Quên dạy con học cách làm chồng

Chia sẻ

“Bố mẹ đã quên dạy con trai học cách làm chồng nên hôn nhân của chúng con mới đổ vỡ” - câu nói của con dâu khi quyết định ly hôn khiến ông bà trăn trở lẫn hối hận.

Quên dạy con học cách làm chồng - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Làm dâu và sống cạnh mẹ chồng mang nặng tư tưởng và quan niệm chồng lo việc lớn ngoài xã hội, vợ lo việc gia đình, bà bị ảnh hưởng nhiều. Sinh được hai đứa, một trai, một gái, từ nhỏ đến lớn, ông bà dạy con theo quan niệm "gái lo việc nhà, trai lo việc nước". Ông là cán bộ nhà nước mẫn cán nên luôn bận việc cơ quan. Thời gian dành cho gia đình rất ít, mọi việc ở nhà đều do bà quán xuyến hết. Việc nhà, việc chăm sóc con cái, một tay bà lo từ đầu đến cuối.

Chồng bà đi làm bên ngoài mải miết với công việc, khi trở về nhà là ông nghỉ ngơi đúng nghĩa. Vì vậy, ông có thể ngồi điềm đạm đọc báo chờ cơm vợ dọn sẵn lên ăn, bất kể dưới bếp bà vừa nấu cơm vừa tranh thủ tắm cho con. Mỗi ngày, bà dậy từ sáng sớm, quần quật lo hai đứa con ăn uống, đèo chúng đến trường, chiều về lại tất cả đến trường đón chúng, tạt vào chợ. Về đến nhà, quần áo chẳng kịp thay cứ thế lao vào cuộc chiến bếp núc, dọn rửa, mệt mỏi chẳng dám kêu vì mặc định đó là việc của mình. Ngày nghỉ, ông thoải mái hẹn hò bạn bè thư giãn uống trà, cà phê, đi câu, đánh bóng bàn, mặc kệ vợ vật lộn với con cái và dọn dẹp nhà cửa, về bên nội, bên ngoại thăm người này ốm, người kia đau.

Hai đứa con đến tuổi lớn, con gái luôn được mẹ gọi vào bếp, nấu nướng dọn dẹp, còn con trai được ngồi đánh cờ với bố, xem bóng đá. Đến bữa, con trai xuống bếp hỏi mẹ, hỏi chị, cơm nước đã sẵn sàng chưa để mời bố vào ăn. Những ngày chị gái bận, mẹ mệt, con trai chạy ù ra đầu ngõ mua đồ ăn sẵn về ăn cho xong bữa. Ăn xong, bát đĩa bày khô trong chậu từ sáng đến tối, nó cũng chẳng buồn mó tay vào rửa. Nó xem đó là việc của mẹ, của chị. Chồng bà cũng xem đó là việc của phụ nữ nên cũng chẳng bao giờ răn dạy con trai đỡ đần mẹ.
Các con lớn dần, đến ngày dựng vợ gả chồng. Bà yên tâm khi con gái xuất giá bởi đã dạy con kỹ về trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Lấy chồng rồi sinh con, câu chuyện nó kể khi về thăm bố mẹ luôn xoay quanh việc "hầu chồng hầu con". Ông bà còn khuyên con nín nhịn, cố gắng hơn nữa trong việc phục vụ chồng con, hầu hạ nhà chồng để giữ hạnh phúc gia đình. Vì thế, những bức bối con gái mang về để "xả stress" với bố mẹ lại bị vo tròn lại, ấn chặt xuống sâu hơn thay vì thoát ra.

Khi con trai lấy vợ, bà nghĩ con dâu cũng sẽ giống mình, làm tốt việc "hầu chồng hầu con". Nào ngờ, nó thuộc thế hệ nêu cao quyền bình đẳng, nên đòi hỏi chồng chia sẻ việc nhà. Nhiều lần, bà "nóng mặt" khi con dâu cãi vã với chồng bảo rằng nó làm vợ chứ không phải làm "osin". Nó cũng cần được nghỉ ngơi, được hỗ trợ trong việc nhà sau khi đã vất vả làm việc kiếm tiền giống như chồng. Những lúc đó, con trai bà cao giọng bảo việc nhà, việc bếp, việc dọn dẹp chăm con là của phụ nữ, rằng vợ nó hãy học mẹ chồng, bà làm được thì hà cớ gì con dâu không làm được. Bà dỗ dành, xoa dịu con dâu bằng việc hỗ trợ nó việc nhà. Nhưng con dâu không đồng ý với cách giải quyết vấn đề của bà, vẫn đòi hỏi sự chia sẻ của chồng. Vợ chồng chúng cãi vã nhau nhiều hơn, con trai bà lên giọng thách thức vợ chấp nhận thì sống với nhau, nếu không thì ly hôn. Ông thấy con dâu đòi nữ quyền thái quá, lên tiếng bênh vực con trai, chỉ trích con dâu nặng nề.

Một ngày, con dâu bà thông báo quyết định ly hôn, nó không chấp nhận sống bên người chồng gia trưởng, xem vợ như "osin". Nó cũng trách ông bà "quên dạy" con trai làm chồng nên mới dẫn đến cơ sự này. Ông chẳng chấp nhận đứa con dâu không chịu "hầu chồng hầu con" nên không phản đối khi chúng ly hôn.

Con trai ly hôn chưa được bao lâu thì con gái về khóc lóc bảo càng ngày không thể chịu nổi người chồng xem vợ như "con ở". Đã thế, anh ta còn đánh đập vợ mỗi khi sao nhãng việc phục vụ chồng con do bận việc cơ quan, hoặc ốm đau mệt mỏi. Bà đau xót thấy con bị đánh bầm tím mặt mày, ông cũng "nóng mắt" khi con rể bạo lực với vợ. Ông gọi con rể sang răn dạy, nó ví dụ luôn sự tự tận tụy "hầu chồng con" của bà, sự oai phong làm đàn ông trong nhà của ông lâu nay để lý giải việc "giáo dục" vợ mình. Ông bà ngồi nghe mà trong lòng tê tái.


Ông bà đã không nghĩ được các bậc cha mẹ dạy con bằng chính đời sống hôn nhân của mình, vợ chồng cùng chia bùi sẻ ngọt với nhau, con gái là người bạn, người vợ, chứ không phải là "người hầu" của chồng mình và, con trai phải biết làm người chồng biết chia sẻ với vợ thì hôn nhân mới hạnh phúc.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.