Tết đầu tiên làm dâu

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lấy chồng xa nhà hàng nghìn cây số, nghĩ đến Tết Phương vừa thấy chạnh lòng lại vừa lo lắng. Thế nhưng mọi chuyện lại nhẹ nhàng, hạnh phúc ngoài tưởng tượng.

Phương vừa mới kết hôn không lâu, Tết này là năm đầu tiên cô làm dâu nên có chút bỡ ngỡ. Phương là người Hà Nội, vào Đà Nẵng làm việc và lấy chồng ở đây nên với cô điều gì cũng mới mẻ, xa lạ.

Nhà chồng Phương vốn là khá giả, nền nếp và trọng lễ nghĩa. Mẹ chồng cô cũng là người gốc Bắc, tính tình rất nghiêm khắc. Từ ngày về làm dâu, chưa bao giờ Phương ngồi nói chuyện riêng với bà và cũng không dám trái lời điều gì, kể cả việc nhỏ nhất.

Vợ chồng Phương được bố mẹ mua cho một căn hộ ở trung tâm thành phố, gần chỗ làm. Thế nhưng cứ đến cuối tuần là hai vợ chồng lại về nhà để ở cùng bố mẹ. Không riêng gì vợ chồng Phương mà cả gia đình anh trai cả cũng có thói quen về nhà bố mẹ để ăn nghỉ vào cuối tuần.

Mẹ chồng Phương cho các con ở riêng để có không gian thoải mái, nhưng vẫn muốn cả gia đình mỗi tuần tụ họp 1-2 ngày để mọi người thêm gắn kết, thân thiết.

Tết đầu tiên làm dâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Phương vốn là người vui vẻ, hoạt ngôn nhưng khi ở với mẹ chồng thì ít nói hẳn. Cô sợ nói sai lại bị mẹ chồng mắng và đánh giá. Thịnh - chồng Phương cũng nhiều lần khuyên bảo vợ nên cởi mở hơn nhưng mà Phương vẫn cứ thấy ngại ngùng, rón rén.

Năm nay đón Tết nhà chồng, trong lòng Phương cảm xúc thật lẫn lộn. Cô vừa nhớ nhà vì không được ăn Tết quây quần bên bố mẹ và mấy đứa em, lại vừa lo lắng vì không biết ăn Tết nhà chồng sẽ thế nào.

Phương bận tâm về Tết đến mức cứ rảnh rảnh là cô lại hỏi đồng nghiệp về chuyện mọi người quà cáp thế nào, chuẩn bị cỗ bàn đón Tết ra sao. Nghĩ phong tục mỗi nhà một khác, Phương lại hỏi cả chồng khiến anh bật cười: “Em yên tâm, nhà mình ăn Tết cũng đơn giản lắm, em đừng căng thẳng làm gì”.

Phương vẫn nghĩ chồng an ủi để bớt lo lắng nên nhắn tin hỏi chị dâu. Nhưng Phương vẫn nhận được câu trả lời: “Mẹ khó thế thôi nhưng không cầu kỳ mấy ngày Tết đâu, em cứ thoải mái đi. Chị về làm dâu bao nhiêu năm, là dâu trưởng đấy mà không hề có áp lực gì. Như mọi năm bận, chị đưa tiền để mẹ sắm sửa, còn năm nay thì mấy hôm nữa chị em mình cùng mẹ bàn bạc xem mua sắm thế nào”.

Nghe chị dâu nói thế Phương cũng bớt lo lắng phần nào. Thế nhưng chị dâu vốn đảm đang, tháo vát, nấu ăn ngon được mẹ chồng khen suốt, còn cô thì lại vụng về và là dâu mới nên sợ sẽ bị xét nét, soi mói.

Cuối tuần nọ, Phương từ công ty về thẳng nhà mẹ chồng, vào nhà đã thấy bà đang lúi húi nấu cơm. Phương bước vào bếp chào hỏi rồi nhanh tay nhặt rau, rán cá. Mẹ chồng Phương mở lời: “Nhặt ít rau thôi con ạ, nhà anh Huy nay đi dự tiệc rồi mới sang, không ăn cơm nhà đâu”. Phương “Dạ” một tiếng rồi lại im lặng. Thấy vậy, mẹ chồng cô bắt đầu nói chuyện rồi kể về trải nghiệm ngày xưa về nhà chồng.

