Soi gương….mẹ chồng

Chia sẻ

Có chị em cho rằng, khi đi làm dâu muốn bản thân sống tốt hơn thì cứ soi gương… mẹ chồng. Dù đó là "gương tốt" hay "gương chưa tốt" thì cũng đều mang lại những bài học cho mình.

(Ảnh: Minh họa)

Soi gương….mẹ chồng - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

1. Chị kể, tính "tuổi làm dâu" thì đến nay đã trên 30 năm có lẻ. Chừng đó thời gian sống bên cạnh bà mẹ chồng "ghê gớm", chị góp nhặt và trang bị cho mình thêm nhiều kinh nghiệm sống.

Mẹ chồng chị là một phụ nữ "cai quản" gia đình theo chế độ mẫu quyền. Bà có quyền uy và tiếng nói nhất trong gia đình. Ai cũng bảo vì bà ghê gớm nên luôn lấn át chồng con, sai hay đúng chẳng ai dám cãi. Vì vậy, khi chị về làm dâu, cuộc sống ít khi êm ả bởi sự xét nét của mẹ chồng. Bà để ý chị từng lời ăn tiếng nói, từng việc làm trong nhà. Mỗi lần quét nhà xong, chị không để chổi đúng vị trí cũng bị bà vin vào nói quàng xiên đủ thứ. Hay, hôm nào cơm nước cho gia đình lỡ bữa, thức ăn mặn nhạt, chị nước mắt chan cơm hôm đó với mẹ chồng.

Chồng chị nhu nhược trước mẹ nên chẳng thể bênh vực vợ mỗi lần chị bị uất ức. Con cái sinh ra, chị và mẹ chồng bị đẩy vào hai chiến tuyến của cuộc chiến nuôi con chăm cháu. Bà nuôi cháu theo phương pháp áp đặt, độc đoán như đã từng nuôi mấy đứa con của mình, còn chị lại muốn con lớn lên tự lập, có chính kiến. Mâu thuẫn dai dẳng, mẹ chồng luôn ở thế thắng, còn chị ở thế thua.

Có nhiều người chứng kiến cảnh mẹ chồng đối xử với con dâu tệ bạc, bèn "xui" chị kéo chồng ra ngoài sống riêng. Thậm chí, họ bảo nếu chịu không nổi thì ly hôn, sống khổ thế cả đời sao được. Nhưng, chị chẳng ra ngoài sống riêng, cũng chẳng có ý định ly hôn mà cố gắng làm dịu bớt mức độ mâu thuẫn giữa mẹ chồng con dâu hàng ngày.

Những lần chị em phụ nữ ngồi bàn luận chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Chủ đề nhạy cảm đó được rất nhiều chị em bức xúc, "tố cáo" không ít bà mẹ chồng "xấu nết ăn, nết ở". Đến lượt chị kể, người nghe bất ngờ bởi sự thông cảm thay vì hằn học, ghét bỏ, uất ức khi sống cùng mẹ chồng ghê gớm. Chị bảo, trước đây bản thân cũng ấm ức nhiều nhưng rồi từ khi nghe bố chồng kể về quãng đời làm dâu của bà cũng bị mẹ chồng đè nén, thì chị mới hiểu. Hóa ra, mẹ chồng của bà cũng thuộc hàng ghê gớm, khiến cuộc sống làm dâu của bà khốn đốn vô cùng. Sự đối xử tệ bạc ấy đã khiến bà bị ảnh hưởng và trở thành bản sao của mẹ chồng. Bà cho rằng trước đây mình làm dâu thế nào thì bây giờ con dâu cũng phải thế ấy. Bà cũng muốn thể hiện "quyền uy" trong gia đình giống như mẹ chồng ngày xưa.

Vì thế, khi "soi gương xấu" của mẹ chồng, chị không muốn mình trở thành một bản sao tiếp theo. Chị muốn làm một bà mẹ chồng tốt trong lòng con dâu sau này.

2. Hai đứa con trai lần lượt lấy vợ, chị lên chức mẹ chồng. Hai con dâu chị thuộc thế hệ @, sống theo xu hướng nhanh, tiện lợi, chú trọng cảm xúc, sở thích cá nhân. Dù ở riêng, nhưng mỗi đứa một tính nết khác nhau, ứng xử thế nào để mẹ chồng và con dâu đều bằng mặt, bằng lòng không hề dễ dàng.

Hàng xóm ngạc nhiên khi thấy hai con trai chị lấy vợ xong rồi kéo nhau ra ngoài sống riêng, chẳng đứa nào chịu sống chung với bố mẹ. Nhiều người chứng kiến cảnh hai con dâu chị sống kiểu "không biết trên biết dưới" mỗi khi về nhà bố mẹ chồng cũng lắm phen "nóng mắt" bức xúc thay cho chị. Ấy vậy mà chẳng thấy chị to tiếng, bài xích con dâu một lời nào, lúc nào cũng cười nói, thân tình, chiều dâu hơn chiều con, chiều chồng.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, hết thời gian giãn cách xã hội, vợ chồng con trai thứ chuyển về sống chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng con dâu ra đường lúc nào cũng tíu tít. Đặc biệt cô con dâu, mỗi lần gặp hàng xóm hay người quen đều luôn miệng khen mẹ chồng. Cô bảo ban đầu xin ra ngoài sống riêng là vì bản thân không biết nấu ăn, sợ sống chung với mẹ chồng bị xét nét khoản nội trợ, mâu thuẫn mất tình cảm. Thế nhưng, mẹ chồng cô lại chẳng vì thế mà ghét bỏ hay chỉ trích con dâu, lại còn chấp nhận và bằng lòng với việc cô sử dụng dịch vụ để giải quyết vấn đề đó. Lúc nào mẹ chồng cũng bảo với cô, không khí gia đình mới quan trọng nhất, ăn đồ nấu sẵn mà vợ chồng, mẹ con vui vẻ còn hơn là tự mình vào bếp rồi cãi vã, giận dỗi nhau. Thỉnh thoảng, mấy mẹ con vào bếp làm bữa ăn cải thiện cho gia đình là được.

Cách sống thoáng ấy của mẹ chồng khiến cô thấy bà là người tốt, lúc nào cũng yêu thương con cháu. Vì thế, cô không còn sợ, ngại mẹ chồng nữa mà thấy việc sống chung lại tốt cho cả hai bên.

Cô con dâu trưởng thỉnh thoảng về thăm bố mẹ chồng nhưng tâm thế lúc nào cũng vui vẻ. Trên các hội nhóm trên mạng xã hội, cô là người lan tỏa nhiều bức ảnh "mẹ chồng quốc dân" nhất. Trong lòng cô, mẹ chồng là người tốt bụng mà còn rất hiện đại, phá bỏ quan niệm mẹ chồng-con dâu khác máu tanh lòng. Ngược lại, cô bảo cố gắng noi gương tốt của mẹ chồng để sau này cũng trở thành "mẹ chồng quốc dân" giống như bà.

Hóa ra, chuyện mẹ chồng-con dâu không hẳn chỉ là quan niệm "khác máu tanh lòng", ứng xử theo kiểu "mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng", mà còn là những bài học sống giá trị cho mỗi người.

Kiều Chinh

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.