Sống vui với mẹ chồng... ngoại quốc

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lấy chồng người nước ngoài, là không chỉ kết hôn với một con người cụ thể, mà còn phải “nhập gia tuỳ tục” cả với một gia đình, và một nền văn hóa. Trong đó có mẹ chồng - người mà bất cứ cô dâu nào cũng mong muốn hòa hợp.

Sống vui với mẹ chồng... ngoại quốc - ảnh 1
Thu Hiền và mẹ chồng rất hay chụp ảnh selfie cùng nhau Ảnh: NVCC

Mẹ chồng chưa từng giục tôi phải có con 
Hai vợ chồng Nguyễn Thu Hiền (28 tuổi, sống tại Incheon, Hàn Quốc) vừa có chuyến “về ngoại” dài hơi và tranh thủ đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam. Xa nhà, theo chồng về Hàn Quốc làm dâu đã được 3 năm, Hiền chia sẻ, chưa bao giờ nghĩ sẽ được làm dâu… thoải mái như thế. 

Quen nhau từ dịp chồng sang Việt Nam làm việc, Hiền quyết định về chung nhà với người đàn ông Hàn Quốc này sau 2 năm yêu nhau. Ngày biết tin con gái sẽ lấy chồng là người nước ngoài, bố mẹ Hiền khá lo lắng vì ở một đất nước xa lạ, với nhiều khác biệt văn hóa, liệu con gái có thể hòa nhập được không? Chưa kể còn những mối quan hệ vốn đã bị xem là xung khắc bao lâu nay như mẹ chồng với nàng dâu. Bản thân Hiền khi đó cũng chưa có nhiều thời gian tìm hiểu về nhà chồng trước khi kết hôn. Đặc biệt là tiếng Hàn với Hiền còn xa lạ quá. 

Những ngày đầu, cô chủ yếu trò chuyện với chồng và bố mẹ chồng bằng tiếng Anh. Ngôn ngữ thứ ba này khiến họ khó có thể bày tỏ hết cảm xúc và ý nghĩ. Thấy vậy, mẹ chồng Hiền chủ động nhắn tin, trò chuyện nhiều hơn với cô, và Hiền cũng thường xuyên nhờ chồng phụ đạo, giảng giải để dần dần nâng cao vốn tiếng Hàn. “Khi đã phần nào vượt qua ranh giới về ngôn ngữ thì khoảng cách của sự khác biệt cũng dần dần ngắn lại”- Hiền cho biết.

Với Hiền, mẹ chồng là một người bạn gần gũi và lo lắng cho cô. Lúc mới sang Hàn, chưa có công việc, chủ yếu Hiền chỉ ở nhà, chính mẹ chồng liên tục rủ rê cô đi chơi, đi làm đẹp, mua sắm… để giúp cô thoải mái và nhanh chóng hòa nhập với nếp sống ở xứ người. “Mẹ chồng mình vẫn còn làm việc, bà là một người làm về truyền thông nên suy nghĩ rất cởi mở và hiện đại. Sâu thẳm trong tim, mình thực sự xúc động và trân trọng khi bà nói không hề đặt nặng chuyện chúng mình phải có con ngay sau khi kết hôn. Bà muốn các con có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự, chứ không phải là đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn truyền thống”. Hiền chia sẻ. Chính mẹ chồng giúp cô gạt bỏ những lo lắng về “lấy chồng ngoại quốc” và khiến cô tin tưởng hơn vào cuộc hôn nhân của mình.

“Có mẹ đây rồi, hôm nay con sẽ được nghỉ ngơi!”
Chị Kim Chi (sống tại Montabaur, Đức) vẫn nhớ mãi câu nói ấy, nó như một câu thần chú mà mẹ chồng người Đức dành cho chị, mỗi khi bà đến nhà riêng thăm vợ chồng chị. “Có thể nói, mẹ chồng mình là người phụ nữ quyền lực trong gia đình. Bà nói gì, quyết định gì, con cháu đều nghe theo, bởi vì điều gì bà nói ra cũng có lợi cho con cháu” - chị Chi chia sẻ. 
Một trong những quyết định của mẹ chồng chị chính là ủng hộ các con cưới người mình yêu. “Chính vì vậy mẹ chồng người Đức của mình có một con dâu là người Việt Nam, một con rể là người Hà Lan, không ai là người Đức luôn đấy!”- chị Chi cho biết thêm. 

