Quyền tham gia của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào người lớn
Quyền trẻ em được đặc biệt quan tâm, được đề cập trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016, chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và nhiều văn bản liên quan khác. Bởi vậy, cần tạo môi trường để trẻ em thực hiện tốt quyền chính đáng này của mình, nhất là từ trong gia đình.
Quyền tham gia của trẻ em ngày càng được coi trọng
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Điển hình là Luật Trẻ em được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 5/4/2016 đã dành riêng 1 chương quy định về quyền tham gia của trẻ em. Theo đó, trẻ em được quyền tham gia vào tất cả vấn đề liên quan đến trẻ em, các quyền tham gia của trẻ em được thực hiện đầy đủ, sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ em.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã tổ chức nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng cho trẻ em như: Hội đồng trẻ em, Chương trình lắng nghe tiếng nói trẻ em, hộp thư Điều em muốn nói, trò chuyện cùng cô Hiệu trưởng, CLB Quyền trẻ em, CLB Phóng viên nhí… Nổi bật trong số đó phải kể đến mô hình Hội đồng trẻ em do Hội Đồng Đội TW phối hợp Cục Trẻ em và các chuyên gia triển khai vận hành từ năm 2017, trong đó có Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức, là kênh thông tin quan trọng để các cấp, ngành hoàn thiện các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em.
Một buổi đối thoại, giao lưu với chuyên gia về bình đẳng giới do Hội LHPN quận Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức cho học sinh trường Phổ thông Hermann Gmeiner, giúp các em bày tỏ quan điểm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Ảnh: Quỳnh Anh
Tuy nhiên, việc tạo môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng để trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em vẫn còn đó nhiều thách thức. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Phó Chủ nhiệm CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế về quyền tham gia của trẻ em: Do nhận thức của gia đình và xã hội, do văn hóa truyền thống, hạn chế của cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em, rào cản về ngôn ngữ với trẻ em dân tộc thiểu số. Đặc biệt, thời gian gần đây, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến hàng triệu trẻ em bị hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, các thành viên gia đình, xã hội khiến các em trở nên dễ bị tổn thương hơn. Thêm vào đó, việc học tập, giải trí của nhiều em gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại và internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài đã khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ hơn bị xâm hại trên môi trường mạng…
Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định…
Còn theo anh Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, sự tham gia của trẻ em qua các chương trình lắng nghe vẫn những thách thức: Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, các hoạt động chỉ tổ chức cho có hình thức. Mô hình đối thoại học đường là để các em đối thoại với phụ huynh và nhà trường sao cho có môi trường học được thoải mái nhất nhưng không phải trường nào cũng làm được. “Còn trong gia đình, khi thực hiện một khảo sát với 900 hộ gia đình ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy, có chưa đến 15% số gia đình khảo sát dành cho con cái họ trên 30 phút mỗi ngày, nghĩa là việc phụ huynh lắng nghe tiếng nói của con mình vẫn còn hạn chế!”.
Tôn trọng tiếng nói trẻ em từ trong gia đình
Tại giao lưu trực tuyến “Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình' do Hội Đồng Đội Trung ương tổ chức vừa qua, tiến sĩ Đặng Tất Dũng, giảng viên Đại học Luật, cho biết quyền tham gia của trẻ em trong gia đình được Luật Trẻ em năm 2016 dành ra điều riêng để nói về việc trong gia đình, cha mẹ và các thành viên tôn trọng, xem xét, lắng nghe những nguyện vọng của trẻ em. “Tức là trẻ em có quyền nói lên tiếng nói của mình trong những vấn đề của gia đình” - tiến sĩ Dũng nói.
“Nếu ở nhà các em được nói lên tiếng nói của mình, các em sẽ mạnh dạn nói lên tiếng nói, góp ý các vấn đề trong xã hội. Các em sẽ độc lập hơn và có tính phản biện hơn” – Anh Dũng bày tỏ. Theo anh, việc lắng nghe trẻ không chỉ đơn thuần chỉ là sự sẻ chia trong giao tiếp thông thường mà còn ở rất nhiều vấn đề có liên quan đến trẻ và cả những vấn đề trong gia đình.
Nếu ở nhà, trẻ được nói lên tiếng nói của mình, các em sẽ mạnh dạn nói lên tiếng nói, góp ý các vấn đề trong xã hội. Ảnh: UNICEF
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH: Ở nước ta, việc thực hiện quyền trẻ em trong gia đình chủ yếu qua hình thức trò chuyện với cha mẹ; trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy; ở cộng đồng thông qua hoạt động truyền thông, hoạt động Đoàn đội, CLB trẻ em, các sự kiện liên quan đến trẻ em.
Thực tế những năm gần đây, bạo lực gia đình ngày một gia tăng, nhiều vụ bạo hành dã man do chính những người làm cha làm mẹ gây ra. Nó xuất phát từ nhận thức, quan niệm coi chuyện đánh con là bình thường để dạy dỗ con nên người. Chính sự bảo thủ nặng nề này mà không ít trẻ em bị bạo hành về thể xác và tinh thần, hậu quả là không ít em đã có hành động dại dột thương tâm, nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội, bị đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
“Tương lai của trẻ em phụ thuộc vào suy nghĩ, nhận thức, thái độ của người lớn hôm nay. Cha mẹ và gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Được làm quen với ý nghĩa của sự bình đẳng và tôn trọng, trẻ sẽ phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm. Vì vậy có thể nói, quyền tham gia của trẻ em phụ thuộc vào người lớn, nhất là những người bố, người mẹ. Người lớn cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ được phát triển, tăng mức độ tự tin, lòng tự trọng, có động cơ và hứng thú thực hiện công việc của mình để các em phát triển toàn diện, đủ năng lực trở thành thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước”, bà Nga cho biết.
MAI CHI