Tại sao con càng lớn càng bướng
(PNTĐ) - “Con em càng ngày càng bướng, chị ạ!”, bạn có thấy câu này quen quen không? Riêng mình thì nghe gần như mỗi ngày trong các cuộc tư vấn với phụ huynh có con đang ở độ tuổi tiểu học.

Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao con càng lớn lại càng bướng bỉnh, khó bảo hơn? Đôi khi chỉ là những việc nhỏ như mặc quần áo, ăn cơm, tắt tivi, học bài... cũng có thể biến thành một “cuộc chiến”.
Có thật là do “tính con như vậy”? Hay đó là kết quả của cách chúng ta đã dạy dỗ, phản ứng và kết nối với con trong suốt những năm tháng đầu đời?
Bướng bỉnh là gì? Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, bướng bỉnh không đơn thuần là “cứng đầu” mà là một biểu hiện của nhu cầu kiểm soát bản thân. Trẻ bướng thường có xu hướng: Không dễ dàng chấp nhận mệnh lệnh/ Phản kháng khi bị ép buộc/ Khăng khăng làm theo ý mình...
Nhưng đây không phải là “hư” mà là dấu hiệu cho thấy trẻ đang cố gắng khẳng định sự độc lập. Tiến sĩ Laura Markham, tác giả cuốn Peaceful Parent, Happy Kids cho rằng: “Mỗi hành vi “bướng” đều ẩn chứa một cảm xúc không được công nhận. Khi cha mẹ càng ép, trẻ càng phản kháng”.
Nhiều nghiên cứu giáo dục cho thấy, những trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ có phong cách nuôi dạy độc đoán, hay ra lệnh, ít lắng nghe, ít thấu hiểu sẽ dễ dẫn đến một trong hai hệ quả:Trẻ phục tùng nhưng thiếu tự tin/ hoặc trẻ phản kháng mạnh mẽ, trở nên bướng bỉnh. Trong khi đó, những đứa trẻ được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến thường sẽ hợp tác hơn vì chúng cảm thấy được công nhận và có vai trò trong gia đình.
Một nghiên cứu nổi tiếng khác từ Trường Đại học California cho thấy: “Trẻ em có cha mẹ áp đặt quá mức sẽ có xu hướng phát triển hành vi đối đầu hoặc né tránh giao tiếp với cha mẹ khi trưởng thành”.
Vậy thì bướng bỉnh có phải là dấu hiệu trẻ đang tìm chính mình?
Ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, trẻ bắt đầu nhận biết mình là một cá thể riêng biệt với cha mẹ. Việc trẻ nói "Không!" không phải để làm khó cha mẹ mà là để khẳng định sự tồn tại, mong muốn và giới hạn của bản thân. Nếu cha mẹ không hiểu và càng gồng lên để “thắng” thì trẻ sẽ càng cứng đầu để không “thua.” Nhưng nếu cha mẹ chọn cách dừng lại, lắng nghe, kết nối, thì trẻ sẽ bớt bướng bỉnh không phải vì bị khuất phục mà vì cảm thấy an toàn để hợp tác.
Bướng bỉnh không phải là "tật" cần phải uốn nắn mà là tiếng nói cần được lắng nghe. Thay vì đối đầu thì cha mẹ hãy chuyển sang đối thoại, trẻ sẽ từ từ “bớt bướng” mà không cần phải bị ép buộc. Dr. Becky Kennedy có nói “Trẻ con không cần cha mẹ hoàn hảo. Trẻ chỉ cần cha mẹ đủ kiên nhẫn để hiểu chúng đang thực sự muốn điều gì”.
Nếu giờ bạn đang gặp khó khăn vì con mình “bướng hoặc rất bướng” hãy tự hỏi: Liệu con đang cần điều gì mà chưa nói được thành lời? Câu trả lời không nằm trong việc "thắng thua" giữa cha mẹ và con cái mà nằm ở sự đồng hành trong đó chứa đầy sự thấu hiểu và thương yêu vô điều kiện.