố 
Chị Hồng Ngọc, nhân viên văn phòng, quê Nam Định cũng thường tự hào nói vui mình là “đại địa chủ” vì có riêng một tập đoàn phục vụ từ trang trại tới bàn ăn rất chuyên nghiệp. Ấy là cứ 1 tuần đến 10 ngày, chẳng cần các con gọi về, bố mẹ Ngọc ở Thái Bình lại lụi cụi đóng bao tải đồ quê gửi xe khách lên cho con. Anh lái xe khách cũng đã quen việc tới mức tự khắc chở đồ tới tận nhà, xếp ngay ngắn ngoài cửa. Và thế là một chiều đi làm về, Ngọc sẽ có cả loạt đồ sạch ăn trong suốt tuần. Dịp nào vào vụ, trong nhà Ngọc có tới một tải bưởi, nửa tải bí đỏ, cả túi to khoai tây, chục quả bầu, bí...

Ngọc nhớ một lần bố lên chơi, giúp con gái nấu cơm nhưng nhà hết hành lá. Người bán hàng bán cho 5.000 hành, bố Ngọc cứ xuýt xoa ở quê hành thì nhiều mà các con lại phải tốn tiền mua. Từ đó, bố mẹ Ngọc càng tăng tốc gửi đồ như một cách giúp con gái tiết kiệm tiền.

Vì bố mẹ đối đãi tốt như vậy nên chồng Ngọc cũng rất quấn quýt nhà vợ. Thậm chí, anh có phần nghĩ chu đáo cho bố mẹ vợ nhiều hơn cả Ngọc. Đi đâu công tác, anh đều để ý mua bổ dưỡng cho ông ngoại ngâm rượu, hay là nhắc Ngọc mua cho bà cái áo, đôi dép mới. Cứ độ một tháng, anh lại giục Ngọc đưa các con về chơi với ông bà cho ông bà đỡ buồn. Mỗi lần về là vợ chồng xúm tay vào giúp ông bà làm vườn, dựng lại cái giàn bị nghiêng. Năm ngoái, hai vợ chồng còn đầu tư lắp hệ thống tưới cây tự động để giảm bớt công sức cho ông bà.

Đón các con về chơi, ông bà vui lắm nhưng mà lại có thêm việc. Ấy là bố mẹ bắt đầu tìm kiếm, gom góp hết trong nhà xem có gì để tranh thủ gửi hết lên cho con. Vì gửi xe khách thì bố mẹ còn hạn chế chứ gửi theo xe nhà thì... thoải mái. Mẹ ra vườn cắt hết đồ nọ thức kia, bố hỏi ăn thịt gà hay cá để bắt làm thịt sẵn. Hôm nào xe chở được hết các thứ là mặt bố mẹ giãn nở mãn nguyện; còn không thì mẹ cứ tần ngần, tiếc rẻ là sao các con không cố cầm lên trên đó đi.

“Mình hy vọng sau này, các con nhìn vào cách ông bà yêu thương bố mẹ, bố mẹ có hiếu với ông bà mà noi theo”, chồng Ngọc nói.

Nghĩ vậy nên vợ chồng Ngọc lại càng biết ơn bố mẹ hơn. Chỉ là chút rau thơm, cọng hành... thôi mà sao lại khiến các con nghẹn ngào khi nhận.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.
Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.