Phương có chút bất ngờ khi thường ngày mẹ chồng đối với cô cũng khó gần lắm. Phương nghĩ chắc chồng đã nói chuyện từ trước nên bà mới chủ động như vậy. Được lời như cởi tấm lòng, Phương cũng hỏi han về việc gia đình chồng ăn Tết, mua sắm những gì, có phải đi quà cáp họ hàng hay không.

Cứ như thế, mẹ chồng nàng dâu kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện. Phương líu lo nói nhiều đến nỗi mẹ chồng cũng phải thốt lên: “Mẹ cứ nghĩ con ít nói, trầm tính nhưng hóa ra là vì con ngại và sợ mẹ à”.

Rồi bà nói tiếp: "Ý con như thế nào thì phải nói, chứ cứ để trong lòng thành ra ấm ức, khó chịu, mà mọi người trong nhà lại thêm xa cách. Tính mẹ khó thì rất khó mà dễ cũng rất dễ”. Thấy mẹ chồng nói vậy, Phương rụt rè thưa: “Con có điều này muốn nói với mẹ mà ngại nên chưa dám mở lời. Con muốn mùng 2 được về ngoại vì đây là lần đầu tiên con ăn Tết xa nhà nên cũng nhớ mọi người lắm ạ”.

Phương vừa nói vừa dò ý mẹ chồng nhưng không thấy bà tỏ thái độ gì. Thế là, Phương cũng không còn tơ tưởng đến mong muốn được về quê nữa.

Tết đầu tiên làm dâu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đến một hôm, Phương đang làm việc ở công ty thì mẹ chồng gọi điện đến: “Vợ chồng con định về ngoại ăn Tết như thế nào?”. Phương bất ngờ vì không biết tại sao mẹ chồng lại hỏi đến chuyện này.

Cô hỏi lại thì bà đáp: "Bố mẹ bàn với nhau về một kế hoạch ăn Tết thú vị lắm, tối con đi làm về luôn bên nhà nhé. Cả nhà anh chị cũng sang đấy!”. Cuộc gọi điện của mẹ chồng khiến Phương vừa tò mò lại hồi hộp.

Sau bữa cơm cả nhà quây quần trong phòng khách, mẹ chồng Phương nói: “Tết bây giờ cũng không còn quá câu nệ như ngày trước là chỉ ở nhà nấu nướng rồi đi chúc nhà anh em, bạn bè. Năm nay bố mẹ muốn thay đổi một chút, không biết ý kiến các con thế nào?”. Bà ngừng một chút rồi nói tiếp: “Mẹ định cả nhà bay ra Hà Nội vào sáng mùng 2, đi thăm một vài nhà họ hàng của mẹ ở đấy, rồi về nhà bố mẹ Phương để chúc Tết, sau đó đi du xuân ở Sa Pa”.

Bà quay sang nói với Phương: “Mẹ muốn dịp này về thăm và chúc Tết ông bà thông gia. Mẹ rất hiểu là lòng con mong được về nhà lắm”. Phương nghe mà hạnh phúc ngập tràn, rưng rưng vì xúc động, giọng run run: “Con cảm ơn bố mẹ ạ”.

Bố chồng còn tuyên bố: “Ông bà sẽ tài trợ một nửa chi phí chuyến đi” khiến cả nhà ai cũng vui mừng, thích thú, đặc biệt là hai đứa cháu reo hò không ngớt vì được đi chơi xa. Sau đó, cả nhà rôm rả đặt vé máy bay, đặt khách sạn và bàn bạc về lịch trình đi lại. Từ ngày về làm dâu, chưa bao giờ Phương thấy thoải mái và vui vẻ như lúc này.

Ngày hôm sau là Chủ nhật, mẹ chồng Phương dẫn hai cô con dâu đi sắm Tết. Bà nói: “Sáng sớm mùng 2 nhà mình bay rồi nên mua đào, quất chơi ngay từ bây giờ cho được lâu. Lát vào cửa hàng mua cả đồ trang trí nữa, nhiệm vụ của mấy đứa hôm nay là dọn dẹp, trang trí nhà cửa cho bố mẹ đấy nhé!”. Hai chị em dâu đồng thanh trả lời “rõ ạ” và nhìn nhau cười khúc khích.

Đúng là trong mơ Phương cũng chưa bao giờ nghĩ cái Tết đầu tiên làm dâu lại nhẹ nhàng đến thế. Được về nhà với bố mẹ vào ngày Tết dù ở cách xa hàng nghìn cây số thực sự là điều quá tuyệt vời.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.