Sau ly hôn vẫn bị… chồng cũ bạo hành

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trước vụ việc một phụ nữ tố bị chồng cũ bắt cóc, đánh đập dã man trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm nắm bắt tình hình, từ đó có biện pháp và tiếng nói bảo vệ nạn nhân.

Sau ly hôn vẫn bị… chồng cũ bạo hành - ảnh 1
Những vết thương của chị H do chồng cũ đánh Ảnh: NVCC
 

Ngày 16/9, công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập đối tượng Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1991, trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Trước đó, ngày 7/9, Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận đơn tố giác của chị T.T.H.H (sinh năm 1991, trú cùng địa chỉ) về việc bị Nguyễn Ngọc Thắng, chồng cũ có hành vi đánh đập, gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản của chị.

Theo đơn trình báo của chị H (sinh năm 1991, quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện đang làm việc trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khoảng 20h ngày 6/9/2022, khi đang làm việc tại siêu thị Vinmart Khu ngoại giao đoàn (thuộc phường Xuân Tảo) chị bị chồng cũ đến tìm để nói chuyện. Sau đó, cả 2 phát sinh mâu thuẫn. Thắng đánh đập và ép chị H đi lên nhà nghỉ tại khu vực tỉnh Hòa Bình và tiếp tục giữ chị H đến 16h ngày 7/9/2022. 

Sau đó, Thắng đưa chị H đến Bệnh viện Đại học Y. Quá trình này, Thắng đọc được tin nhắn của một nam giới gửi cho chị H đã nổi tính ghen tuông nên tiếp tục đánh đập chị. Chị H lợi dụng sơ hở để bỏ trốn. Theo chia sẻ của người nhà chị H, chị và anh Thắng đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức hôn lễ. Quá trình chung sống, do có nhiều mâu thuẫn nên cả hai đã ly hôn. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm nắm bắt tình hình, từ đó có biện pháp và tiếng nói bảo vệ nạn nhân. Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo Hội LHPN phường Xuân Tảo nắm bắt thông tin, đồng thời, có công văn gửi cơ quan điều tra, công an quận Bắc Từ Liêm. Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN quận nhận thấy, đây là vụ việc bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tinh thần của phụ nữ. Do đó, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN quận đề nghị cơ quan công an quận Bắc Từ Liêm có biện pháp điều tra, xử lý nghiêm minh vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị H. 

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi của Thắng đối với vợ cũ như đánh, giữ... liên tục làm cho chị H bị thương, tổn hại sức khỏe đã xâm phạm đến quyền về sức khỏe của người khác đã được pháp luật bảo hộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, chồng cũ của chị H cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2-3 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị H được xác định từ 11% trở lên, Thắng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Thực tế, hậu ly hôn, nhiều người vợ/chồng cảm thấy tiếc nuối nên tìm cách níu kéo. Dù không còn hôn thú với nhau, họ vẫn tìm cách sở hữu, kiểm soát, thúc ép vợ cũ quay lại chung sống. Tuy nhiên, khi tòa án đã thuận tình ly hôn, hai người không có mối quan hệ vợ - chồng nữa mà chỉ có mối ràng buộc đối với nghĩa vụ chăm sóc con cái (nếu có). Nếu người chồng tiếp tục đe dọa, làm phiền, gây rối, người vợ có thể tố cáo chồng cũ. 

Tiến sỹ Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm cho rằng, cuộc hôn nhân đổ vỡ do sự hận thù, bạo hành luôn tạo ra tâm lý tiêu cực cho người còn lại, dẫn đến người kia tìm cách níu kéo, chiếm giữ hoặc phá bỏ. Nếu người vợ không còn tình cảm thì cần cương quyết thể hiện sự rõ ràng trong mối quan hệ với chồng cũ/vợ cũ, đồng thời, tìm cách bảo vệ bản thân bằng hệ thống pháp luật, tổ chức bảo vệ nhân quyền, sự can thiệp của các tổ chức chính trị xã hội nơi cư trú cũng như người thân trong gia đình, không tạo cơ hội cho người cũ làm phiền liên tục. 

“Khi thấy người chồng cũ có những biểu hiện tiêu cực như làm phiền, níu kéo bằng bạo lực, chị em phụ nữ cần phải có thái độ bình tĩnh và kiềm chế; khéo léo, nhẹ nhàng để thoát khỏi tầm kiểm soát của họ, không nên có thái độ gay gắt, thách thức khiến bản tính ích kỷ của chồng cũ nổi lên gây nguy hiểm cho bản thân. Nếu sự gây hấn, đe dọa diễn ra thường xuyên, người vợ cũ phải nhờ người thân, gia đình can thiệp và báo cáo kịp thời sự việc đến chính quyền địa phương để có biện pháp vận động và ngăn chặn kịp thời” - TS Mã Ngọc Thể khuyên. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.