“Quỹ đen” trong hôn nhân: Ngoài lý còn phải có tình !

Chia sẻ

Dù muốn hay không, “quỹ đen” luôn tồn tại trong cuộc sống hôn nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu vợ chồng ứng xử với “quỹ đen” ngoài cái lý còn có cái tình thì hạnh phúc sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng. Theo đó, “quỹ đen” không là “mối hiểm họa” như mọi người vẫn nghĩ.

Đừng quá ác cảm, định kiến với "quỹ đen" của bạn đời 

Trước khi tham gia bàn luận về vấn đề này, tôi đã thử tìm hiểu ngữ nghĩa, bản chất của “quỹ đen” như thế nào để hiểu vì sao trong tiềm thức của nhiều người lại mặc định “quỹ đen” là… xấu xa, để rồi có ác cảm và định kiến sâu sắc với nó như vậy.

Theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), “quỹ đen” là một tài khoản tiền tệ phụ trợ, quỹ dự phòng kín đáo, thiếu minh bạch và không cần phải ghi vào sổ sách hay tính toán, cũng như công khai các báo cáo về các khoản thu -chi. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, “quỹ đen” dùng để chỉ những khoản tiền vợ hoặc chồng giấu để dùng riêng.

Như vậy, ngay từ bản chất, nó đã được mặc định với ý nghĩa xấu, không minh bạch. Do đó, khi chồng/vợ có khoản tiền riêng sẽ bị mặc định đó là “quỹ đen”, dẫn đến nghi ngờ, thiếu tin tưởng lẫn nhau. Hôn nhân từ đó xuất hiện mâu thuẫn, hạnh phúc lung lay. Đây chính là “cái lý” để mọi người phủ nhận sự tồn tại của “quỹ đen” và quy tội cho bạn đời khi có khoản tiền riêng này.

Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận “quỹ đen” trên góc độ tình cảm để suy xét vì sao vợ/chồng mình lại âm thầm tạo lập khoản tiền giấu giếm chi tiêu sau lưng mình. Nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ về nguyên nhân vì sao lập “quỹ đen”, tôi chắc chắn đa số người chồng/người vợ sẽ có chung câu trả lời là vì sự khó khăn, không thoải mái của bạn đời khi họ muốn rút tiền chung ra chi tiêu cá nhân, hoặc giúp đỡ người thân của mình. Như vậy, xét về tình, vợ chồng đã thiếu đi sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau những tâm tư về nhu cầu cá nhân, về nghĩa vụ đối với người thân của mình trong cuộc sống.

Không ít người vợ/người chồng lập “quỹ đen” chỉ để thỉnh thoảng mua đồng quà tấm bánh biếu bố mẹ, hỗ trợ họ khi ốm đau bệnh tật… vì bạn đời không quan tâm tới bố mẹ chồng/ bố mẹ vợ, hoặc có nhưng hời hợt. Trong khi bổn phận làm con, họ không thể thờ ơ với chữ hiếu. Vậy nhưng khi họ bị bạn đời phát hiện có khoản “quỹ đen” ấy thì lập tức bị “quy tội”, lên án nặng nề.

Vì thế theo tôi, trong câu chuyện này, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận về “quỹ đen”. Đó là đừng quá ác cảm, mang nặng định kiến về nó. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn nhận nó thấu tình đạt lý hơn, để “quỹ đen” không còn là khoản tiền bất minh mà là khoản tiền riêng được thừa nhận và tồn tại công khai. Bấy giờ, nó không còn là hiểm họa trong hôn nhân khiến tình cảm vợ chồng tương tàn.

Nguyễn Phương Nhung
(giáo viên mầm non,
tổ dân phố số 3, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Nhiều người vợ khó khăn khi đưa tiền cho chồng chi tiêu nhu cầu cá nhân dẫn đến việc chồng âm thầm lập “quỹ đen” 	ảnh minh họaNhiều người vợ khó khăn khi đưa tiền cho chồng chi tiêu nhu cầu cá nhân dẫn đến việc chồng âm thầm lập “quỹ đen” ( Ảnh minh họa )

Ích kỷ, kém cỏi vì không có… “quỹ đen”

Nhiều người cho rằng “quỹ đen” xấu và mặc định luôn nếu vợ/chồng có “quỹ đen” là người tồi tệ, quay sang lên án, kết tội họ. Thế nhưng, trong cuộc sống những người chồng, người vợ không có một đồng “quỹ đen” chưa hẳn là tốt. Tôi đã từng chứng kiến cuộc sống của một anh hàng xóm “mẫu mực” trong mắt vợ, nhưng lại trở thành người cha, người con nhu nhược không có tiếng nói, chính kiến để bảo vệ con cái, lẫn bố mẹ, anh chị em ruột của mình.

Vợ chồng cô làm nghề buôn bán vải ở chợ. Anh là chủ lực trong tìm kiếm nguồn hàng, khách hàng. Xét về phương diện kiếm tiền, anh có vai trò lớn nhưng kinh tế lại quy về một “giỏ chung” do cô vợ quản lý. Mọi chi tiêu của anh được cô tính toán từng đồng vừa đủ, không bao giờ dư. Nhờ đó, họ xây nhà biệt thự, mua được xe ôtô. Cô vợ cho rằng mình thành công trong quản lý kinh tế lẫn quản chồng, hôn nhân như thế là viên mãn.

Thế nhưng đằng sau đó, chồng cô là người con nhu nhược, bất hiếu, giàu có nhưng không phụ giúp kinh tế cho bố mẹ đẻ được bao nhiêu, anh em lúc cần giúp đỡ cũng chẳng bao giờ vay mượn anh được đồng nào. Quan hệ xã hội của anh chỉ mở rộng nếu có sự tham gia của vợ, nếu không thì chẳng dám giao lưu với ai, vì không dám tay không đi ra ngoài. Với con cái, mỗi lần chúng muốn mua bán, hay đầu tư học hành, anh cũng chẳng thể quyết cho con. Bởi nếu anh quyết mà không có quyền chi tiều thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Cứ thế, anh trở thành người đàn ông kém cỏi, nhu nhược trong mắt mọi người.

Thế nhưng bên cạnh đó, vợ chồng em trai của anh thì lại khác dù chẳng giàu có bằng vợ chồng người anh. Họ trở thành dâu hiền rể thảo đối với cha mẹ hai bên, lúc nào trông cũng phong độ trong mắt bạn bè, đồng nghiệp. Có được điều đó là do vợ chồng họ độc lập về kinh tế, ai cũng có “quỹ đen” để chi tiêu cá nhân, đối đáp với người thân trong gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội. Họ thống nhất khoản đóng góp chung trong gia đình và thừa nhận mỗi người có khoản tiền riêng khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Tôi kể lại câu chuyện này là để thấy nếu vợ chồng cứ cứng nhắc với vấn đề “quỹ đen” theo cái lý mà thiếu cái tình thì sẽ khiến bản thân lẫn bạn đời trở nên ích kỷ, kém cỏi, sống thiếu trách nhiệm với bố mẹ, anh chị em trong gia đình…

Trần Anh Vũ
(Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.