Cuộc sống xa nhà, xa quê hương, xa vòng tay của bố mẹ đẻ, nhưng may mắn đến với chị Chi bằng một gia đình chồng luôn ấm áp, có mẹ chồng yêu thương và tâm lý. Mỗi khi chỉ cần nhắc đến bà thôi mình cũng cảm thấy rất vui vẻ và phấn khích rồi.

Với chị Chi, điều làm chị thêm yêu mến mẹ chồng là bởi sự tinh tế của bà. Chị nhớ, sinh nhật chị năm nào, mẹ chồng cũng tặng hoa, quà và tiền. “Nhưng bà biết mình sẽ không lấy nên bà thường chuyển khoản hoặc giấu trong hộp kẹo, khi về bà mới nhắn tin kẻo mình bóc ra ăn, không để ý mình vứt hộp đi lại vứt luôn cả tiền trong đó. Hay như chuyện hồi con mình mới 3 tháng tuổi, mẹ chồng bảo đưa các cháu qua bà trông mỗi tuần 2 buổi, rồi vợ chồng đi đâu thì đi. Bà bảo làm thế để giúp con tạo thói quen tự lập, không bám bố bám mẹ và đồng thời cũng để hai vợ chồng có thời gian bên nhau, hâm nóng tình cảm. Bởi vậy, mặc dù bà không sống cùng nhưng các cháu nội ngoại của bà đều quấn bà”- chị Chi chia sẻ. 

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào vợ chồng chị cần mẹ chồng giúp thì bà sẽ có mặt mặc dù 2 nhà cách nhau hơn 200km. Lần nào đến bà cũng sẽ vào bếp nấu những món truyền thống của người Đức rồi cả nhà cùng ăn. Mới đầu mình cũng khá bất ngờ, nhưng riết thành quen, cứ hôm nào mẹ chồng xuất hiện là các cháu bám bà không rời. Mấy bà cháu cả ngày ríu rít nấu nướng làm bánh trong bếp, còn việc của mình chỉ là đứng chụp hình xong rồi được nếm thử. Với gia đình chị Chi, những lúc cả nhà đến thăm bà thì vợ chồng con cái như được nạp đầy năng lượng để chuẩn bị guồng quay cho cuộc sống, công việc, học tập của tuần mới. 

Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhiều bạn trẻ Việt hiện nay đang yêu hoặc lấy chồng/vợ là người ngoại quốc. Có trình độ học vấn, suy nghĩ cởi mở và hiện đại đã khiến những con người ở mọi quốc gia trên thế giới có thể về chung sống trong một nhà. Tuy nhiên, vẫn có ít nhất ba điểm bất đồng chính trong các cặp hôn nhân khác quốc tịch: Thứ nhất là có sự khác biệt về văn hóa. Thứ hai là có sự hiểu lầm về tình cảm, mục đích khi lập gia đình với người nước ngoài. Điểm thứ ba thường là giáo dục con. Do vậy, để cho một cuộc hôn nhân, bất kể là cùng hay khác nguồn gốc quốc tịch có thể được lâu bền, đôi bên phải cùng nhau hiểu rằng họ không chỉ kết hôn với một con người cụ thể, mà còn cả với một gia đình, và một nền văn hóa. Những câu chuyện về chị Hiền, chị Chi sống vui vẻ, hòa hợp với mẹ chồng ngoại quốc sẽ không hiếm nếu người phụ nữ biết trân trọng giá trị bản thân và chủ động xóa nhòa khoảng cách về văn hóa, thế hệ để hạnh phúc thực sự trong ngôi nhà thứ hai của mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.